• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khởi nghiệp Nông nghiệp - Chọn hướng để thành công - Kỳ 2: Tận dụng sức mạnh công nghệ cho khởi nghiệp

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long, 02/08/2019
Ngày cập nhật: 3/8/2019

Lựa chọn khởi nghiệp nông nghiệp, không ít người đã sẵn sàng “rũ bỏ hào quang nơi phố lớn” để trở thành nông dân. Tuy nhiên, không chỉ tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của những người đi trước, họ còn luôn quan tâm cập nhật kiến thức, xu hướng làm nông mới.

Trong đó, khai thác tiện ích của công nghệ là cách mà hiện nay nhiều người khởi nghiệp đang làm và không ít người đã thành công nhờ tạo được “điểm nhấn” riêng. Anh Nguyễn Thanh Tân (ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là một trong số đó.

Anh Nguyễn Thanh Tân với các bể nuôi lươn thu lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm.

Bỏ phố về quê, chọn “khác biệt”

Làm việc cho một công ty nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh với mức lương hàng chục triệu đồng nhưng anh Nguyễn Thanh Tân quyết định về quê làm chuyện không giống ai là “chăn nuôi khi xung quanh trồng cây trái”. Mà chăn nuôi theo cách của anh thời điểm đó thì cũng hiếm người làm, đó là “nuôi lươn giống bán nhân tạo và hướng dẫn kỹ thuật quy trình nuôi lươn không bùn”.

Chia sẻ về “lối rẽ” mà mình đã chọn cách đây 10 năm, anh Tân nói: Đó không hề là quyết định dễ dàng vì phải đấu tranh suy nghĩ.

Tuy nhiên, từ thôi thúc “mình đi làm thuê được, sao không góp trí lực của mình để làm giàu cho quê hương” và anh chọn về quê. Quyết định đã có nhưng anh không nóng vội mà vẫn tiếp tục duy trì công việc ở TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu các thông tin liên quan và chọn bước đi phù hợp- “sao phù hợp nhu cầu thị trường mà khác biệt”.

Qua tìm hiểu, anh nhận thấy, lươn là loại thực phẩm bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng và được xem là đặc sản ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, do nhu cầu lớn của thị trường và việc đánh bắt lươn tự nhiên theo kiểu tận diệt, nên lươn ngoài thiên nhiên dần ít đi. Chính vì vậy, anh “khăn gói về quê”, bắt đầu từ con lươn.

Thời điểm năm 2010, thông tin về kỹ thuật nuôi lươn chưa được phổ biến rộng rãi. Đồng thời, do chưa có kinh nghiệm, lại mua lươn giống trôi nổi của người săn bắt ngoài tự nhiên hoặc lươn giống tự nhiên thuần dưỡng không đảm bảo… nên anh bị lỗ gần 100 triệu đồng sau 2 tháng.

Không nản lòng, anh tiếp tục nuôi và dành thời gian đi nhiều nơi để tham quan học hỏi. Nghe thông tin tại Trung tâm Giống An Giang đã chuyển giao thành công mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo (can thiệp cho lươn sinh sản tự nhiên theo ý mình, làm bồn chăm sóc, nắm tập tính, tạo điều kiện nơi sống gần như tự nhiên), anh tìm đến tham quan và mua lươn giống về nuôi. Lần này thì “có lời một ít”.

Thời điểm đó, lươn giống bán nhân tạo rất khan hiếm, khó mua, anh lại nảy ra ý định tự sản xuất lươn giống bán nhân tạo để vừa nuôi lươn thương phẩm vừa bán con giống. Cách làm này có thể xoay vòng đồng vốn nhanh và thu lợi nhuận cao.

Nghĩ là làm, anh chọn lươn nuôi thành phẩm làm lươn bố mẹ rồi mày mò thử nghiệm 3 bể nuôi lươn sinh sản 60m2. Tiếp tục gặp thất bại với tỷ lệ đẻ ít, ấp nở nuôi dưỡng không được. Không chùn bước, anh lại tiếp tục nghiên cứu, mày mò, hoàn thiện quy trình nuôi.

Tỷ lệ thành công tăng dần, anh tiếp tục mở rộng quy mô. Năm 2017, anh đã phát triển trại nuôi lươn sinh sản khoảng 2.000m2 (30 bể, 22 m2/bể) và trại ương lươn giống với cột mốc đáng chú ý là đạt 1 triệu con giống, với giá bán 2.000- 4.000 đ/con. Trừ chi phí, anh Tân thu lời khoảng 1 tỷ đồng.

Năm 2018, trại nuôi lươn tiếp tục được mở rộng gấp đôi, bước đầu cũng đã xuất khẩu lươn giống sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2019, diện tích nuôi được mở rộng thêm 20% và tăng đàn lươn bố mẹ.

Chọn công nghệ là điểm nhấn

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tân xác định điểm nhấn là tận dụng Internet để tạo kênh liên lạc, tăng tương tác với khách hàng. Theo đó, website với tên miền luongiongvinhlong.com chính thức ra đời- mở ra trang thông tin mới cho người nuôi lươn.

“Đây được xem là website lươn giống bán nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam và được Google đánh giá là trang web hữu dụng, khi gõ từ khóa trang trại lươn giống thì lươn giống Thanh Tân luôn có mặt ở trang đầu”- anh Tân vui vẻ nói.

Bên cạnh, anh Tân còn tận dụng thêm các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube... để giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn và tương tác với khách hàng thông qua hotline, email...

Đây là những kênh thông dụng có thể kết nối với khách hàng nhanh chóng, thuận tiện. Để tạo niềm tin với khách hàng, anh Tân luôn quan tâm đến chất lượng con giống và đầu tư vào những bài viết, video hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn sát với kinh nghiệm thực tế của bản thân và theo đúng quy trình, tạo sự hấp dẫn, thu hút người xem.

Bên cạnh, anh còn có IT hỗ trợ về an ninh mạng. Anh Tân cho biết thêm, anh luôn quan tâm chăm sóc khách hàng như tận tình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi…

Tuy nhiên, đối với khách hàng muốn nuôi lươn giống thì anh chỉ chọn hỗ trợ những người có đam mê, có vậy, mới có thể theo đuổi tới cùng những kế hoạch, dự định của mình.

Vừa nghiên cứu hoàn thiện quy trình để nuôi hiệu quả hơn cho con lươn, xây dựng thương hiệu, anh vừa nghiên cứu một số con vật nuôi đặc sản khác cho giá trị kinh tế cao theo hướng kiểm soát nguồn nước, diệt khuẩn và nuôi với mật độ dày trong bể bạt hoặc nuôi xi măng trên bờ so với cách làm cũ là nuôi ao đất với nguồn nước tự nhiên, không kiểm soát được nguồn nước, tỷ lệ đạt thấp.

Anh Tân cho rằng “đây là hướng đi tiềm năng cho tương lai”. “Tôi đang từng bước tiến tới kế hoạch dài hạn. Có nguồn lươn giống tốt thì nuôi thương phẩm số lượng lớn, rồi chế biến khô lươn, chả lươn, lươn cắt khúc… Cuối cùng là thành lập công ty”- anh Tân cho hay.

Từ kinh nghiệm bản thân, anh Tân đúc kết: Khởi nghiệp từ nông nghiệp rất khó thành công do dễ trùng lắp. Do đó, cần có hướng đi riêng, phải đam mê, dám nghĩ, dám làm và đủ quyết đoán.

Nếu thấy đã chọn đúng con đường thì cần không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, công nghệ mới; cách thức nuôi trồng mới để bắt nhịp và đón đầu xu hướng tương lai. Về dự định sẽ thành lập công ty, anh cho hay đang nhờ một số ban ngành hướng dẫn để thực hiện các thủ tục cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Đẳng- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- cho biết: Anh Nguyễn Thanh Tân là một trong những nông dân có trình độ văn hóa, nhạy bén tiếp cận công nghệ. Không chỉ góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, anh Tân còn tặng hàng chục ngàn con lươn giống cho thanh niên địa phương khởi nghiệp, hỗ trợ nhiều nông dân phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm, nâng cao thu nhập.

Trong xây dựng nông thôn mới, anh tích cực tham gia đóng góp cho các phong trào, là một trong những nông dân được điển hình trong phong trào thi đua yêu nước cấp huyện và tỉnh. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin từ khi khởi nghiệp mà lươn giống bán nhân tạo của anh Tân được đăng tải nhiều, các tỉnh xa đến mua và tổ chức nhiều đoàn đến tham quan mô hình.

Sản xuất nông nghiệp cần hội nhập

Cũng chọn khởi nghiệp nông nghiệp trên đất quê hương, Nguyễn Văn Thảo- Phó giám đốc, phụ trách kinh doanh và kỹ thuật của Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới (Trà Ôn, người ngồi bên trái ảnh) chuyên nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế- cho rằng, người sản xuất cần phải đáp ứng 3 yếu tố: Trách nhiệm, minh bạch và hội nhập.

Trong đó, có trách nhiệm với sức khỏe của mình và người tiêu dùng; minh bạch trong quy trình sản xuất và chế biến để tăng niềm tin của khách hàng; hội nhập- tham gia vào cuộc chơi lớn, không còn là sản xuất thuần túy, phải nắm bắt xu thế thị trường, liên kết để cùng nhau phát triển.

Riêng ở Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới thì Thảo đang nghiên cứu hệ thống cho ăn tự động và quản lý hệ thống phối trộn vi sinh, hệ thống điều hòa trại nuôi trùn quế khi mật độ trùn khô hay ẩm. Thảo cũng tận dụng tối đa công nghệ để liên lạc, trao đổi thông tin, cập nhật kiến thức… vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí.

Kỳ 3: Bắt nhịp, đón đầu xu hướng làm nông mới

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN - XUÂN TƯƠI

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang