• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 07/08/2019
Ngày cập nhật: 10/8/2019

Là vùng cung ứng nông sản phục vụ xuất khẩu chủ lực của cả nước, thế nhưng việc sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây... ở ĐBSCL luôn đối mặt với nhiều rủi ro bởi giá cả lên xuống thất thường do thiếu liên kết, yếu kém trong dự báo thị trường.

Xuất khẩu gạo khó khăn, khiến giá lúa ở ĐBSCL đang giảm.

Bấp bênh, thiếu ổn định

Nhiều năm nay, chúng ta luôn tự hào là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới; song, nhìn lại vẫn còn nhiều hộ trồng lúa ở “vựa lúa ĐBSCL” đời sống khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo than thở khi trải qua 6 tháng đầu năm nhưng công việc làm ăn không thuận như những năm trước. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 3,39 triệu tấn, giá trị 1,46 tỉ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so cùng kỳ. Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới gần đây giảm. Giá gạo 5% của Thái Lan dao động khoảng 385-400 USD/tấn, trong khi gạo 5% của Ấn Độ 365 USD/tấn, của Việt Nam khoảng 350 USD/tấn… dự báo thị trường gạo tiếp tục trầm lắng do nhu cầu ở châu Á suy giảm.

Xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính khiến giá lúa Hè thu ở ĐBSCL giảm. Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, hơn 1,5 triệu héc-ta lúa Hè thu đang vào giai đoạn thu hoạch rộ; vậy mà giá lúa tươi dao động khoảng 4.300-5.500 đồng/kg, tùy loại. Cùng với giá thấp thì vụ này thời tiết bất lợi khiến lúa chậm phát triển, nông dân tốn nhiều chi phí đầu vào, nhưng năng suất lúa không cao. Do giá thành sản xuất tăng, trong khi năng suất thấp… khiến nhiều hộ không lãi nhiều.

Cùng với lúa gạo thì cá tra cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Còn nhớ mới năm ngoái (2018), ngành cá tra thắng lớn khi kim ngạch xuất khẩu đạt tới 2,26 tỉ USD, tăng 26,5%. Sự khởi sắc này nên Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu năm 2019 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 2,4 tỉ USD (tăng 12%). Các doanh nghiệp trong vùng cũng hồ hởi mở rộng vùng nuôi, khu sản xuất con giống, dây chuyền chế biến… nhằm kỳ vọng tiếp tục thắng lợi. Tuy nhiên, gần đây giá cá tra bất ngờ giảm liên tục xuống mức 19.000-21.000 đồng/kg thấp nhất trong 2 năm qua; với tình hình hiện tại người nuôi cá bị lỗ 3.000-5.000 đồng/kg. Các HTX thủy sản và cả doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL cũng ngạc nhiên khi mới đầu quý IV/2018, giá cá tra còn ở thế “thượng phong” với giá 35.000-36.000 đồng/kg, vậy mà chỉ vài tháng sau đã tuột dốc thảm hại. Nguyên nhân được lý giải là do tình hình xuất khẩu khó khăn, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc bị giảm liên tục từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Hoa Kỳ cũng giảm mạnh; song song đó, chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gây ảnh hưởng và nhiều rào cản kỹ thuật khác… Trước hàng loạt khó khăn vây quanh ngành cá tra, giải pháp cấp bách được các doanh nghiệp và các hiệp hội thủy sản đưa ra lúc này là khuyến cáo không nên tiếp tục thả nuôi mới, nhằm tránh tình trạng thừa nguyên liệu và giá cá có thể rớt thêm.

Đối với trái cây cũng thiếu ổn định. Điển hình như thanh long từ 20.000-40.000 đồng/kg thời điểm trước đó không lâu; nay cũng sụt giảm…

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Các chuyên gia cho rằng, yếu kém của nông nghiệp ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết và thiếu dự báo thị trường. Do đó, tình trạng “tới mùa, dội chợ, rớt giá” vẫn cứ lặp đi lặp lại, làm cho người sản xuất bị thiệt hại.

Khắc phục hạn chế trên, Bộ NN&PTNT chủ trương phát triển “cánh đồng lớn” nhằm sản xuất lúa gạo hiện đại, tạo ra sản lượng lớn, đồng đều, tăng chất lượng và là nền tảng cho sản xuất tiêu chuẩn VietGAP với sự liên kết 4 nhà. Sau khi phát động mô hình “cánh đồng lớn” vào năm 2011 thì đến năm 2015 diện tích phát triển tới khoảng 190.000ha, với hàng trăm doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu cho hàng chục ngàn hộ tham gia. Tuy nhiên, sau khoảng 5 năm đầu thực hiện rầm rộ thì vài năm nay mô hình này yếu dần, bởi tình hình xuất khẩu gạo khó khăn; giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung; năng lực của các doanh nghiệp chưa mạnh và cũng có doanh nghiệp không mặn tham gia mô hình do không muốn bao tiêu, cùng một số nguyên nhân khác…

Đối với trái cây, khó nhất hiện nay là thiếu nghiên cứu và dự báo có chiều sâu ở các thị trường trọng điểm; thiếu thông tin về các đối thủ cạnh tranh; đặc biệt là thiếu kinh phí để mở cửa thị trường xuất khẩu mới. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu rau quả ở ĐBSCL và cả nước có quy mô nhỏ, năng lực yếu và tổ chức xuất khẩu chưa hiệu quả; công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch còn yếu. Bên cạnh đó, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và chưa gắn kết giữa doanh nghiệp với HTX cùng nông dân từ khâu sản xuất đến xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh bộc bạch: “Gần đây, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh xuất khẩu xoài đi Mỹ đã mở ra triển vọng cho ngành trái cây. Trên tinh thần đó, chúng ta đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt trên 4,5 tỉ USD vào năm 2020 (trong đó cây ăn trái chiếm hơn 3,6 tỉ USD). Làm được điều này, Bộ NN&PTNT xây dựng đề án, kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực, trong đó chú trọng thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Mỗi tỉnh chọn một số loại cây ăn trái chủ lực nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhanh chóng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây.

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt, cho rằng: “Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, nghề cá tra đã có những thuận lợi và khó khăn. Giai đoạn năm 2000 đến 2016, khi cá tra khủng hoảng thừa nguyên liệu, giá xuống thấp và khó tiêu thụ… khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ, nhiều nhà máy phá sản. Đây là bài học của phát triển “nóng”, thiếu đầu tư. Năm 2017 và 2018, nghề cá tra đi vào ổn định và lấy lại vị thế trên trường quốc tế; tuy nhiên sang năm 2019 thì gặp khó trở lại. Để bền vững thì điều quan trọng là tiếp tục đầu tư nâng chất lượng, đầu tư vùng nuôi để chủ động trong chế biến, xuất khẩu. Đây là điều sống còn mà các doanh nghiệp, ngành chức năng, HTX… phải làm quyết liệt”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Giải pháp lúc này là không nuôi tự phát tràn lan, cần đẩy mạnh liên kết để siết chặt kiểm soát, quản lý… Tập trung ứng dụng những công nghệ mới nhất vào ngành hàng cá tra trên các mặt; trong đó giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra, cần đầu tư mạnh hơn và chủ động con giống. Tiến tới xây dựng ngành hàng cá tra theo hướng tập trung, chất lượng, hiệu quả, bền vững…

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận, trong điều kiện nông sản cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu thì vấn đề giảm chi phí giá thành là rất quan trọng. Vì vậy, cần quy tụ nông dân vào HTX, tổ hợp tác để liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp; từ đó hình thành các mô hình sản xuất lớn để thuận lợi trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao… Muốn đạt được những vấn đề trên thì cần thay đổi cách nghĩ, cách làm và cần thực hiện chủ trương “tri thức hóa nông dân”, để làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy làm “kinh tế nông nghiệp”. Đây là vấn đề quan trọng, thích ứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, cũng là giải pháp căn cơ đưa các sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang