• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhà nông nhạy bén với thị trường

Nguồn tin:  Báo Bình Phước, 04/07/2019
Ngày cập nhật: 5/7/2019

“Để phát triển kinh tế, người nông dân phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Một yếu tố quan trọng là trong quá trình sản xuất phải áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích” - anh Nguyễn Văn Chục (SN 1970), ngụ ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết.

Sinh ra tại tỉnh Tiền Giang - vùng đất chuyên canh cây ăn trái, từ nhỏ anh Chục đã được tiếp cận nhiều vườn cây ăn trái. Nhìn những vườn cây trái xanh tốt, xum xuê, anh luôn mong muốn một ngày nào đó mình sẽ là chủ nhân một vườn như thế, nhưng diện tích đất của gia đình hạn chế. Năm 1995, anh lên Bình Phước thăm người thân, nhận thấy nơi đây đất màu mỡ; năm 1996, anh đưa vợ con đến ấp 5, xã Tân Hưng lập nghiệp. Dồn hết vốn liếng, anh mua 4 ha đất trắng, lúc đầu trồng nhãn. Qua nhiều năm chăm sóc, khi nhãn cho thu hoạch thì rớt giá, làm ăn thua lỗ, gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Để tránh rủi ro, anh chặt bỏ nhãn và trồng 4 ha dó bầu xen quýt đường. Sau 5 năm, quýt đường cho thu hoạch. Thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật nên quýt đường cho năng suất cao, mỗi vụ anh thu 80 tấn trái, trị giá khoảng 800 triệu đồng. Với cây dó bầu, sau 10 năm chăm sóc thì cho thu hoạch, anh bán ra thị trường trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/cây.

Anh Nguyễn Văn Chục tạo tán cho cây cảnh

Thu hoạch xong dó bầu, năm 2014, anh trồng 1,4 ha chôm chôm Thái. Giống chôm chôm Thái có ưu điểm là trái lớn, cơm dày, hạt dẹt rất nhỏ, năng suất cao, chất lượng tốt, khi chín vỏ có màu đỏ hấp dẫn người tiêu dùng. Theo anh, kỹ thuật trồng và chăm sóc chôm chôm Thái không phức tạp, nên trồng vào đầu hay giữa mùa mưa. Tuy nhiên, trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng, hay tưới quá nhiều nước dễ bị thoái hóa rễ, do đó phải tạo rãnh thoát nước trong vườn. Năm đầu trồng phải cắt tỉa cành nhằm tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Với chôm chôm, cứ vào vụ thu hoạch thường gặp tình trạng dội hàng, rớt giá. Để cây chôm chôm ra bông, đậu trái đồng loạt và cho thu hoạch sớm, anh Chục bón phân và chăm sóc đặc biệt để giá bán cao hơn. Từ 1,4 ha chôm chôm, vụ vừa qua anh thu hoạch hơn 3 tấn trái, với giá trung bình gần 20.000 đồng/kg cho thu nhập hơn 250 triệu đồng.

Thời gian gần đây, anh Chục thường xuyên tham quan các mô hình cây ăn trái ở miền Tây. Anh nhận thấy cây nhãn Ido phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cao, tuổi thọ đạt 30-40 năm, trái to, cơm dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, vị ngọt dịu nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, nhãn Ido kháng được bệnh chổi rồng - loại bệnh rất phổ biến ở nhiều giống nhãn khác. Năm 2017, anh trồng 7 sào nhãn Ido, đang cho trái bói. Anh Chục cho biết: “Nếu chăm sóc tốt, nhãn sẽ cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Với giá nhãn Ido trên thị trường hiện nay khoảng 33.000 đồng/kg, mỗi héc ta cho thu nhập hơn 900 triệu đồng”.

Số diện tích còn lại, anh đầu tư trồng cây cảnh, đặc biệt ưu tiên trồng cây nguyệt quế và tùng la hán. Nguyệt quế thuộc cây thân gỗ nhỏ, thân nhẵn, cành lá cong nên rất được ưa chuộng uốn bonsai. Anh Chục chia sẻ, để một cây bonsai có giá trị thì nước tưới luôn là yếu tố hàng đầu giúp cây phát triển. Việc bón phân theo định kỳ giúp cây đủ chất dinh dưỡng phát triển tốt, người trồng phải tạo hình thù cho cây theo 4 yếu tố: nhất rễ, nhì thân, ba cành, tứ lá. Anh đang chăm sóc khoảng 200 cây tùng la hán và 80 cây nguyệt quế. Giá cây cảnh khác nhau tùy theo năm tuổi, dáng dấp. Đối với cây nguyệt quế từ 20 năm tuổi anh bán với giá khoảng 60-100 triệu đồng/cây, cây tùng la hán anh bán 50-100 triệu đồng/cây.

Ông Phạm Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng, cho biết: Nhà nông Nguyễn Văn Chục luôn nắm bắt nhu cầu thị trường, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tìm tòi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Đây là cách làm hay, cần được nhân rộng để nông dân trên địa bàn xã Tân Hưng học tập.

Khắc Bảy

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang