• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế hỗn hợp

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình, 02/05/2019
Ngày cập nhật: 6/5/2019

Với tính siêng năng, cần cù, anh Phạm Văn Tỵ, xóm 8, xã Hồi Ninh (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã bền bỉ, từng bước phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế hỗn hợp, mang lại hiệu quả cao, cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Tỵ chăm sóc vườn đào tại mô hình kinh tế của gia đình.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hồi Ninh vốn lấy nghề nông làm gốc, năm 2007, với tư duy dám nghĩ, dám làm, anh Tỵ quyết định nhận thầu hơn 4 mẫu đất của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Nhớ lại những ngày đầu bắt tay xây dựng mô hình kinh tế, anh Tỵ chia sẻ: Cũng vất vả lắm chú ạ! Do ít am hiểu về mô hình nông nghiệp quy mô lớn nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn.

Diện tích đất gia đình anh đấu thầu là đất trũng, khó canh tác nên mất nhiều công sức và vốn để đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên anh Tỵ đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh.

Bên trên vườn, anh từng bước xây dựng vườn rau màu 4 vụ/năm kết hợp với trồng đào Tết, bên dưới là ao ương cá giống để cung cấp cho người dân địa phương. Ngắm nhìn trang trại được quy hoạch khoa học, chúng tôi phần nào cảm nhận được đó là những thành quả từ chính mồ hôi, công sức của anh và gia đình.

Dẫn chúng tôi đi tham quan ao ương cá giống, anh Phạm Văn Tỵ cho biết, diện tích gia đình đấu thầu là vùng trũng của địa phương nên việc cải tạo gặp không ít khó khăn. Gia đình từng bước nỗ lực cải tạo đất, đắp nền ao, bờ, bố trí hệ thống khung giàn để trồng cây dây leo phía trên.

Anh Tỵ cho biết, cá giống trắm đen được anh nhập trực tiếp từ Trung Quốc về, là giống cá chất lượng tốt. Sau khi ương nuôi từ cá bột lên đến loại 20 con/kg thì anh xuất bán cho các hộ nuôi thủy sản trong huyện, tỉnh. Riêng năm 2018 vừa qua, từ việc xuất bán cá giống, anh Tỵ thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Chịu khó học hỏi, tìm tòi, anh Tỵ đã tìm hiểu qua báo chí, truyền hình và internet để xây dựng mô hình trồng rau an toàn. Không có điều kiện về vốn cũng như khoa học kỹ thuật còn sơ khai nên anh Tỵ mới chỉ thực hiện mô hình trồng rau trên diện tích 700m2.

Năm 2018, mô hình trồng rau an toàn của anh được huyện Kim Sơn hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới. Đây là nguồn hỗ trợ triển khai theo Nghị quyết số 02 của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Được sự giúp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Tỵ đã thiết kế hệ thống nhà lưới đơn giản, giúp ngăn ngừa côn trùng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Anh cho biết: Nếu như trước đây, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật là 5 triệu đồng mỗi năm, thì giờ đây khi xây dựng thành công hệ thống nhà lưới, tôi chỉ mất 500 nghìn đồng cho việc này.

Hệ thống màng lưới đã giúp ngăn chặn phần lớn các tác nhân sâu bệnh, thay vào đó, tôi tập trung vào việc cải tạo đất sau mỗi năm gieo trồng. Trong năm, 4 vụ rau gối đầu nhau, từ trồng su hào, cải bắp rồi đến các loại rau dưa... cho sản lượng trên 10 tấn, cho tôi thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Đến vụ sản xuất, tôi phải thuê thêm hơn 10 lao động địa phương với tiền công 200 nghìn đồng/ngày, nếu không thì làm không xuể.

Bên cạnh việc trồng rau, thả cá, “gia sản” của anh Tỵ còn khoảng 500 gốc đào chơi Tết, mỗi năm cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Phạm Văn Tỵ còn là một cán bộ gương mẫu, nhiệt tình. Được mọi người tín nhiệm bầu làm xóm trưởng xóm 8 xã Hồi Ninh.

Những năm qua, từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình mình, anh Tỵ đã tích cực vận động nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Ai đến hỏi về kinh nghiệm làm mô hình kinh tế, anh Tỵ đều nhiệt tình góp ý, đồng thời giúp đỡ về giống để mọi người cùng vươn lên làm giàu. Sự mộc mạc, tận tụy của xóm trưởng Phạm Văn Tỵ đã để lại nhiều ấn tượng, được bà con nhân dân tin yêu, mến phục.

Bài, ảnh: Thái Học

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang