• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gia Lai: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Gia Lai, 11/02/2019
Ngày cập nhật: 13/2/2019

Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đang là xu hướng tất yếu. Ở tỉnh Gia Lai, thời gian qua, nhiều nông dân đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thu được hiệu quả kinh tế khá cao.

Anh Nguyễn Ngọc Hảo (tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê) là hộ đầu tiên của huyện Chư Sê mạnh dạn đầu tư làm nhà lồng để trồng rau thủy canh. Anh Hảo cho biết: “Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao khá tốn kém nhưng bù lại thì thu nhập cao hơn rất nhiều so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Cách đây 3 tháng, gia đình tôi đầu tư gần 150 triệu đồng làm nhà lồng để trồng rau thủy canh với diện tích hơn 200 m2. Tôi thấy trồng rau thủy canh rất hiệu quả. Các loại rau không bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi của thời tiết và có thể trồng liên tục nhiều vụ. Ngoài ra, tôi có thể trồng các loại rau trái vụ. Do đó, lợi nhuận mang lại cao hơn khoảng 2 lần so với sản xuất theo kiểu truyền thống”. Cũng theo anh Hảo, trồng rau thủy canh còn tiết kiệm được công lao động, chi phí cải tạo đất, giảm lượng phân bón và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Vườn rau thủy canh của anh Nguyễn Ngọc Hảo (huyện Chư Sê). Ảnh: L.N

Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: “Hiện trên địa bàn huyện có hơn 650 ha cây trồng được người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có 10 trang trại liên kết trong chăn nuôi. Năng suất các loại cây công nghiệp dài ngày được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng 15-20%, cây rau màu tăng 20-30% trong khi công lao động giảm đến 90% và chống xói mòn đất”.

Tương tự, mô hình nuôi gà công nghệ cao trong chuồng lạnh của anh Nguyễn Văn Tâm (làng Mèo, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) đã cho thu nhập ổn định, giảm rủi ro về dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh Tâm chia sẻ: “Trang trại của tôi có 2 chuồng lạnh với diện tích khoảng 2.000 m2 được lắp điều hòa và hệ thống quạt thông gió theo công nghệ Indonesia giúp duy trì nhiệt độ ổn định theo đúng tiêu chuẩn chăn nuôi gà. Mỗi lứa tôi nuôi khoảng 30.000 con gà. Tất cả các công đoạn từ cho ăn, uống nước đến phòng bệnh đều được thực hiện tự động. Nhờ nuôi khép kín và có hệ thống tiêu độc khử trùng nên đàn gà phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh. Mỗi lứa gà nuôi hơn 2 tháng là đạt trọng lượng 1,6-1,8 kg/con và có thể xuất chuồng. Mô hình này vừa đạt năng suất, chất lượng, vừa giảm chi phí nhân công, hạn chế rủi ro về dịch bệnh…”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 23.571 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước; xây dựng được 155 cánh đồng lớn với diện tích 3.040 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 688 ha, GlobalGAP 500 ha, Organic 46 ha rau quả, cà phê, chè. Toàn tỉnh còn có 210 cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ cao (89 trại chăn nuôi heo với 1.950 con heo nái, 78.785 con heo thịt; 88 trại gia cầm với 380.720 con; 33 trại bò với 218.828 con)… Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh thu hút được hơn 20 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chính như: rau, trái cây, hồ tiêu, cà phê, hoa và chăn nuôi. Trong đó, có 1 dự án đã được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, năm 2018, toàn tỉnh đã có 13/17 huyện, thị xã, thành phố tổ chức được phiên chợ nông sản an toàn; hỗ trợ 111.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp và hộ dân”.

“Gia Lai đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản lượng nông nghiệp công nghệ cao chiếm 25-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, phấn đấu hình thành và công nhận 3 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300 ha, 1 vùng sản xuất lúa hữu cơ 200 ha và 1 vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ 200 ha. Giai đoạn 2021-2025 hình thành và công nhận thêm 17 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (15 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi); hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2026-2030 phát triển thêm 13 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh lên con số 33…”-ông Có cho biết thêm.

Lê Nam

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang