• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khơi dòng OCOP

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng, 12/08/2019
Ngày cập nhật: 13/8/2019

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc ra mắt nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của những làng quê trong tỉnh Sóc Trăng. Sản phẩm đã có, người tiêu dùng ít nhiều đã được biết đến, nên vấn đề còn lại là làm sao để các sản phẩm được sinh ra từ làng, xã này có thể vươn xa trên thị trường chứ không chỉ quanh quẩn nơi nó được sinh ra.

Việc ra mắt Cửa hàng giới thiệu - liên kết - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản, an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng là bước đi phù hợp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU

Tỉnh Sóc Trăng có 3 vùng sinh thái: ngọt, lợ và mặn cùng một nền văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa nên sản phẩm OCOP cũng rất đa dạng, phong phú và có tính khác biệt cao, như: bánh pía, hành tím, gạo thơm, gạo Tài nguyên, các sản phẩm chế biến từ thủy sản, chăn nuôi (mắm, khô…), các loại bánh dân gian… Vì vậy, ngay khi Chương trình OCOP được triển khai, đã tạo nên cú hích mới cho sự phát triển của dòng sản phẩm này cùng những ý tưởng và khát vọng khởi nghiệp trong cộng đồng dân cư. Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, toàn tỉnh có nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc các nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, giày và may mặc, đồ lưu niệm, trang trí nội thất… Trong số này đã có một số sản phẩm đăng ký công bố chất lượng, bảo hộ sở hữu trí tuệ và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Tuy nhiên, để tạo nên tính đặc thù và có sự khác biệt cao, trong Đề án phát triển Chương trình OCOP, tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 có 100 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, năm 2020 có 35 sản phẩm OCOP, năm 2025 có thêm 35 sản phẩm và đến năm 2030 thêm 30 sản phẩm.

Một trong những hoạt động hỗ trợ Chương trình OCOP được tỉnh triển khai thực hiện là việc cho ra mắt Cửa hàng giới thiệu - liên kết - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản, an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Sóc Trăng vào ngày 29-1, tại chùa Chén Kiểu (Mỹ Xuyên). Ngay trong ngày khai trương, cửa hàng giới thiệu hơn 100 sản phẩm đặc trưng của 22 cơ sở sản xuất trong tỉnh, với các mặt hàng như: gạo thơm, gạo thực phẩm chức năng ST, gạo Tài nguyên Thạnh Trị; hành tím Vĩnh Châu; trà mãng cầu gai Ngã Năm; các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc, các sản phẩm tinh chế từ đông trùng - hạ thảo, tổ yến từ huyện Kế Sách; các sản phẩm chế biến từ sữa bò của huyện Trần Đề; các loại cá khô, khô trâu, mắm cá… với hình thức bao bì, nhãn hiệu khá bắt mắt cùng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cao.

Chính việc tạo nên sự khác biệt có ý nghĩa về “ngon ra ngon, thơm ra thơm”, gạo thơm ST đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước dù giá bán cao.

Với tiềm năng, lợi thế trên có thể thấy, việc phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh một cách đa dạng và phong phú không phải là vấn đề khó đối với tỉnh. Nhưng vấn đề được xem là khó đối với Chương trình OCOP của tỉnh là làm sao để các sản phẩm sinh ra từ làng, xã này có thể bước chân ra khỏi “lũy tre làng” và trụ vững trên thị trường vốn đã khá chật chội các dòng sản phẩm tương đồng của nhiều thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Muốn vậy, bên cạnh việc sản xuất đạt chất lượng trong nước và quốc tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cùng khả năng truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm OCOP của tỉnh còn phải tạo nên sự khác biệt có tính đặc trưng riêng để tạo ấn tượng nơi người tiêu dùng. Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định đến tính hiệu quả và bền vững của sản phẩm OCOP chính là công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.

Tôm khô 1 gió của HTX Hưng Phú (Cù Lao Dung) là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh.

Nhìn lại một số sản phẩm đặc trưng và có lợi thế của tỉnh như: bánh pía, lạp xưởng, gạo thơm ST, gạo Tài nguyên Thạnh Trị, hành tím, artemia Vĩnh Châu… chúng ta có thể thấy, tất cả đều tạo được dấu ấn riêng của mình nơi người tiêu dùng không chỉ ở chất lượng mà còn ở sự khác biệt có tính đặc trưng không lẫn vào đâu được. Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua từng chia sẻ: “Ngay từ đầu khi bắt tay vào lai tạo giống lúa thơm ST, nhóm nghiên cứu đã đề ra phương châm “thơm ra thơm, ngon ra ngon” nhằm tạo sự khác biệt có ý nghĩa để nâng cao giá trị và tạo dấu ấn nơi người tiêu dùng”. Và theo người viết, nếu không có sự khác biệt thì những sản phẩm OCOP của địa phương sẽ khó có thể đứng vững trên thị trường.

OCOP cũng là một sản phẩm “mở” mang tính toàn cầu, nên vấn đề tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị được xem là yếu tố quan trọng. Trong khi đó, nhìn lại một số sản phẩm có lợi thế của tỉnh có thể thấy phần lớn đều là sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu vừa lo sản xuất vừa lo cả khâu tiêu thụ. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, bởi một sản phẩm dù có chất lượng đến đâu, nếu người tiêu dùng không biết đến thì cũng sẽ khó có thể phát triển được. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như: tuyên truyền trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư… Tuy nhiên, theo người viết, nên chăng tỉnh cần hỗ trợ tổ chức những phiên chợ OCOP cuối tuần để trước mắt, cho người tiêu dùng trong tỉnh biết đến nhiều hơn những sản phẩm này. Và ngay cả lãnh đạo các cấp, các ngành hãy là những nhà marketing cho OCOP thông qua việc giới thiệu, chiêu đãi khách ngoài tỉnh, ngoài nước bằng chính các sản phẩm OCOP của tỉnh mình.

Chương trình OCOP là một giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Và, như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện mới đây, là: “… Các cấp, các ngành, các địa phương cần tổ chức quán triệt sâu rộng, tổ chức tuyên truyền, tập huấn thật cụ thể, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp... nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, nhưng đồng thời vẫn phải phát huy được giá trị truyền thống của địa phương và không sản xuất theo phong trào”. Có như vậy, dòng chảy OCOP mới thông thoáng và đến được người tiêu dùng ngày một nhiều hơn.

Tích Chu

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang