• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp TPHCM

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng, 14/1/2019
Ngày cập nhật: 15/1/2019

Đô thị hóa luôn là sức ép khi diện tích đất nông nghiệp TPHCM giảm dần qua từng năm, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất trong quá trình chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị sản xuất/ha đã đạt 502 triệu đồng trong năm 2018 (tăng 11,5% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nói chung của thành phố gần gấp đôi bình quân cả nước, với GRDP của thành phố tăng 6,2%.

Trồng hoa trong nhà lưới tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Mở rộng 4 dự án

Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp xuất hiện thời gian qua mang lại hiệu quả cao như: mô hình công nghệ cao trong trồng hoa nhiệt đới Mokara ở Củ Chi, trồng dưa lưới ở Hóc Môn, nuôi tôm nước lợ ở Cần Giờ, chế biến sữa bò ở Củ Chi…, phù hợp với định hướng của một nền nông nghiệp đô thị. Khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo từng bước nhân rộng các mô hình để nông nghiệp thành phố trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất thay vì dừng lại ở các mô hình.

Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Từ năm 2016, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 6150/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, đã nêu rõ những nội dung và định hướng của việc phát triển NNCNC tại thành phố.

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, nếu như những năm trước đã hình thành một số vùng NNCNC ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, năm 2018, một số dự án chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá, ăn quả ứng dụng công nghệ cao đã đi vào sản xuất nên diện tích ứng dụng công nghệ cao đến nay lên trên 407ha canh tác, tăng 4,8% so với cùng kỳ (389ha), nhờ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp thành phố.

Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được chú trọng trong thời gian qua đã hình thành nhiều loại hình và vùng NNCNC ở khu vực nông thôn ngoại thành như: trồng rau thủy canh, dưa lưới, trồng ớt ngọt, hoa chuông... trong nhà màng, trên giá thể với hệ thống tưới nhỏ giọt. Tỷ lệ ứng dụng NNCNC đã tăng khá cao giai đoạn 2015 - 2020; nếu như năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10%, năm 2016 là 35,8%, thì năm 2018 là 38,2%. Xu thế này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai đầu tư 4 dự án: Mở rộng Khu NNCNC 200ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; dự án đầu tư xây dựng Khu NNCNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; dự án mở rộng Khu NNCNC (hơn 23ha) tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; và dự án xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh.

Nhân lực cho công nghệ cao

Như Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo trước đó: Cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp để mở rộng việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp thành phố; ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết, bên cạnh việc 31 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các chương trình ươm tạo tại Khu NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ sinh học, 600 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia lớp tập huấn về nâng cao năng lực kinh doanh và cung cấp kiến thức xây dựng thương hiệu, năng lực quản lý sản xuất nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp thành phố còn đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 600 lao động nông thôn, 80 cán bộ kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất và nghiên cứu về chăn nuôi bò sữa, kỹ thuật trồng rau, hoa kiểng và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. 13 lượt cán bộ tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng về NNCNC ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan; 2 lượt cán bộ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn trong nước về chẩn đoán bệnh trên cây trồng bằng sinh học phân tử; tổ chức 2 lớp tập huấn liên kết quốc tế về kỹ thuật di truyền trong chọn tạo giống nấm và kỹ thuật nâng cao chất lượng bò sữa cho hơn 100 người tham dự; 2 lớp kỹ năng chọn giống cây trồng trên cơ sở công nghệ sinh học cho 60 người tham dự, 4 lớp tập huấn kết hợp thực hành cho 68 cán bộ kỹ thuật về kỹ thuật trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh, dinh dưỡng và phần mềm quản lý dinh dưỡng cho bò sữa, kỹ thuật trồng hoa lan, hoa nền ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đào tạo là việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho người dân nông thôn. Tổ chức 243 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 10.100 người, phát hành 41.000 tờ bướm, 24.200 cuốn cẩm nang, 7.500 sổ tay, 104 chương trình phát thanh khuyến nông, 108 đĩa CD hướng dẫn, giới thiệu về các nội dung phát triển kinh tế như: phòng trừ sâu bệnh, quản lý dịch hại, khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, ngành nông nghiệp còn phối hợp với các viện, trường, chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về NNCNC để tập huấn chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp. Sở NN-PTNT phối hợp với bộ môn Di truyền giống (Đại học Nông Lâm TPHCM) hướng dẫn phương pháp BLUP cho các trại heo giống để quản lý đàn, cải thiện hiệu quả chất lượng đàn heo.

Chuyển giao quy trình công nghệ nhân nhanh rễ tóc sâm Ngọc Linh, chuyển giao 3/7 tổ hợp lai dưa lưới có triển vọng ra ngoài sản xuất để đánh giá chất lượng, khả năng thích nghi diện rộng của các giống. Năm qua, Trung tâm Công nghệ sinh học tổ chức nhân giống in vitro khoảng 180.000 cây cấy mô các loại. Tiếp tục sàng lọc và tuyển chọn thêm các dòng lan Dendrobium mang gien mục tiêu có khả năng phát triển tốt từ nguồn mẫu cây lan chuyển gien hiện có. Trồng thử nghiệm giống hoa cúc lùn Pico ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng rau ăn lá trên hệ thống thủy canh và nhà máy sản xuất thực vật.

Nghiên cứu chọn tạo dòng thuần và ứng dụng chỉ thị phân tử trong đánh giá dòng thuần trên các đối tượng dưa lưới, cà chua bi, ớt ngọt, dâu tây. Về thủy sản, sưu tập thêm 5 dòng cá dĩa và 39 dòng cá cảnh trong việc thuần dưỡng, chọn tạo và nhân các giống cá cảnh phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

CÔNG PHIÊN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang