• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bão giá phá lợi nhuận

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng, 15/07/2019
Ngày cập nhật: 17/7/2019

Chưa kể đến cơn “bão quốc tế” mang tên “dịch tả heo châu Phi”, chỉ riêng cơn “bão giá” thôi cũng đã làm điêu đứng hàng loạt cây trồng, vật nuôi chủ lực trong tỉnh Sóc Trăng, “cuốn trôi” phần lớn lợi nhuận của nhà nông, dù trên thực tế, các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch.

Những tháng cuối năm 2018, khi niên vụ mía đường 2018 – 2019 bước vào thu hoạch cũng là lúc thị trường mía đường bắt đầu hình thành một “cơn bão” mang tên “giảm giá” và kéo dài cho đến kết thúc niên vụ mía này. Giá đường bán buôn trên thị trường lúc này chỉ quanh quẩn ở mức 10.500 đồng/kg, buộc các nhà máy đường phải giảm giá mua mía của nông dân xuống chỉ còn 850 đồng/kg tại cầu cảng nhà máy đối với mía đạt 10CCS (chữ đường). Đó là giá tại nhà máy, còn thực tế nông dân chỉ bán được mía tại ruộng với giá khoảng 750 đồng/kg. Càng vào vụ thu hoạch rộ, giá mía càng đi xuống, có lúc nông dân trồng mía huyện Cù Lao Dung chỉ bán được từ 300 đồng đến 400 đồng/kg. Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh mới đây, đại biểu Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cù Lao Dung phản ánh: “Trong 6 tháng đầu năm 2019, hầu hết người trồng mía của huyện đều thua lỗ do nông dân chỉ bán được mía tại rẫy với giá thấp, có khi chỉ từ 200 đồng đến 350 đồng/kg”.

Cây mía và cây lúa là 2 đối tượng chịu tác động đầu tiên của “cơn bão giá” khiến lợi nhuận của nông dân suy giảm, nhiều hộ bị thua lỗ.

Cũng diễn ra từ những tháng cuối năm 2018, “cơn bão” giảm giá còn quét sang những diện tích lúa Đông – Xuân sớm, đến Đông – Xuân chính vụ và sang cả vụ Hè – Thu. Giá lúa ngay từ đầu vụ dù sản lượng thu hoạch vẫn chưa nhiều nhưng đã bắt đầu giảm dần cho đến thu hoạch chính vụ, có những giống lúa giá chỉ còn khoảng 4.300 đồng/kg. Trong bức tranh màu xám đó, giống lúa đặc sản ST lọt vào top 3 gạo ngon thế giới cũng không thoát khỏi tình trạng giảm giá khi có lúc chỉ còn từ 5.000 đồng đến 5.500 đồng/kg, gây thất vọng cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân trồng giống lúa này. Sau khi có chính sách thu mua tạm trữ, giá lúa có nhích lên đôi chút nhưng nông dân trồng lúa gần như không còn mấy ai được hưởng lợi từ mức giá này do mùa vụ đã kết thúc, lúa đã được bán hết cho doanh nghiệp hay thương lái. “Hoàn lưu” của đợt “bão giá” tiếp tục bào mòn lợi nhuận của nông dân trồng lúa cho đến tận vụ lúa Hè – Thu hiện nay khiến nông dân trồng lúa tiếp tục gặp khó khăn.

Không chỉ trực tiếp gây thiệt hại cho người nuôi heo, dịch tả heo châu Phi còn làm giá heo hơi giảm mạnh, gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Sau khi “càn quét” qua 2 loại cây trồng chủ lực trên, “bão giá” tiếp tục quay sang đối tượng kinh tế mũi nhọn của tỉnh là thủy sản, mà cụ thể là con tôm. Theo nhận định của người nuôi tôm, tình hình thời tiết trong những tháng đầu năm là khá thuận lợi cho việc thả nuôi tôm thẻ và thực tế cũng đã chứng minh, những diện tích nuôi tôm thẻ từ đầu năm đến nay đều đạt năng suất khá khi sản lượng tôm (tôm thẻ và tôm sú) thu hoạch đến ngày 5-7 trên 41.000 tấn, bằng 118,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều người nuôi tôm mong đợi nhất là lợi nhuận nhưng chẳng những không theo kịp đà tăng này mà còn giảm xuống. Với mức giá tôm thẻ loại 100 con/kg có lúc xuống dưới mức 70.000 đồng/kg và hiện tại giá phổ biến cũng chỉ trên dưới 80.000 đồng/kg nên có rất ít người nuôi có lãi. Theo dự báo của doanh nghiệp, “cơn bão” này sẽ chấm dứt từ cuối tháng 7 này và giá tôm sẽ tăng trở lại nhưng cũng giống như cây lúa, lúc giá tăng cũng là lúc chỉ còn số ít nông dân còn tôm để bán.

Người nuôi tôm năm nay gần như không có lời do giá tôm giảm mạnh và kéo dài từ đầu năm đến tận tháng 7 này.

Khác với đối tượng cây trồng, vật nuôi trên, từ cuối năm 2018, người chăn nuôi heo rất hồ hởi về triển vọng “sau cơn mưa trời lại sáng” khi giá heo hơi bắt đầu tăng mạnh trở lại vào tháng 5-2018. Những toan tính tái đàn, mở rộng quy mô đàn để đón đợt giá heo hơi phục hồi trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2019 để gỡ gạc lại phần nào thua lỗ từ gần 2 năm trước liên tục chuyển trạng thái từ hăm hở, cho đến hồi hộp, rồi thất vọng và cuối cùng là lo âu về tình trạng thua lỗ mà nguyên nhân chính cũng vẫn là do “bão” nhưng lần này là “bão dịch tả heo châu Phi”. Không chỉ bị thiệt hại trực tiếp do dịch tả heo châu Phi gây ra mà nó còn gián tiếp làm giảm sức tiêu dùng sản phẩm thịt heo, kéo giá heo hơi về mức thấp và việc tiêu thụ là hết sức khó khăn. Gần đây, khi sản lượng heo cả nước sụt giảm, giá heo hơi tại một số vùng bật dậy trở lại nhưng đâu ai dám liều tái đàn trong thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng như hiện nay nên tất cả đành ngậm ngùi tiếc nuối.

Những “cơn bão” quét qua ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 một lần nữa cho thấy, ngoài việc nông dân phải thường xuyên đối phó với thiên tai, vẫn còn đó những rủi ro về dịch bệnh và thị trường. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhưng có những rủi ro ngoài tầm với cần rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí mới có thể hạn chế được. Nông nghiệp vẫn là trục chính của nền kinh tế Sóc Trăng, nên việc làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong nông nghiệp vẫn là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, bởi đó cũng chính là kỳ vọng của nhà nông vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, để mỗi mùa vụ sản xuất là một niềm vui đối với họ.

Tích Chu

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang