• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà Mau: Tín hiệu tích cực của ngành Nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Ảnh Đất Mũi, 02/08/2019
Ngày cập nhật: 4/8/2019

Những tháng đầu năm nay, bức tranh ngành kinh tế Nông nghiệp Cà Mau khởi sắc với những gam màu mới.

6 tháng qua, tổng sản lượng thủy sản đạt 51,16% so với kế hoạch; diện tích xuống giống lúa hè thu vượt 19,05%. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã và đang được nhân rộng, phát triển. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt hơn 135.000ha, đạt 99% kế hoạch năm 2019; diện tích nuôi tôm công nghiệp 9.473ha/15.908 hộ, đạt 88% kế hoạch năm.

Chất lượng con giống và vật tư đầu vào sẽ được quan tâm, chú trọng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (phải) kiểm tra chất lượng nguồn tôm giống trong một chuyến công tác tại huyện U Minh.

Nhiều mô hình hay

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đang chuyển dần từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao đất trải bạt sang nuôi trong ao nổi trải bạt, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Anh Võ Văn Đỏ ở ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) đã có 3 vụ nuôi tôm siêu thâm canh trong ao nổi trải bạt và thành công cả 3 vụ. Ao nuôi được thiết kế hình tròn, khung được làm bằng sắt, phủ bạt, đặt trên mặt đất bằng phẳng. Anh Đỏ cho biết: “Từ khi chuyển từ mô hình nuôi tôm trong ao đất trải bạt sang nuôi tôm trong ao nổi trải bạt lợi nhuận cao hơn nhiều, do chi phí đầu tư thấp, giảm 50% nhân công”.

Do được đặt trên mặt đất bằng phẳng, không phải đào ao, nên đất không bị đào xới, xáo trộn và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nuôi vì có thể xây dựng ao nuôi bất cứ thời điểm nào trong năm. Quy trình, kỹ thuật nuôi tôm trong ao nổi cũng không khác gì so với ao đất. Đặc biệt, ở mỗi ao nuôi đều có lắp hệ thống quan trắc tự động để quản lý môi trường, từ đó chất lượng nước luôn được kiểm soát chặt chẽ. Trước tình hình giá điện, giá vật tư đầu vào tăng như hiện nay, trong khi đó giá tôm nguyên liệu bấp bênh và có chiều hướng sụt giảm thì mô hình nuôi tôm trong ao nổi trải bạt là lựa chọn khá phù hợp cho người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Nghề nuôi cua truyền thống đã xuất hiện ở huyện Phú Tân rất lâu, nhưng nuôi cua trong đầm nuôi tôm công nghiệp thì mới chỉ bắt đầu gần đây, khi có nhiều đầm tôm công nghiệp không còn sử dụng. Hộ anh Hồng Văn Lâu, 32 tuổi (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) là một điển hình thành công với mô hình này. Với ao diện tích 1.700m², anh thả nuôi 2.000 cua giống. Hơn 3 tháng, cua đạt trọng lượng từ 300g trở lên, thu hoạch cho lợi nhuận gần 70 triệu đồng. Hơn 3 năm qua, mỗi năm anh Lâu thả nuôi 2 đợt, trung bình mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng.

Mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp bỏ trống đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có được nguồn thu nhập. Nếu mô hình này được ngành chức năng nghiên cứu và mở rộng, sẽ tạo ra một hướng mới cho người dân phát triển kinh tế ổn định.

Ngoài con tôm, Cà Mau còn có tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, hàng hóa khác trong đó có đũa đước.

Đánh giá tiềm lực địa phương

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rà soát lại các sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng, có lợi thế để tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (Đề án OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Đề án, mỗi xã trong tỉnh chọn một sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Các sản phẩm và hàng hóa tham gia Đề án đều có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

Không chỉ có con tôm, các địa phương của tỉnh còn có tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, hàng hóa khác: Cua, sò huyết, bồn bồn, khô bổi, mật ong, bánh phồng tôm, mắm lóc, chuối khô, đũa đước, keo lai… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm này hiện tại gặp nhiều khó khăn, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nên khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Qua khảo sát, hiện tại, các cơ sở sản xuất ở địa phương chủ yếu là nhỏ lẻ, hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao. Trong khi đó muốn đưa sản phẩm vào thị trường hoặc vào các siêu thị lớn đòi hỏi phải có nhãn hiệu, người kinh doanh thì chưa có ý thức đăng ký, nên gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Vì vậy, việc triển khai Đề án OCOP được xem là cánh cửa mở để phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.

Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm chuyển dần từ nuôi siêu thâm canh trong ao đất trải bạt sang nuôi trong ao nổi trải bạt, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Theo Đề án OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt, với mức kinh phí trên 860 tỷ đồng, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 22 sản phẩm, dịch vụ; công nhận, chứng nhận thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao; phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP trong kỳ được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.

Đề án OCOP được thiết kế và triển khai theo hướng tuân thủ nguyên tắc: Hành động địa phương hướng đến toàn cầu. Vì vậy, Đề án này được triển khai không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, mà còn thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và đặc biệt hơn hết là bảo tồn được những giá trị truyền thống của nông thôn.

Về phương hướng những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế; tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong từng lĩnh vực của ngành nhằm đạt chỉ tiêu cao nhất. Tiếp tục triển khai, nhân rộng thêm những mô hình sản xuất có hiệu quả; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn việc nuôi tôm siêu thâm canh và mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cần quy hoạch lại, phát triển vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh và tập trung thực hiện tốt công tác phòng dịch. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên khu vực đê biển Tây, quan tâm đến công tác hộ đê ở những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác phòng chống thiên tai...

LÂM PHÚ

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang