• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tính chuyện đường dài cho sản xuất sạch

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 27/03/2019
Ngày cập nhật: 1/4/2019

Để các sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) thực sự đạt chuẩn và được nhân rộng theo hướng bền vững là câu chuyện dài tập. Trong đó cần giải pháp đồng bộ áp dụng từ trên cánh đồng sản xuất đến quy trình quản lý chất lượng sản phẩm qua các khâu trung gian đến khâu bán hàng.

Ở đây, thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất sạch là yếu tố quyết định.

Rau, trái cây đạt chuẩn GlobalGAP trồng trong nhà kính tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

* Thay đổi từ cánh đồng

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, thị trường đã chứng minh sau những đợt khủng hoảng, đơn vị nào xây dựng tốt chuỗi an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều tồn tại và phát triển. Tuy Đồng Nai đã nhân rộng và xây dựng được các chuỗi thực phẩm an toàn cả ở lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt nhưng kết quả đạt được còn rất nhỏ so với tiềm lực. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu.

Suốt thời gian dài, nông dân vẫn quen chạy theo thâm canh, tăng vụ để đạt năng suất tối đa. Đây chính là nguyên nhân của việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để đạt hiệu quả nhanh nhất. Chỉ ra tác hại của thói quen canh tác này,

PGS-TS.Trịnh Xuân Vũ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Sâu bệnh và việc lạm dụng phân hóa học cùng với thuốc bảo vệ thực vật độc hại là một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của ngành trồng trọt. Để giải quyết tốt vấn đề trên, phải thay đổi từ ý thức sản xuất an toàn của người nông dân trên chính cánh đồng của họ”.

Điều khó khăn khi sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP với nông dân là phải tỉ mỉ ghi lại nhật ký hoạt động mỗi ngày trên cánh đồng. Mục đích của việc ghi nhật ký này là để minh bạch thông tin khi khách hàng, người tiêu dùng có thể cùng theo dõi với người nông dân về quá trình canh tác, từ quy trình sử dụng phân, thuốc đến thu hoạch, bảo quản. Và chính sự coi trọng chữ tín của nông dân luôn làm đúng cam kết là nền tảng để xây dựng nên lòng tin ở người tiêu dùng.

Ông Đỗ Nhật Tâm, nông dân đi tiên phong đầu tư trồng dưa lưới sạch trong nhà màng tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) chia sẻ kinh nghiệm ký được hợp đồng bao tiêu dưa lưới dài hạn với doanh nghiệp Nhật Bản: “Đến nay, chưa khách hàng nào yêu cầu tôi phải làm chứng nhận sản phẩm sạch. Nhưng họ cử chuyên gia kỹ thuật thường xuyên về tận nơi giám sát quy trình sản xuất từ khâu xuống giống; test (kiểm tra) từ mẫu lá đến mẫu trái khi thu hoạch. Tôi giữ chân được những khách hàng khó tính nhất vì luôn giữ đúng cam kết chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện làm gian dối hay để đối phó”.

Thực tế, có những lô dưa lưới mà ông Tâm chấp nhận nhổ bỏ khi có dịch bệnh chứ kiên quyết không dùng thuốc hóa học. Ông cũng loại bỏ ngay từ vườn những trái không đạt về độ ngọt, trọng lượng như cam kết ban đầu với khách. Nhờ tạo được lòng tin với khách nên trang trại của ông Tâm luôn được khách trả tiền trước bao tiêu sản phẩm, thậm chí được doanh nghiệp ứng vốn đầu tư thêm nhà màng để mở rộng sản xuất.

* Không chạy theo phong trào

Cùng quan điểm, ông Võ Văn Vịnh, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho rằng: “Để tránh lãng phí, nông dân không nên đầu tư làm chứng nhận GAP một cách tràn lan. Họ chỉ làm khi đã có đơn vị bao tiêu và yêu cầu làm chứng nhận. Vì hiện nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính, doanh nghiệp cũng không đòi hỏi phải có các chứng nhận GAP, chỉ cần mẫu test đạt yêu cầu”.

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam tư vấn cho nông dân: “Sự thay đổi để tạo thói quen sản xuất an toàn có thể bắt đầu từ những bước cơ bản nhất. Hiện sản xuất đạt chuẩn hữu cơ ngay là rất khó.Tạm thời, tôi chỉ mong đạt ở mức sản xuất theo hướng hữu cơ là nông dân khi bón 3kg phân hóa học cho cây trồng nên kèm thêm 1kg phân hữu cơ, dần dần nâng tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ tăng lên 50 rồi 70%...”.

Ông Nghĩa cũng khuyến cáo, với thuốc bảo vệ thực vật, nông dân nên tuân theo các nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn, đừng lạm dụng và sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép.

Lê Quyên

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang