• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải pháp canh tác từ đất nhiễm mặn

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 14/03/2019
Ngày cập nhật: 18/3/2019

Nuôi heo, sử dụng túi ủ biogas kết hợp trồng khổ qua, đó là mô hình khá hiệu quả mà nhiều nông hộ ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã làm được.

Tưới khổ qua bằng nước thải từ biogas vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí.

Mô hình này vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn nước tưới hiếm hoi trong giai đoạn mùa khô, xâm nhập mặn hiện nay. Ông Nguyễn Việt Hồng, ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cùng hơn 30 hộ dân khác trong xã đã thành công với mô hình trồng khổ qua tưới bằng nước thải từ hầm ủ biogas. Tiếp nhận kỹ thuật mới từ ngành nông nghiệp địa phương và nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao, ông Hồng đã thu về nguồn lợi không nhỏ. Ông Hồng nhớ lại: “Trước đây, tôi chỉ trồng theo kinh nghiệm, bây giờ làm theo quy trình của các nhà khoa học thấy rất bài bản. Từ công tác cải tạo ao, mương để thả cá, cách làm hầm ủ. Hướng dẫn theo dõi thời gian nguồn phân heo được đưa vào túi biogas hoai mục, sử dụng chất thải được thải ra ao làm thức ăn nuôi cá mà không cần sử dụng thức ăn công nghiệp”.

Nhờ học được kỹ thuật mới mà ông Hồng còn biết xử lý nguồn nước thải từ hầm ủ biogas, tận dụng để tưới cung cấp dinh dưỡng cho dây khổ qua thay phân hóa học. Đặc biệt với quy trình này, ông còn bao được trái khổ qua phòng sâu hại tấn công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí phun thuốc, sản phẩm làm ra đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng”.

Qua 6 tháng nuôi cá và trồng khổ qua, ông Hồng không chỉ nâng cao được kỹ năng, kiến thức trong canh tác nông nghiệp mà nguồn thu của gia đình cũng tăng theo. Cá sặc rằn mà ông nuôi trên 100m2 sau 6 tháng đã thu được 60kg, bán giá 30.000 đồng/kg thu lợi nhuận được 1,5 triệu đồng từ 4kg cá giống. Còn khổ qua chỉ với 500m2, ông Hồng bỏ túi được 2,5 triệu đồng sau 60 ngày canh tác. Ngoài ra, ông còn tiết kiệm được 200.000 đồng/tháng tiền khí đốt nhờ hầm ủ biogas.

Cũng khẳng định hiệu quả mà mô hình trồng khổ qua mang lại, bà Phạm Thị Bé Em, ngụ cùng xã Lương Nghĩa vẫn tiếp tục xuống giống trồng lại 50m2 khổ qua. Bà Bé Em cho rằng: “Trồng khổ qua mùa này tôi rất lo không có nước tưới vì đang vào mùa khô, nước hiếm và bị nhiễm mặn. Nhưng nhờ học được kỹ thuật trồng khổ qua tưới bằng nước thải hầm ủ biogas nên tôi không còn lo lắng nữa”. Được biết, vụ khổ qua năm 2018, bà Bé Em thu hoạch hơn 120kg mà không phải tốn tiền mua phân, thuốc. Bởi khổ qua của bà được bao trái, không bị sâu hại nên đảm bảo được năng suất, trái đẹp. Còn dinh dưỡng cho khổ qua được cung cấp từ nước thải của hầm ủ biogas nên vẫn đảm bảo đủ chất, cho trái to. Tổng kết lại vụ khổ qua năm qua, bà Bé Em cho biết mình đã thu thêm được 1,5 triệu đồng cho gia đình. Năm nay, bà Bé Em đã mạnh dạn mở rộng diện tích gấp đôi để tăng thêm thu nhập. Bà Bé Em vui vẻ cho biết: “Đàn heo của tôi hơn chục con thì dư nước tưới cho 100m2 khổ qua rồi. Sau 2 tháng nữa là gia đình có thêm thu nhập để sắm sửa vật dụng trong nhà”.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Quân, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cũng phấn khởi không kém. Bởi 2 tháng qua, ông bỏ túi mấy triệu đồng từ 200m2 khổ qua làm theo mô hình chống hạn mặn của các kỹ sư, nhà khoa học hướng dẫn. Ông Quân cho biết: “Trồng khổ qua theo cách này khỏe lắm vì cây được bón bằng phân hữu cơ và tưới nước có đủ dinh dưỡng nên ít bị sâu bệnh. Ngoài ra, khi treo bẫy ruồi sẽ hạn chế được sâu hại tấn công nên không cần xịt thuốc. Còn nước tưới cũng khỏi lo vì túi ủ biogas đủ cung cấp”. Vụ khổ qua vừa rồi, trừ tiền hạt giống, làm giàn khoảng 1 triệu đồng, ông Quân còn lời hơn 4 triệu đồng.

Có thể thấy, mô hình trồng khổ qua kết hợp tưới nước từ chất thải hầm ủ biogas đã giúp cải thiện sinh kế cho nông hộ, nhất là những hộ nông dân sống ở khu vực hiếm nước, nước bị nhiễm phèn, mặn. Mô hình còn tận dụng điều kiện sẵn có của gia đình để tăng gia sản xuất, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, mô hình còn có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra. Ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, cho biết: Hiện tại, nguồn nước ở một số địa phương trong huyện bị xâm nhập mặn. Đây chính là mô hình hiệu quả, vừa là giải pháp canh tác thời hạn mặn, vừa giúp nông dân cải thiện sinh kế. Trong năm 2019, trạm sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, đặc biệt là những xã có đồng bào dân tộc, nhiều hộ nghèo sinh sống.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang