• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đánh thức vùng cát…

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình, 17/11/2019
Ngày cập nhật: 18/11/2019

Vùng cát nóng bỏng trải dài với khí hậu khắc nghiệt ở các địa phương phía Đông huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã từng ám ảnh biết bao thế hệ người dân nơi đây. “Sống trên cát, nước mắt chảy vào cát”, trên thực tế, vùng cát có rất nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn, phát huy nội lực cho các địa phương vùng cát Lệ Thủy vẫn còn những gian nan…

Làm giàu trên vùng đất cát…

Khó ai có thể hình dung về một vùng quê nghèo cách đây hơn chục năm chỉ có những đồi cát trắng hoang sơ và người dân nhọc nhằn bám biển với con tôm, con cá để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Hôm nay, đến với xã biển bãi ngang Ngư Thủy Trung, dễ dàng nhận thấy, thay cho những đồi cát trắng là màu xanh của cây rừng, tiếng cá quẫy trong ao hồ cùng với đó là những triệu phú làng biển ngày càng xuất hiện nhiều.

Anh Ngô Văn Thuần, 34 tuổi, ở thôn Thượng Nam không sao quên được con đường gian khó mà anh đã trải qua để tìm hướng đi phát triển kinh tế cho mình. Gần 6 năm trước, giống như những thanh niên làng biển khác, anh cũng theo đám bạn thuyền ra khơi vào lộng, nhưng được một thời gian, lại bỏ thuyền, bỏ biển tìm hướng đi mới vì cuộc sống quá bấp bênh.

Với suy nghĩ “Làm giàu không hẳn từ biển”, năm 2013, Thuần bắt tay vào làm kinh tế. Với ít tiền dành dụm được cộng với vay mượn, Thuần khăn gói vào miền Nam mua 50 cặp ếch giống để tiến hành nuôi thử trên vùng cát quê hương. Đến nay, Thuần đã xây dựng cho mình một cơ ngơi khá vững chắc với việc tập trung mở rộng diện tích nuôi ếch thịt và ếch giống cùng với đào ao thả cá. Thuần cho biết, vụ vừa rồi, gia đình anh đã xuất bán được hơn 10 tấn ếch thịt và hơn 50 vạn con ếch giống, thu về hơn 500 triệu đồng.

Anh Ngô Văn Thuần, thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy Trung đã biết khai thác thế mạnh vùng cát để trở thành triệu phú.

Theo chia sẻ của Thuần, câu chuyện thoát nghèo ngoài bám biển, làm giàu trên vùng cát xã Ngư Thủy Trung giờ đây không còn là chuyện hiếm. Nhiều hộ gia đình đã biết vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đàng hoàng…

Ai đã từng đi qua xã Cam Thủy, nhìn những triền cát, động cát bỏng cháy, nhất là vào mùa hè, nạn cát bay, cát chảy đã ám ảnh rất nhiều thế hệ người dân ở đây. Nhưng bây giờ, trên những triền cát, động cát ấy, màu xanh đã ngút ngàn, xanh mướt.

Chúng tôi gặp ông Trần Như Thi, 53 tuổi, ở thôn Hòa Luật Nam khi ông đang sửa chữa lại hệ thống phun nước cho vườn rau trước nhà. Ông Thi cho biết rằng, trong quá khứ, tại vùng đất cát thôn Hòa Luật Nam này, người dân muốn làm gì để thay đổi cuộc sống cũng khó bởi sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa nắng thì rát bỏng chân, mùa mưa thì gió thổi rát mặt, rồi nạn cát bay, cát chảy... Nhưng vài năm trở lại đây, người dân Hòa Luật Nam đã biết cải tạo vùng cát, chuyển đổi cây trồng phù hợp nên cho thu nhập khá ổn định.

Cũng theo ông Thi, trước đây, gia đình ông chỉ trồng rau theo hướng manh mún, tự phát nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2014, do biết cải tạo vùng cát, đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu bài bản, nên gia đình ông cũng có thu nhập khá. Với hơn 700m2 đất trong vườn nhà, ông Thi đã tiến hành trồng các loại rau, như: cải mầm, xà lách, rau màu các loại… Hàng năm, từ trồng rau, gia đình ông cũng có thu nhập hơn 120 triệu đồng.

“Thị trường tiêu thụ rau của gia đình tôi giờ đã vươn tới các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hơn nữa, rau an toàn của thôn Hòa Luật Nam cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Và chính nhờ trồng rau đã mang lại gia đình tôi cũng như bà con trong thôn nguồn thu đáng kể trên vùng đất khó này...”, ông Thi bộc bạch.

Tháo gỡ khó khăn cho vùng cát…

Có thể nói rằng, thời gian qua, việc đánh thức tiềm năng kinh tế của các địa phương vùng cát ở phía Đông huyện Lệ Thủy là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những thách thức, khó khăn mà các địa phương này đang gặp phải.

Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho hay, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại khá của huyện Lệ Thủy, Cam Thủy còn đi đầu trong việc khắc phục những khó khăn của vùng đất để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Toàn xã có 1.089 hộ thì hơn 50% hộ giàu, khá; tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 3,85 %; thu nhập bình quân của người dân trong xã cũng đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Xã có hơn 100 gia trại chăn nuôi, trồng rau màu. Mỗi năm, các gia trại cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Có được thành quả đó là nhờ địa phương có quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong việc phát triển kinh tế nhất là làm thế nào để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cát hoang hóa.

Các mô hình sản xuất rau an toàn ở Cam Thủy góp phần thay đổi diện mạo vùng đất cát.

“Cam Thủy hiện có 285 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa là 200ha, đất trồng màu 85ha. Hiện tại, nhiều hộ dân tại địa phương rất muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại nhưng gặp rất nhiều khó khăn do không có đất. Hiện, còn có khoảng hơn 200 ha đất vùng cát do Lâm trường Nam Quảng Bình đang quản lý. Địa phương cũng đã làm tờ trình xin tỉnh chuyển giao một số diện tích đất này, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thực hiện được…Hơn nữa, người dân mong muốn các cấp đầu tư thêm về hạ tầng cho các vùng này nhằm giúp cho việc sản xuất được thuận lợi hơn…”, ông Châu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quang Thao, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung cho rằng, Ngư Thủy Trung là xã vùng biển nên đánh bắt, mua bán thủy hải sản là thế mạnh của địa phương nhưng lại rất bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhiều năm qua, địa phương đã nỗ lực giải quyết "bài toán" phát triển kinh tế cho người dân, trong đó, chú trọng nuôi trồng thủy sản, dịch vụ. Nhờ vậy, đến nay, đã có gần 100 hộ dân đào ao để nuôi cá, tôm thẻ chân trắng và nuôi ếch với tổng diện tích trên 20ha. Mỗi năm, từ nuôi trồng thủy sản, mỗi hộ gia đình cũng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, nhiều hộ có thu nhập gần cả tỷ đồng…

Cũng theo ông Thao, những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương khá cao. Nhưng đến nay, hộ nghèo chỉ còn có 50 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm cũng nhờ vào những chính sách, định hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ngoài khai thác biển.

“Nan giải nhất trong phát triển kinh tế vùng cát ở địa phương là thiếu nguồn vốn để chuyển đổi nghề cho người dân. Ngoài ra, do hơn 2/3 diện tích đất tại địa phương đang do Lâm trường Nam Quảng Bình quản lý nên việc triển khai thực hiện các dự án có quy mô của người dân gặp rất nhiều khó khăn do không có đất. Mặt khác, việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại đây chưa được thực hiện bài bản, chủ yếu do cán bộ địa phương thực hiện, do vậy, người dân vẫn còn lúng túng, chưa yên tâm làm ăn sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình ”, ông Thao chia sẻ.

Ngọc Hải

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang