• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tìm hướng phát triển mô hình tiêu – tràm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 12/11/2019
Ngày cập nhật: 16/11/2019

Những năm qua, giá hồ tiêu xuống thấp làm cho người trồng tiêu trong tỉnh gặp khó khăn. Tìm hướng phát triển bền vững mô hình này là một việc làm cần thiết.

Mùa tiêu của nông dân Hậu Giang sẽ bắt đầu thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán, nhưng giá trên thị trường còn rất thấp.

Giá thấp

Ở Hậu Giang, mô hình trồng tiêu mới phát triển hơn 10 năm gần đây, diện tích đến thời điểm hiện tại khoảng 90ha, tập trung ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A. Người trồng chủ yếu là theo mô hình tiêu - tràm. Ông Đỗ Thanh Hiền, ở ấp 7 A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết lúc mới trồng thì giá trên 200.000 đồng/kg, nhưng khi tiêu thu hoạch vào năm rồi thì chỉ còn hơn 50.000 đồng/kg. Với 14 công tiêu, theo dự kiến năm nay ông Hiền thu hoạch trên 2 tấn tiêu hạt, nhưng với giá thu mua hiện tại là 47.000 đồng/kg thì cầm chắc không có lợi nhuận. Vì theo ông, giá mướn nhân công thu hoạch tiêu hiện ở mức cao cộng với chi phí đầu tư, công chăm sóc, tính ra người trồng trắng tay sau vụ trồng vất vả.

Khởi đầu cho mô hình trồng tiêu ở xã Vị Thanh phải kể đến anh Nguyễn Thanh Nhàn, ở ấp 3, khi bắt tay vào trồng 2 công tiêu từ 13 năm trước. Anh Nhàn cho biết, lúc mới trồng thì tiêu giá cao lắm, có lúc lên đến hơn 250.000 đồng/kg, bán một bao tiêu còn nhiều hơn bán một tấn lúa. Tiêu có giá, dần dần gia đình đã chuyển đổi sang mô hình trồng tiêu - tràm với diện tích hiện tại đã lên đến 2,5ha. Do giá tiêu năm qua thấp nên đến thời điểm hiện tại anh vẫn còn trữ lại gần 5 tấn. Theo dự kiến đợt thu hoạch vào tháng Giêng tới đây sản lượng cũng chừng 7 tấn nữa. Với kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm, anh dự đoán khoảng 3-4 năm tới đây giá tiêu sẽ cải thiện, vì một số nơi người dân đã phá bỏ tiêu để chuyển sang cây trồng khác, số khác diện tích thì bị nhiễm bệnh nên năng suất thấp.

Đối với ông Út Lơ (Nguyễn Văn Lơ), ở ấp 3, xã Vị Thanh thì có cách làm khác hơn là đem tiêu bán lẻ. Với sản lượng thu hoạch mỗi năm chừng 400kg tiêu hạt được gia đình phơi khô rồi bán cho những người trong xóm, người quen, các điểm chợ với giá 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, vườn tiêu - tràm 1.300m2 của ông Út Lơ cho thu hoạch được 2 vụ và ước tính vụ tới đây cũng bẻ được chừng 500kg hạt. Ông Út Lơ cho biết: “Do diện tích trồng ít, sản lượng cũng không nhiều nên gia đình chọn cách bán lẻ để được giá hơn. Chịu khó một chút mà có lợi nhuận, chứ bán giá thấp quá sẽ không có tiền để mua phân bón tái đầu tư. Vụ thu hoạch tới đây, nếu giá tiêu không cải thiện thì tôi vẫn chọn cách bán này để tăng thêm chút ít tiền lãi”.

Thạc sĩ Phan Thanh Lâm, Chi cục Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho rằng trong những ngày đầu tháng 10-2019, các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu Brazil khiến cho giá hạt tiêu trong nước chỉ còn từ 39.000-41.500 đồng/kg. Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, giá chưa dừng lại ở đây mà còn có thể giảm tiếp. Trước hết là do sản lượng hạt tiêu Việt Nam cũng như trên thế giới còn vượt xa so với nhu cầu. Theo Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế, dự kiến sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong năm nay khoảng 602.000 tấn, trong khi nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm. Còn ở Việt Nam, hiện ước tính có khoảng 100.000ha tiêu đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 2,47 tấn/ha, tương ứng với sản lượng khoảng 247.000 tấn.

Một điểm nữa là đa phần nông dân không bán thẳng sản phẩm cho đại lý thu mua, nhà máy chế biến hoặc doanh nghiệp xuất khẩu mà bán cho thương lái. Giá tiêu do các thương lái thu mua hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây do tác động từ giá tiêu xuất khẩu nên ảnh hưởng đến thu nhập của hộ trồng tiêu. Đặc biệt, đa số hộ trồng tiêu thường bán sản phẩm sau khi thu hoạch vì cần tiền cho sinh hoạt gia đình, chuẩn bị vốn để tái đầu tư sản xuất vụ kế tiếp. Một phần là nông hộ không có điều kiện tồn trữ và sợ gặp phải rủi ro khi giá cả biến động.

Tìm cách phát triển cây tiêu

Để phát triển cây hồ tiêu ở Hậu Giang trong thời gian tới, theo thạc sĩ Phan Thanh Lâm, cần quy hoạch lại vùng sản xuất và có chính sách hỗ trợ người nông dân ở những vùng trồng tiêu trọng điểm, nhất là nghiên cứu giải quyết vấn nạn dịch hại cho các vùng trồng tiêu. Khuyến khích nông dân tham gia sâu vào các tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các tổ hợp tác để để nâng lên HTX nhằm tổ chức sản xuất theo quy trình, số lượng lớn đồng đều, chất lượng đảm bảo, cung ứng đầu vào, tiêu thụ. Phải tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân thông qua tổ hợp tác, HTX bền vững, chặt chẽ hơn. Có chính sách khuyến khích, xây dựng nhân rộng mô hình tiêu - tràm, hỗ trợ áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng GAP, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu… để đạt cao nhất về năng suất, chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Như vậy thì người trồng tiêu vẫn có lãi mặc dù giá xuống thấp như hiện nay. Cũng cần khuyến khích nông dân quan tâm hơn nữa đến giá trị tăng thêm của sản phẩm ở mức nông hộ. Cụ thể là đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu như tinh dầu tiêu, tiêu ngâm giấm, tiêu xanh sấy hút chân không, kẹo tiêu… để đưa vào thực phẩm chế biến thay vì bán tiêu khô.

Theo Công ty TNHH sinh học tự nhiên Phú Quốc, đơn vị cũng đã liên kết với nông dân ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, thực hiện mô hình sản xuất tiêu hữu cơ và nông dân lợi nhuận khá cao. Ở Hậu Giang, công ty cũng đã đến tìm hiểu tại các vùng trồng, sẵn sàng liên kết với hộ trồng nhưng phải theo mô hình kinh tế hợp tác, quy trình phải chặt chẽ, đặc biệt và xa vùng sản xuất cây ăn trái, lúa để không bị ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật… Nếu nông dân đảm bảo thực hiện được các điều kiện thì công ty sẽ hợp tác và cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường, đồng thời hỗ trợ máy sấy tiêu cho tổ hợp tác, HTX trồng tiêu để đảm bảo chất lượng.

Tiến sĩ Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động tạo sự liên kết, nâng cao kiến thức canh tác cho nông dân trồng tiêu - tràm. Ngoài ra, còn nghiên cứu về ảnh hưởng một số loại dịch trích lên các loại tác nhân gây bệnh trên tiêu. Đặc biệt là xây dựng 3 mô hình tiêu - tràm bằng hình thức xử lý Trichoderma, quy trình xử lý Agri-Fos, quy trình chế phẩm SH1. Các sản phẩm bước đầu đã cho kết quả tích cực trong việc phòng trừ bệnh trên tiêu và cải thiện năng suất vườn tiêu trong mô hình so với vườn đối chứng.

Ở Hậu Giang, giống tiêu trồng nhiều là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Phú Quốc, tiêu sẻ, tiêu Ấn Độ. Năng suất bình quân đạt từ 2,8 tấn/ha. Hầu hết các giống hồ tiêu cho năng suất cao nhất ở năm thứ 4-7, sau đó năng suất giảm khi vườn tiêu trên 9 năm tuổi.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang