• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cam sạch Hưng Yên

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 27/11/2019
Ngày cập nhật: 29/11/2019

Cam Hưng Yên đang vào vụ. Vị ngon, ngọt, thơm mát đặc trưng mà cam ở các vùng khác khó có thể so sánh. Những quả cam chín vàng, mọng nước bày bán khắp nơi, từ bình dân trong chợ, trên những sọt thồ đơn sơ hay sang trọng trên kệ của cửa hàng hoa quả sạch, trong siêu thị…

Và giá cả cũng chênh lệch khá lớn, thậm chí gấp đôi cho mỗi cân cam chỉ vì nơi bày bán hay nhờ có cái tem nho nhỏ dán trên quả.

Nhiều vườn cam tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) quả đã chín vàng, căng mọng

Nhưng giờ đây, giá mỗi cân cam không còn là điều quan tâm duy nhất và trước tiên của nhiều người tiêu dùng. Với họ, điều ưu tiên hàng đầu là tiêu chí “sạch và an toàn”. Sở dĩ như vậy là vì niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường hoa quả sạch ngày càng teo tóp cùng với nỗi ám ảnh “chưa ăn đã ... no” do sợ mất an toàn thực phẩm.

Tự hào chất lượng cam thơm ngon đặc trưng trồng ở quê hương mình, xã Tam Đa (Phù Cừ), nhưng ông Trần Quang Vinh, người sở hữu vườn cam rộng hơn 1ha cũng xác nhận: “Những năm gần đây, do diện tích cam mở rộng, nguồn cung dồi dào nên giá cam thấp hơn trước. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm và yêu cầu khắt khe về cam sạch, an toàn”.

“Lối đi để chiếm lĩnh thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay được địa phương xác định là sản xuất cam theo hướng hữu cơ, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm”, anh Trần Văn Bính, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngũ Phúc - mái nhà chung của gần 50 thành viên dày dạn kinh nghiệm sản xuất cam ở xã Tam Đa, chia sẻ với chúng tôi.

Xã Tam Đa hiện đã quy hoạch vùng trồng cam rộng 51ha, trong đó trên 20 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Năm nay, các thành viên của HTX nông nghiệp Ngũ Phúc được nhà nước hỗ trợ 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam…

Cam Quảng Châu - thành phố Hưng Yên đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2017. Xã Quảng Châu cũng xác định sản xuất cam theo hướng sạch và an toàn. Hiện nay xã đã hình thành vùng trồng cam sạch theo quy mô lớn với khoảng 90 mẫu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đang cho thu hoạch.

“Toàn xã hiện có 150 hộ dân trồng cam với tổng diện tích gần 180 ha được sản xuất theo hướng VietGap. Cùng với nhãn lồng, cam là cây chủ lực mang lại cho nông dân hiệu quả cao về kinh tế, hàng năm cho lãi trên 400 triệu đồng/ha”, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu Phan Văn Toan phấn khởi.

Cây cam đã bén rễ hàng chục năm trên động ruộng Quảng Châu đem lại cơm no, áo ấm, còn giúp người dân làm giàu. Để “phục vụ” cho cây cam, khoảng 1000 lao động thường xuyên và thời vụ xoay vần với công việc, lĩnh “lương” từ 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trần Văn Cần, thôn I xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) đang thu hoạch quả

HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu được thành lập, trên cơ sở thống nhất của 45 thành viên là những hộ trồng cam tiêu biểu của xã. Để bảo đảm sản phẩm cam an toàn, HTX hướng dẫn các thành viên làm theo đúng tiêu chuẩn, ghi chép đầy đủ nhật ký từ lúc sử dụng thuốc BVTV đến thu hái theo quy trình VietGAP. Trong đó, HTX sử dụng 100% thuốc BVTV sinh học. Sử dụng loại thuốc gì, định kỳ bao nhiêu ngày mới cho thu hái được đều được ghi chép tỉ mỉ. Và quan trọng nhất là trước thu hoạch HTX tiến hành cách ly đúng theo hướng dẫn.

“Thành phố cũng quy hoạch và mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Tân Hưng, Hoàng Hanh, Phú Cường, Hùng Cường... nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ổn định và bền vững”, Trưởng phòng kinh tế thành phố Hưng Yên Nguyễn Văn Oanh khẳng định.

Giống như những địa phương trên, xã Đồng Thanh (Kim Động) mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cam các loại, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Cam Đồng Thanh đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2018. HTX sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh đã tập hợp được các hộ sản xuất cam có kinh nghiệm, đồng thời khởi xướng, nhân rộng và duy trì việc sản xuất cam theo quy trình VietGap. Đến mùa cam năm nay, xã đã có 30ha cam được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

Cam Vietgap trồng tại Đồng Thanh tuân thủ quy trình từ khi chăm sóc đến thu hoạch và tiêu thụ. Cam sau khi được thu hái không sử dụng chất bảo quản, được dán tem chống hàng giả, khi quét mã khách hàng sẽ truy xuất được nguồn gốc, thông tin sản phẩm...

Hiện nay, toàn tỉnh đang tích cực mở rộng vùng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm thay đổi tư duy, trình độ và cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm.

Nhiều HTX và doanh nghiệp trong tỉnh đã được cấp chứng nhận VietGap trên diện tích gần 100ha như: HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu, HTX sản xuất rau quả dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, HTX dịch vụ thương mại nông sản hữu cơ Hồng Tiến, HTX nông nghiệp Đức Vinh, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển TTM Farm…

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, cam là một trong những loại quả chủ lực của Hưng Yên, từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2000 ha cam, sản lượng ước đạt trên 35 nghìn tấn. Thời điểm nay, những quả cam sạch và an toàn, chín vàng, căng mọng nước trồng ở Hưng Yên đang được hối hả vận chuyển đến thị trường trong và ngoài tỉnh.

Minh Huệ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang