• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Dân tin, cùng làm nông nghiệp thông minh - Kỳ 3: ‘Cò’ kích ‘cầu’

Nguồn tin:  Báo ảnh Đất Mũi, 09/07/2019
Ngày cập nhật: 10/7/2019

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện tình trạng “cò” thu mua lúa, tôm, gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là trong việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân. “Cò” xuất hiện nhiều, bị cho là lực lượng thao túng thị trường và bị mang tiếng là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để ép giá, gây ra nhiều khó khăn và thiệt thòi cho nông dân… Thế nhưng, vai trò của lực lượng này cần có sự nhìn nhận thấu đáo, ở góc nhìn xa hơn trong bài toán về liên kết sản xuất.

“Cò” theo cách nghĩ của người dân

“Cò” thu mua lúa tại Cà Mau thường thực hiện cách thức là khi lúa của nông dân còn khoảng nửa tháng sẽ thu hoạch, lực lượng “cò” này sẽ đến đặt cọc với giá cao hơn giá DN ký kết hợp đồng. Điều này đã khiến nhiều nông dân Cà Mau sẵn sàng phá vỡ hợp đồng ký kết với DN và bán lúa cho “cò”.

Theo nhiều DN hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thực tế có hiện tượng “cò lúa” đang thao túng thị trường thu mua lúa trong dân, bằng việc liên kết với các chủ máy gặt đập liên hợp. Hình thức hoạt động của “cò lúa” là khi nông dân còn khoảng nửa tháng nữa sẽ bắt đầu thu hoạch lúa thì các “cò” đến thương thảo về giá thu mua, ấn định ngày cắt và tiến hành đặt tiền cọc trước với nông dân (thông thường tiền cọc là 300.000 đồng/công) và tất cả các công việc này đều được thương thảo bằng miệng. Trường hợp cả cánh đồng nếu có nhiều người đồng ý bán cho “cò lúa” với giá lúa nhất định, thì những hộ khác dù không chịu cũng phải bán theo, bởi không bán thì không có máy cắt đến thu hoạch và không có thương lái khác đến mua.

Người dân và doanh nghiệp cần có cái nhìn thân thiện, thấy được mặt tích cực của lực lượng “cò” và phải cùng nhau hợp tác trong chuỗi sản xuất.

Điều đáng nói hơn là tình trạng này diễn ra ngay cả những vùng mà trước đó đã có công ty, DN tiến hành ký kết bao tiêu với nông dân và có những chính sách đầu tư. Tuy nhiên, chỉ vì thời điểm ra giá mua của công ty thường cận với ngày cắt lúa (thường 5 ngày trước khi thu hoạch) nên khi có “cò lúa” đến đưa ra giá trước thì bà con sẵn sàng “bẻ kèo” với DN mà bán cho “cò”. Có trường hợp “cò lúa” sẵn sàng đặt cọc cao hơn nếu chỗ nào có công ty, DN đã đưa tiền cọc rồi, để bà con thấy hấp dẫn và “bẻ kèo” với DN sau đó. Vô hình trung, vì lợi nhuận trước mắt mà nông dân đã phá vỡ chuỗi sản xuất đã được liên kết, gây không ít khó khăn cho DN.

Để phần nào tháo gỡ tình trạng trên, nhiều hợp tác xã và nông dân đề xuất các công ty, DN cần thay đổi chính sách thu mua lúa trong dân, đồng thời ngành chức năng cũng cần có giải pháp nhằm tránh tình trạng “cò lúa” thao túng thị trường. Còn nông dân thì chưa hẳn an tâm, vì đã xảy ra nhiều trường hợp khi giá lúa thấp thì “cò” đặt nhiều lý do để giảm giá thu mua so với thỏa thuận ban đầu, hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu giá lúa rớt.

Đối với người nuôi tôm, họ cho rằng hiện nay mình phải chịu quá nhiều sức ép: Giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao nhưng chất lượng không đảm bảo; giá tôm thương phẩm lên - xuống bấp bênh… Và thêm một nỗi lo nữa, đó là cảnh ép giá và những chiêu trò “bẩn” của thương lái khi thu mua tôm. Đầu tiên là “ép cỡ” tôm, đây là chiêu phổ biến nhất và hầu như đã thành “bản năng” của các thương lái thu mua tôm. Thông thường, khi thương lái đến ngả giá mua tôm với chủ ao thì hai bên tiến hành xác định cỡ tôm, sau đó thương lượng giá cả. Bên cạnh đó, “chêm cân” là cách thương lái “ăn gian” số lượng tôm lớn. Đó là lợi dụng sự mất cảnh giác của chủ đầm tôm, các đối tượng này chêm vào cây cân một đoạn thép nhỏ nhằm giảm trọng lượng của các giỏ tôm khi cân. Nếu chiêu này áp dụng thành công thì 1 tấn tôm, thương lái có thể “lời” được 15 - 30kg tôm.

Người nuôi tôm cần đề cao cảnh giác, “cập nhật” liên tục và phổ biến rộng rãi các cách thức gian lận của thương lái cho nhiều người cùng biết để phòng tránh.

Góc nhìn của nhà quản lý

Nói về vấn đề này, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đánh giá cao vai trò trung gian của lực lượng “cò lúa” trong quá trình sản xuất, vì lực lượng này là đầu mối kết nối người dân với DN, bởi DN thường không đủ nhân lực để tiếp cận từng hộ dân, không am hiểu địa hình vùng nuôi để tiến hành thu mua lúa của dân; có những “cò” là “thổ địa” ở đây thì việc mua lúa sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Với địa bàn chằng chịt sông ngòi như Cà Mau thì việc tiếp cận của các DN thu mua lúa ngoài tỉnh vào đây là rất khó và khi ấy lực lượng được xem là “cò” này sẽ giúp họ tìm nguồn nguyên liệu.

DN càng không thể nắm được đâu là vùng nguyên liệu lớn để khai thác và hơn hết là không biết được chất lượng lúa của những vùng sản xuất này, đặc biệt là khó tiếp cận dân. Hơn ai hết, lực lượng được xem là “cò” này sẽ dễ dàng tiếp cận dân, làm trung gian giải quyết hết nhu cầu của DN đặt ra trong lúc này và đương nhiên, giá lúa thu mua trong dân sẽ cao hơn và người dân sẽ có được lợi nhuận tốt hơn.

Từ đó, có thể khẳng định rằng, “cò lúa” là trung gian giúp dân tiêu thụ lúa với giá tốt và thuận tiện hơn; DN thì có nguyên liệu tốt hơn theo đúng đơn đặt hàng của mình. “Từ dịch vụ này, lực lượng “cò” hưởng lợi từ phần chênh lệch là hoàn toàn hợp lý”, ông Nguyễn Trần Thức khẳng định và mong muốn người dân và DN nên xem và có cái nhìn tốt hơn về lực lượng “cò lúa”, bởi đây là cầu nối, là đối tác trong chuỗi sản xuất này, có vai trò kích thích cung - cầu trong quá trình sản xuất.

Về giải pháp lâu dài, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tổ chức lại hệ thống cò lái. Hơn ai hết, DN, thương lái và người dân phải liên kết nhau trong sản xuất. Trong chuỗi giá trị này, phải xác định rõ nhu cầu của DN, thương lái chính là người cung cấp thông tin cho người dân để chủ động đáp ứng tốt nhất nhu cầu đó và mang lại hiệu quả cao nhất trong mỗi mùa vụ. Hoạt động này phải đảm bảo tính chặt chẽ là dân bán lúa và thương lái sẽ thu mua và cung cấp cho DN.

Về thực trạng “cò tôm”, thanh tra ngành Nông nghiệp khuyến cáo, cách ngăn chặn tốt nhất là người nuôi tôm cần đề cao cảnh giác, “cập nhật” liên tục và phổ biến rộng rãi các cách thức gian lận của thương lái cho nhiều người cùng biết để phòng tránh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và nhất là các địa phương phải triệt để xử lý, có biện pháp mạnh tay hơn, xem đây như một tệ nạn, một kiểu gian lận thương mại tinh vi ở nông thôn mà nông dân “tay lấm chân bùn” là người gánh chịu, phải được loại trừ.

Về góc độ chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Xã thường xuyên chỉ đạo cán bộ chuyên môn và lực lượng công an xã tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng lực lượng thương lái, đặc biệt cao điểm mùa vụ. Định hướng cho người dân, đặc biệt là các hợp tác xã, tham gia chặt chẽ và có hiệu quả vào chuỗi sản xuất giá trị ngành hàng và sản xuất theo đúng quy hoạch vùng như ban đầu”.

Cùng với cải tiến hệ thống thủy nông nội đồng phục vụ tốt cho hoạt động giao thương, buôn bán, chính quyền địa phương phải xây dựng hệ thống thương lái đưa vào chuỗi sản xuất. Tất cả cùng chung sức làm kinh tế, nêu cao vai trò thành viên của chuỗi. Có vậy thì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn, giá lúa sẽ cao và người dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn; đương nhiên DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi đã “với” tới nông dân, thông qua hệ thống thương lái này. Nhìn xa hơn là liên kết sản xuất chuỗi sẽ không còn “nghẽn” như trước nữa, khi các “nhà” đã có tiếng nói chung.

PHÚ HỮU

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang