• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả mô hình sản xuất chè an toàn

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 13/12/2019
Ngày cập nhật: 15/12/2019

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 5.766 ha chè, trong đó có hơn 4.700 ha chè kinh doanh, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha/năm. Để xây dựng thương hiệu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm chè, các đơn vị kinh doanh đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý sản xuất để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng chinh phục khách hàng.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân thu hái chè.

Lào Cai là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn của cả nước. Chè được xác định là cây trồng mũi nhọn, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của hơn 10 nghìn hộ nông dân trong tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất chè trên địa bàn. Công tác quản lý quy hoạch, chuyển giao kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ chè… được các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp quan tâm hỗ trợ triển khai.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2019. Mô hình nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân trong sản xuất chè an toàn, chất lượng cao. Mô hình được triển khai tại xã Bản Xen (huyện Mường Khương), quy mô 30 ha với sự tham gia của 60 hộ. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp chuyên dùng cho cây chè. Trung tâm Khuyến Nông và dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã phân công 3 cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để tư vấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh, phương pháp thu hái và bảo quản chè búp tươi, đồng thời giúp nông dân thành lập 3 tổ, nhóm liên kết cùng sở thích sản xuất chè an toàn.

Tham gia mô hình sản xuất chè an toàn, bước đầu các hộ đã có những thay đổi về phương thức sản xuất. Các hộ được hướng dẫn thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Việc thu hái đúng kỹ thuật để chừa phần lá nhiều, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn.

Bà Trần Thị Hà, ở thôn Na Pả, xã Bản Xen là một trong những người trồng chè lâu năm, cho biết, trước đây gia đình bà canh tác và sản xuất chè theo kinh nghiệm nên năng suất chè không cao. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý nên vừa tốn kém chi phí vừa ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm và môi trường. Tham gia mô hình, bà được tư vấn kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nên không chỉ giúp nâng cao chất lượng chè, mà còn yên tâm hơn về sức khỏe lao động. Trước kia diện tích chè của gia đình bà chỉ thu được khoảng 12 tấn chè tươi/năm, nay tăng lên thành 18 - 20 tấn/năm. Giá chè được doanh nghiệp thu mua cao hơn, nhờ đó thu nhập tăng gần 30% so với trước.

Cũng tham gia mô hình, ông La Văn Mần, thôn đội 1, xã Bản Xen chia sẻ: Tôi được cán bộ hướng dẫn lập sổ sách ghi chép nhật ký sản xuất, qua đó thấy có nhiều cái lợi. Tôi theo dõi được tình hình sâu bệnh hại, các loại thuốc sử dụng, biết được loại thuốc nào sử dụng hiệu quả hơn mà không gây hại đến sức khỏe con người.

Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn nên ngoài tăng năng suất cho cây, còn giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, chè ít bị dịch bệnh gây hại. Đặc biệt, các hộ đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học do mô hình hỗ trợ và thuốc sinh học nên chất lượng chè an toàn, được ưu tiên thu mua khi thị trường khó khăn.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp với xã Bản Xen thành lập 3 tổ, nhóm nông dân cùng sở thích liên kết sản xuất chè an toàn. Các tổ, nhóm thường xuyên được giám sát và giám sát lẫn nhau trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không sử dụng vật tư ngoài danh mục quy định, nhất là không sử dụng thuốc trừ cỏ. Do đó, chất lượng chè được nâng cao, đảm bảo an toàn. Năng suất chè bình quân đạt 18,5 tấn/ha/năm, tăng 3,3 tấn/ha/năm so với năm 2017.

Ông Ninh Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn là hướng đi đúng, không những đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chè sạch, chất lượng cao mà còn liên kết được các hộ trong sản xuất và chế biến chè, dần hướng tới mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục phát triển và mở rộng sau khi có sự đầu tư của Nhà nước thì ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân tiếp tục yên tâm sản xuất.

KIM THOA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang