• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đến nền nông nghiệp thông minh

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 12/03/2019
Ngày cập nhật: 15/3/2019

Hiện nay, nhiều hộ nông dân vẫn còn lúng túng trong việc ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Làm gì để giúp nông dân làm nông thông minh, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp.

Trồng dưa lưới trong nhà kính, sử dụng công nghệ tưới tự động là hướng làm nông nghiệp thông minh hiện nay.

Còn nhiều hạn chế, thách thức

Theo các nhà khoa học, thực tế quy mô sản xuất ở Hậu Giang nhỏ lẻ, hạ tầng cơ sở và hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật tốt, trình độ nguồn lực giới hạn, do vậy cần có tư duy tiếp cận nền nông nghiệp 4.0, ứng dụng phù hợp công nghệ cao. Tiếp cận đúng từng ngành hàng, hài hòa với cả công nghệ của giai đoạn nông nghiệp 3.0 (tự động hóa, nhà màng), điều này cũng đồng nghĩa với sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Có nhiều lý do, cũng như những thuận lợi cho sự cần thiết phải ứng dụng phù hợp công nghệ cao trong thời kỳ nông nghiệp 4.0, đó là nông nghiệp Hậu Giang chủ yếu phát triển về số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí sản xuất quá cao, chất lượng sản phẩm còn kém, giá trị thấp nên hiệu quả thấp. Tài nguyên hạn chế, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, HTX quy mô nhỏ và chưa đủ mạnh, phụ thuộc đầu ra của sản phẩm. Sản xuất theo thói quen kinh nghiệm, truyền thống, không theo chuỗi do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, chế biến tại các vùng sản xuất chưa tốt, chưa thu hút đầu tư, bán sản phẩm thô, giá thấp, giải cứu tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những thuận lợi căn bản là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự ưu tiên đặc biệt quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Ứng dụng công nghệ cao ngày càng được cộng đồng quan tâm, tăng nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ, một vài doanh nghiệp chế biến bắt đầu đầu tư. Với các tồn tại cũng như các thuận lợi nêu trên, rất cần phát triển một nền nông nghiệp dựa vào khoa học và công nghệ. Do đó, rất cần thiết tỉnh đánh giá đúng tiềm năng phát triển là điều kiện tiên quyết, trong đó phải đáp ứng tiêu chí quan trọng bậc nhất là hiệu quả.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh và tỉnh đã xác định hướng đi riêng, đó là phát triển nông nghiệp xanh. Năm 2019, Hậu Giang tiếp tục phát huy hiệu quả công việc đã triển khai từ năm 2018, thúc đẩy mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics. Những năm qua, nông nghiệp Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản hàng hóa như tác động xấu của biến đổi khí hậu, rõ nhất là có những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường; an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều tồn tại. Ngoài ra, cách làm của nông dân vẫn dựa theo thói quen, kinh nghiệm, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; mối liên kết giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh…

Quan tâm liên kết chuỗi giá trị

Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hậu Giang và để thực hiện hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc giúp nông dân làm nông nghiệp thông minh, bên cạnh các giải pháp cụ thể từ sự chỉ đạo thì vấn đề thay đổi tư duy và đồng hành của các bên liên quan là chìa khóa của thành công. Trường Đại học Cần Thơ có Khoa phát triển nông thôn đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là điều kiện thuận lợi do hiểu biết và sâu sát với thực tế của địa phương, thuận lợi trong trao đổi, hợp tác phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Khoa phát triển nông thôn đề xuất sẽ là đầu mối cho các hoạt động hợp tác, tư vấn, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn cho ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Ưu tiên đầu tư cho HTX, vì HTX là đơn vị tiềm năng của ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phải đủ lớn để vận hành được, không đầu tư dàn trải, không theo số lượng. Lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng được sản xuất cho ứng dụng công nghệ cao. Có thể đào tạo qua chương trình hợp tác, thực tập sinh nước ngoài để học tập, nắm bắt công nghệ cao về áp dụng, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Địa phương cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động có thiện chí, có tài để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vốn là cái doanh nghiệp luôn luôn thiếu và yêu cầu nên cần đáp ứng cho doanh nghiệp thật sự muốn đầu tư.

Còn ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, cho rằng: Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, từ khi thành lập, công ty đã tiến hành khảo sát và xây dựng vùng nguyên liệu với số lượng cung cấp ổn định và chất lượng an toàn cho nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, quá trình tự xây dựng vùng nguyên liệu thì cần có nguồn lực tài chính, nhân sự tập trung cho vùng nguyên liệu quá lớn, rất khó bảo đảm chuỗi giá trị của nông sản từ đồng ruộng đến khách hàng được trọn vẹn. Thông thường, sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến nơi thu mua, phân loại, đóng gói, vận chuyển đến nhà máy chế biến hoặc đến chợ đầu mối, làm các thủ tục thu nhận. Với nhiều công đoạn nêu trên, việc quản lý rủi ro không thể đơn giản mà ngược lại cần có tính chuyên nghiệp thì mới làm tốt được. Tạo ra được sản phẩm tốt phù hợp với yêu cầu thị trường chính là tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì một trong các khâu bị bẻ gãy thì rủi ro sẽ có và ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm. Sự liên kết này cũng làm giảm bớt chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận nhờ vào việc giảm chi phí đầu tư, giảm sản phẩm hỏng, giảm thời gian tồn trữ vận chuyển. Nếu liên kết sản xuất trực tiếp với nông dân nhỏ lẻ thì mối quan hệ ràng buộc lỏng lẻo, khó áp dụng chế tài nếu nông dân không tuân thủ hợp đồng đã ký. Thực tế, có tình trạng bị vỡ hợp đồng do biến động giá thị trường, nảy sinh tình huống bị trà trộn sản phẩm ngoài không bảo đảm chất lượng.

Đối với Công ty Cổ phần nông trại sinh thái (Ecofarm) đã từng tham gia hỗ trợ các dự án dưa hấu VietGAP, chanh không hạt VietGAP trong giai đoạn 2011-2014 ở huyện Vị Thủy và Châu Thành. Do đó, Ecofarm hiểu rõ lợi thế, tiềm năng cũng như những khó khăn để phát triển nông nghiệp thông minh. Ecofarm nhận thấy rằng hoạt động của hệ thống thành viên Ecofarm phù hợp và có thể đáp ứng được mong đợi của bà con nông dân cũng như của tỉnh Hậu Giang về thực hành nông nghiệp thông minh trong giai đoạn 2020-2025. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty Ecofarm cho rằng, vì lợi ích của nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai nói chung và của bà con nông dân Hậu Giang nói riêng, công ty sẵn sàng chia sẻ thông tin, nguồn lực cũng như mối quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động và bà con nông dân tỉnh Hậu Giang. Đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào các dự án nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch tại tỉnh Hậu Giang trên cơ sở các bên đều có lợi. Tư vấn, chuyển giao một phần hoặc trọn gói các công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp thông minh.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Việc giúp nông dân làm nông thông minh là hết sức cần thiết, qua đó giúp tỉnh đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển các mô hình thông minh trong nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân, HTX dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các viện, trường, các hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, chỉ ra những kinh nghiệm ứng dụng phù hợp công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, làm nông thông minh, giúp bà con nông dân Hậu Giang có lời giải cho câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì và làm như thế nào, qua đó làm giàu được từ ruộng vườn, trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng việc xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp là một yêu cầu cấp bách phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, các doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân; trong đó người nông dân đóng vai trò là chủ thể chính. Do đó, nông dân phải có khát vọng làm giàu, tinh thần khởi nghiệp, sự cầu thị và niềm tin thành công. Từ đó, mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật để đổi mới. Đồng thời, phải là người bạn đồng hành, là đối tác tin tưởng của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để đôi bên cùng có lợi.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang