• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thấp thỏm ‘Vựa’ cà rốt

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 12/02/2019
Ngày cập nhật: 13/2/2019

Vốn nổi tiếng là vùng cà rốt lớn nhất huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh). Những thửa cà rốt xanh tốt, mơn mởn trong gió xuân như trái nghịch với nỗi lòng héo hon của người trồng vì lý do không mới - “mất giá”.

Vụ đông năm 2018, xã Cao Đức có 230 ha trồng cà rốt song hiện mới chỉ thu hoạch khoảng 30 ha, còn 140 ha đang đến kỳ thu hoạch vẫn xanh đồng chờ người tới thu mua. Bà Phạm Thị Cát có 6 mẫu trồng cà rốt ở thôn Trại Than lắc đầu: “Lúc đầu vụ, giá cà rốt lên đến 9.000-10.000 đồng/kg chúng tôi cũng phấn khởi lắm, những tưởng lại có một mùa vụ bội thu. Thế nhưng bây giờ, ruộng nhà tôi chỉ được trả giá 3.000 đồng/kg, thương lái cũng hỏi rồi chưa thấy quay lại. Chúng tôi không biết xoay sở sao với chỗ cà rốt chưa thu hoạch này.

May mắn hơn bà Cát, ông Đào Thanh Hưng ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương lên đây thuê đất trồng cà rốt đã được 3-4 vụ đang tích cực phân loại, đóng bao cà rốt. “Do có mối quen biết nên tôi được các thương lái trả giá 5.500 đồng/kg. Kể cả tiền thuê đất thì với giá này chả lãi lời bao nhiêu nhưng phải bán khẩn trương để chuyển sang vụ rau mới”.

Được biết, do thời tiết đầu vụ đông 2018 mưa nhiều, phần lớn diện tích cà rốt tại Cao Đức và những vùng đất bãi ven đê Gia Bình như Vạn Ninh, Thái Bảo… đều có tỷ lệ đậu củ kém hoặc củ bị trà. Về chất lượng, tỷ lệ củ loại 1 đẹp (kích cỡ đường kính 3-3,5cm, dài 15-20cm) chỉ được từ 1-1,5 tấn/sào, trong khi năm trước phải được 2 tấn/sào, có những nhà cao điểm đạt gần 3 tấn/sào. Qua tính toán, tổng chi phí thuê đất, làm đất, nhân công cho 1 sào cà rốt bình quân khoảng 3,5-4 triệu đồng/sào, với giá bán hiện nay, nông dân hầu như không có lãi. Đây được coi là đợt xuống giá thấp nhất trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Theo một số thương lái, nguyên nhân chính là do năm nay, thời điểm thu hoạch cà rốt ở nước ta trùng với vụ thu hoạch của Trung Quốc, vốn là thị trường tiêu thụ chính. Vì vậy, các thương lái vùng thu gom, sơ chế ở Hải Dương cũng loay hoay tìm nơi xuất khẩu nên hạn chế thu mua ở các địa phương lân cận.

Nông dân thôn Trại Than, xã Cao Đức khẩn trương thu hoạch cà rốt

Giá rẻ đã đành, nhưng nỗi lo lớn nhất của nông dân là không tiêu thụ được. Bởi cà rốt trồng 3,5 - 4 tháng có thể thu hoạch, nếu để kéo dài, củ cà rốt sẽ phát triển rất to, ruột sẽ bị cứng, xanh... Lúc ấy, giá bán tháo chỉ vài trăm đồng một kg, hoặc nông dân buộc phải tái chế cho bò, lợn, cá ăn…

Theo ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức, với diện tích cà rốt lớn nhất huyện Gia Bình, cây màu truyền thống này được địa phương khuyến khích phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa. Hầu hết diện tích được quy vùng hơn 5ha và được hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh, năng suất 40 - 45 tấn/ha. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường và các đầu mối thu gom tại Hải Dương, nên mỗi vụ người dân đều thấp thỏm. Tình trạng này không phải chưa từng diễn ra như giai đoạn năm 2012-2013, nông dân cũng phải đổ bỏ cà rốt cho vật nuôi ăn do bị ép giá quá rẻ. Nhưng sau một vài vụ thắng lớn, các hộ lại tiếp tục mở rộng sản xuất. Sản lượng quá lớn, bình quân tới hơn 8.000 tấn mỗi vụ, địa phương cũng chưa có giải pháp nào thực sự đến tận gốc. Để giải quyết tình trạng này, hiện nay, xã Cao Đức tập trung khuyến khích các hộ dân sản xuất theo hướng VietGap, để có cơ sở chuyển hướng tiêu thụ cà rốt theo các hợp đồng ký kết ổn định. Đồng thời chỉ đạo các HTX nghiên cứu trồng gối vụ theo vùng để tránh thu hoạch ồ ạt dẫn tới tình trạng bị ép giá. Tiếp đó, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà rốt Gia Bình. Từ đó, nâng cao danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, tạo đà nâng giá trị sản xuất cho nông dân.

Thương - Hoa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang