• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuyên Quang: Liên kết, sản xuất nông sản đặc sản: Cú huých cho sản xuất hàng hóa

Nguồn tin:  Báo Tuyên Quang, 13/4/2019
Ngày cập nhật: 15/4/2019

Nông sản đặc sản địa phương như cá chiên, vịt bầu, chè Shan tuyết… sau một thời gian dài lận đận tìm thị trường, giờ đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã bắt tay vào liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Vũ Đình Thường (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai giới thiệu mô hình nuôi trồng thủy sản của công ty với người nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Quốc Việt

Vịt bầu cổ xanh Chiêm Hóa cũng giống như vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ ở một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 10 năm trở lại đây, sự có mặt của giống vịt lai hàng hóa tràn lan trên địa bàn huyện, với đặc điểm ngắn ngày, dễ nuôi, nhanh xuất bán, nhiều bà con chuyển sang chăn nuôi giống vịt này, khiến câu chuyện bảo tồn giống vịt bầu cổ xanh trở nên cấp thiết.

Khi anh Hà Văn Doãn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Đức chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mà cụ thể là đầu tư vào việc bảo tồn, nhân giống vịt bầu cổ xanh của địa phương, nhiều người không khỏi ái ngại, vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với anh, cũng là lĩnh vực được đánh giá là bấp bênh, khó thu lãi hơn rất nhiều so với xây dựng cơ bản. Anh Doãn bảo, anh vốn là người dân tộc Tày, quê gốc ở xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). Anh nhớ những ngày còn nhỏ, được thưởng thức miếng thịt vịt quê ngọt thơm, chắc thịt, đậm đà, nhưng dần dà, món ăn này không còn xuất hiện nhiều nữa, thay vào đó là thịt vịt lai hàng hóa bà con nhập giống từ xuôi lên. Theo ông Hà Quang Mai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa, giống vịt bầu có đặc điểm đẻ thưa, ngắt quãng, thời gian nuôi 1 con cũng kéo dài từ 3 - 3,5 tháng, nên nhiều bà con không còn mặn mà lưu giữ, nuôi lớn thành hàng hóa mà chỉ giữ vài ba con làm giống. Năm 2017, Công ty TNHH MTV Hà Đức thực hiện dự án bảo tồn, nhân giống vịt bầu cổ xanh Chiêm Hóa và thu được kết quả khả quan. Sau 2 năm, đơn vị đã xuất bán được hơn 8.000 con giống cho bà con địa phương; cung cấp cho thị trường gần 1.000 con vịt bầu thương phẩm. Hiện, Công ty TNHH MTV Hà Đức đang hoàn thiện các thủ tục cấp chứng nhận VietGAP cho đàn vịt bầu thương phẩm, truy xuất nguồn gốc và đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh Chiêm Hóa. Anh Doãn cho biết, đơn vị đã làm việc với một số siêu thị tại Hà Nội, Quảng Ninh để tìm đầu ra, ngay sau khi sản phẩm được chứng nhận VietGAP, dự kiến giá bán mỗi kg khoảng 150 nghìn đồng.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra sản phẩm chè Shan của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang).

Hợp tác xã Sơn Trà mới thành lập tháng 7 - 2018 nhưng cũng đã để lại dấu ấn đối với người trồng chè Shan tuyết đặc sản ở Hồng Thái (Na Hang). Anh Đàng Xuân Trân, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc thành lập hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Shan đặc sản xuất phát từ chính nhu cầu của anh em trong ban quản trị, vì một thời gian dài chè Shan đặc sản Hồng Thái không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, do rất ít người biết đến. Hợp tác xã liên kết với 16 hộ trồng chè trong xã, với hơn 60 ha chè Shan đã cho thu hoạch, giá thu mua chè búp tươi là 15 nghìn đồng/kg. Anh Trân cho biết, từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã xuất bán ra thị trường gần 6 tấn chè búp khô, giá bán trung bình 300 nghìn đồng/kg. Năm 2019, hợp tác xã đang tập trung vào phân khúc chè chất lượng cao, giá bán khoảng 1 triệu đồng/kg. Yêu cầu để sản xuất loại chè này là bà con phải hái đúng 1 tôm 1 lá, giá thu mua 1 kg búp tươi là 50 nghìn đồng/kg. Giám đốc Hợp tác xã Đàng Xuân Trân chia sẻ, việc tập trung vào phân khúc hàng cao cấp sẽ định hình được giá trị, thương hiệu của sản phẩm chè Shan Hồng Thái trên thị trường, qua đó, tạo niềm tin, nâng cao thu nhập cho người trồng chè địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có gần 40 hợp tác xã, tổ hợp tác có tham gia liên kết với doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với hợp tác xã và nông dân, 45 trang trại có tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như chè, gỗ rừng trồng, rau, lúa, sắn, ớt, trâu, bò, lợn... Sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào lĩnh vực này đã góp phần không nhỏ trong việc khôi phục, duy trì sản xuất các mặt hàng nông sản đặc sản, là cú huých cho nông nghiệp tỉnh ta phát triển theo chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: Trần Liên

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang