• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đến nông nghiệp hữu cơ

Nguồn tin: Báo An Giang, 31/01/2019
Ngày cập nhật: 3/2/2019

Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, cơ hội để nông sản An Giang tiến vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand, Singapore... là rất lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của các nước tham gia hiệp định, nông sản cần hướng đến tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình canh tác lúa - tôm theo hướng hữu cơ

Sản xuất sạch, hiệu quả tăng cao

Tại huyện đầu nguồn An Phú, mô hình sản xuất lúa gạo an toàn sinh học đã chứng minh được hiệu quả qua nhiều năm triển khai thực tế. Trong bối cảnh nông dân nhiều nơi vẫn có thói quen xài phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vô tội vạ thì hơn 20 năm nay, hàng trăm hộ nông dân ở An Phú (tập trung nhiều ở xã Vĩnh Lộc và Phú Hữu) canh tác hơn 400ha lúa hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV và hạn chế dùng phân bón. Nhờ giảm chi phí phân, thuốc, trong khi năng suất vẫn bình thường nên nông dân nơi đây đạt lợi nhuận cao hơn nơi khác từ 3 - 4 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là ruộng lúa không dùng thuốc BVTV cho ra sản phẩm gạo sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thao (ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc) được xem là người khởi xướng mô hình làm lúa không dùng thuốc BVTV, ngay từ đầu những năm 1990. Cách làm của ông Thao cũng như nhiều nông dân ở đây là sau khi kết thúc mùa vụ, họ phơi ải đất, cày bừa, làm vệ sinh mặt ruộng thật kỹ. Sau đó, xuống giống đồng loạt né rầy, gieo sạ thưa (khoảng 12kg lúa giống/1.000m2). Trong quá trình chăm sóc, nông dân bón phân cân đối với lượng vừa đủ, không dư đạm, đồng thời tăng cường dùng phân hữu cơ nên hạn chế nhiễm bệnh cho lúa. Dọc theo bờ thửa, nông dân trồng nhiều loại hoa, tạo điều kiện cho các loại thiên địch phát triển, giúp giảm sâu hại trên lúa rất hiệu quả. Khi phát hiện rầy, nông dân tiêu diệt bằng cách đặt bẫy đèn, chứ không phun thuốc. “Việc canh tác lúa không xài thuốc BVTV hoàn toàn có cơ sở khoa học. Điều quan trọng nhất là mô hình vừa giúp giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa bảo vệ sinh thái đồng ruộng, đảm bảo an toàn sức khỏe lâu dài cho nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng” - ông Thao chia sẻ.

Là một trong những nông dân học hỏi theo ông Thao thực hiện mô hình sản xuất mới, bà Lê Thị Hòa (canh tác 3ha lúa ở ấp Vĩnh Hưng) thấy rất rõ hiệu quả canh tác sạch. “Giảm được lúa giống, phân bón, không tốn tiền mua thuốc BVTV và thuê nhân công phun xịt đã tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng/ha/vụ. Lúa sản xuất sạch dễ bán hơn nên lợi nhuận tăng cao hơn rất nhiều so với trồng lúa dùng nhiều phân, thuốc như trước đây” - bà Hòa khẳng định.

Mở rộng nhiều loại hình mới

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tại huyện An Phú, bên cạnh mô hình sản xuất lúa gạo an toàn sinh học đã khẳng định được hiệu quả, cơ quan chuyên môn đang hỗ trợ nông dân thí điểm mô hình canh tác lúa - tôm theo hướng hữu cơ với diện tích 1ha. Còn ở TX. Tân Châu, nông dân đang phát triển mô hình trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ đạt diện tích 0,2ha, sử dụng giống TC26 do chính nông dân nơi đây lai tạo, đạt năng suất 400 - 450kg/1.000m2. “Tại TP. Long Xuyên, nông dân đã phát triển được 3ha lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng các giống Jasmine 85, lúa Nhật và ĐS1. Tại huyện Châu Phú, từ năm 2013 đến nay sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt gần 24.760ha. Tại huyện Tri Tôn, xây dựng được vùng bảo tồn lúa mùa nổi 100ha và sản xuất lúa Nàng Nhen Bảy Núi theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt bình quân 64ha/năm” - ông Lâm thông tin.

Không chỉ lúa gạo mà các sản phẩm cây ăn trái, rau màu cũng được Sở NN&PTNT khuyến khích phát triển theo hướng an toàn, hữu cơ. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay đã phát triển được vùng trồng xoài theo hướng GAP gắn với du lịch sinh thái tại cù lao Giêng (Chợ Mới) đạt 127,3ha chứng nhận VietGAP trên xoài 3 màu. Đồng thời, đã có mã code xuất khẩu xoài 3 màu VietGAP sang thị trường nước ngoài (xuất thành công 5,4 tấn xoài sang Úc). Tại huyện Tri Tôn, đã có 20ha xoài cát Hòa Lộc được chứng nhận VietGAP và tiêu thụ nội địa. “Dự kiến thời gian tới, sẽ phát triển thêm 500ha xoài chứng nhận VietGAP” - ông Lâm nhấn mạnh.

Đối với rau màu, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng an toàn trong nhà màng, nhà lưới chất lượng được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã chứng nhận 13 vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn với tổng diện tích 2.697ha. Trong đó, diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại TP. Long Xuyên 12,17ha, Châu Phú 8,39ha, Tri Tôn 0,5ha gắn với gian hàng quảng bá, tiêu thụ tại chỗ. Tại huyện An Phú, đã phát triển 70ha rau màu và 6 nhà lưới (quy mô 5,4ha), Phú Tân có 14 nhà lưới với quy mô 13,3ha, TX. Tân Châu đạt 5,6ha. Ở huyện Thoại Sơn, xuất hiện mô hình trồng rau xà lách an toàn bằng phương pháp thủy canh tuần hoàn trong nhà lưới quy mô 0,1ha. Huyện Châu Thành có mô hình trồng rau đạt chuẩn nhận VietGAP quy mô 0,3ha…

Đó là những hướng đi mới của nền nông nghiệp bền vững và hội nhập.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang