• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kon Tum: Cà phê xứ lạnh - ‘cần câu’ cho người nghèo

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 12/02/2019
Ngày cập nhật: 13/2/2019

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, đến nay, các hộ nghèo ở vùng Đông Trường Sơn huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trồng 1.453ha cà phê chè. Kết quả của việc thực hiện Đề án cho thấy cây cà phê xứ lạnh đang phát huy hiệu quả kinh tế và thực sự là “cần câu” giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Hiệu quả từ chủ trương “cho cần câu”

Vào mùa thu hoạch cà phê, buổi sáng ở thôn Măng Khênh, xã Đăk Man (huyện Đăk Glei) chìm trong màn sương mù dày đặc. Hơi sương và gió hanh hao, da người se lạnh. Cái lạnh ở vùng cao biên giới cũng không làm giảm được sự hồ hởi của người nông dân ở đây khi ngắm nhìn cây cà phê chè vẫn xanh thắm và quả chín đỏ mọng đầy cành- thành quả của cả một năm “một nắng hai sương” chăm sóc cây cà phê, giờ đã đến ngày thu hoạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Thương khoe: Ở xã Đăk Man được mùa cà phê xứ lạnh, bà con ai nấy phấn khởi. Gia đình tôi được Đề án hỗ trợ trồng 2 sào cà phê năm 2014, mùa thu hoạch năm 2018 gia đình dự thu được khoảng hơn 2 tấn cà phê tươi.

Cùng với việc thụ hưởng từ Đề án hỗ trợ trồng cây cà phê chè (cà phê xứ lạnh), gia đình ông Thương còn tự bỏ vốn trồng thêm nhiều diện tích cà phê chè. Mùa thu hoạch vừa qua, ông Thương ước tính thu khoảng 6 tấn quả cà phê tươi. Với giá bán 5.500 đồng/kg quả cà phê, gia đình ông dự thu 33 triệu đồng. Cây cà phê đang góp phần quan trọng cho gia đình ông giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Đánh giá cao cây cà phê xứ lạnh, ông A Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man khẳng định, ở vùng Đông Trường Sơn lắm mưa nhiều gió này, không cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao bằng cây cà phê xứ lạnh. Thấy được hiệu quả của cây cà phê xứ lạnh, từ năm 2014 đến nay, 320 hộ nghèo ở xã Đăk Man được Đề án hỗ trợ trồng gần 80ha. Ở diện tích cà phê trồng năm 2014-2015, cây cà phê cho quả và đang góp phần giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Cà phê xứ lạnh ở xã Đăk Man, huyện Đăk Glei. Ảnh: V.N

Qua kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, bà Đinh Thị Y Ngọc- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết, kể từ khi thực hiện Đề án này, đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các xã hỗ trợ 1.649 hộ dân xã Đăk Man, Đăk Blô, Xốp, Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh trồng 435,06ha cà phê xứ lạnh. Trồng cây cà phê xứ lạnh, cho người dân nguồn thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác. Cà phê xứ lạnh là “cần câu” cho người nghèo đang phát huy hiệu quả kinh tế ở địa phương.

Ông A Hùng (thôn Kon Ke 2, xã Đăk Long) khoe: Gia đình được hỗ trợ trồng 2 sào cà phê từ nguồn vốn của Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh. Năm nay, gia đình ước tính thu hơn 3 tấn cà phê. Với giá do doanh nghiệp bao tiêu 7.000 đồng/kg cà phê tươi, gia đình thu khoảng trên 20 triệu đồng. Trồng cà phê, thu nhập cao gấp 7 lần so với trồng mì. Phát triển cà phê xứ lạnh, cuộc sống gia đình không còn khó khăn như trước nữa. A Hùng không ngớt lời “cảm ơn cán bộ khuyến nông, cảm ơn Đảng, Nhà nước” quan tâm hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, giúp gia đình ông có cơ hội giảm nghèo.

Chiến lược phát triển kinh tế được mở

Theo ông Trương Ngọc Truyền- Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, qua 5 năm thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, huyện có trên 1.600 hộ dân ở các xã trồng được trên 400ha cà phê xứ lạnh. So với các cây trồng khác trên cùng diện tích, cà phê xứ lạnh là cây trồng giúp người dân có thu nhập cao nhất. Việc thực hiện Đề án kết thúc trồng mới, nhưng cây cà phê xứ lạnh trở thành cây trồng chiến lược giúp người dân các xã vùng Đông Trường Sơn giảm nghèo, phát triển kinh tế thuận lợi hơn trong những năm đến.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị được ngành Nông nghiệp và tỉnh giao nhiệm vụ chủ công trong việc hỗ trợ cây giống, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trong quá trình thực hiện, tính đến nay, 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông có 5.939 hộ trồng được 1.453ha cà phê chè catimor, cà phê chè TN1 với tổng kinh phí ngân sách là 57,02 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh 34,94 tỷ đồng và cấp huyện là 22,08 tỷ đồng).

Cây cà phê chè phù hợp với khí hậu địa phương và phần lớn đều sinh trưởng tốt. Ở diện tích cà phê trồng năm 2014-2015, cây cà phê cho thu hoạch, năng suất cà phê bình quân đạt 11-13 tấn quả cà phê tươi/ha, cá biệt có những hộ đạt 20 tấn cà phê tươi/ha. Trong các giống cà phê chè được trồng, cà phê chè TN1 có năng suất cao hơn cà phê chè catimor khoảng từ 10-15%.

Nhìn lại việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, ông Trần Văn Chương-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các huyện trong việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, vật tư giúp người dân phát triển cây cà phê xứ lạnh hiệu quả. Việc thực hiện Đề án đang tích cực góp phần giúp người dân giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Ông Chương cho biết, từ hiệu quả kinh tế, nguyện vọng của người dân vùng Đông Trường Sơn là tiếp tục thực hiện Đề án, nhưng theo kế hoạch việc hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh chỉ hỗ trợ trồng mới năm 2014-2018, hai năm tiếp theo chỉ hỗ trợ cho các hộ dân chăm sóc cà phê trồng năm 2017-2018. Đề án này kết thúc là phù hợp để tỉnh có kế hoạch tập trung vào phát triển cây dược liệu. Điều quan trọng của việc thực hiện Đề án này là người dân biết trồng cà phê, thấy được vai trò, hiệu quả kinh tế cà phê; có ý thức giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ cà phê xứ lạnh.

Cây cà phê xứ lạnh- “cần câu” cho người nghèo đang phát huy hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trước yêu cầu đặt ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề nghị các địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ dân quan tâm đầu tư phân bón, chăm sóc vườn cà phê theo yêu cầu kỹ thuật; có chính sách thu hút, huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân trồng cà phê chè sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Đồng thời, trong khả năng của mình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện mở các lớp tập huấn tại hiện trường, giúp dân kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế cà phê chè xứ lạnh.

VĂN NHIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang