• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 21/08/2019
Ngày cập nhật: 22/8/2019

Nông dân Lâm Ðồng đã chuẩn bị mọi điều kiện, trong đó có chất lượng sản phẩm, liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu.

Nông dân trồng sầu riêng công nghệ cao đảm bảo chất lượng để sẵn sàng xuất khẩu.

Mở cửa thị trường

Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên bà con nông dân trong tỉnh rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. So với cây công nghiệp truyền thống khác như: cà phê, hồ tiêu, chè,… thì sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đổ xô vào trồng sầu riêng. Do đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trở thành nhu cầu cấp thiết nhất.

Khi sản phẩm sầu riêng sản xuất ra nhiều, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết thì con đường xuất khẩu là cứu cánh cho không chỉ thương lái mà còn cả những người nông dân. Tuy nhiên, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Bà Phạm Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, Bảo Lâm) cho biết: Bình quân mỗi năm công ty xuất khẩu qua Trung Quốc 500 tấn sầu riêng, góp phần hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát triển có hiệu quả cây sầu riêng. Hiện nay, việc xuất khẩu trái sầu riêng Việt Nam qua Trung Quốc chưa thực hiện được bằng đường chính ngạch, nên công ty thường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang thắt chặt việc nhập khẩu sầu riêng sang đường tiểu ngạch, nên vừa qua công ty bị tắc nghẽn 10 container sầu riêng tại cửa khẩu Lào Cai. Vì những lý do trên mà công ty cùng 200 hộ dân trên địa bàn các huyện liên kết cùng công ty gặp khó khăn về vấn đề không xuất được sản phẩm. Sản phẩm của bà con đang trong thời kỳ thu hái mà không xuất được thì thật sự rất khó khăn đối với các hộ nông dân và công ty. Không chỉ công ty mà nhiều hộ nông dân mong muốn Sở Công thương Lâm Đồng có kiến nghị với Bộ Công thương để Trung Quốc cấp quota cho Việt Nam xuất khẩu trái sầu riêng vào thị trường này bằng đường chính ngạch.

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính như quan niệm lâu nay của nhiều doanh nghiệp. Các hoạt động thương mại biên giới qua các đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ… sẽ ngày càng bị siết chặt và đi vào chính quy, nề nếp. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải sớm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường theo hướng chính quy để không đánh mất thị trường Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư và Hợp tác quốc tế - Sở Công thương tỉnh cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng quả sầu riêng. Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan. Các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin và phổ biến cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản trong địa bàn tỉnh để biết được những yêu cầu về chất lượng hàng hóa, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, cửa khẩu được phép xuất khẩu hoa quả… từ đó, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Ðảm bảo hàng đạt chuẩn để xuất khẩu

Lâu nay, sản xuất sầu riêng của Đạ Huoai vẫn ở quy mô gia đình, thiếu tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Bởi vậy, mỗi khi đến mùa vụ, vẫn có tình trạng tư thương ép giá, chất lượng sản phẩm trái sầu riêng chưa đồng đều.

Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai đã phối hợp với công ty tư vấn để hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các THT, HTX, đảm bảo cấp trước thời điểm thu hoạch sầu riêng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất sầu riêng trên địa bàn huyện. Tổng diện tích đăng ký hỗ trợ VietGAP năm 2019 là 204,72 ha/172 hộ sản xuất sầu riêng kinh doanh đề nghị hỗ trợ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai hướng dẫn cho các xã, thị trấn đăng ký nhu cầu hỗ trợ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai năm 2019. Kết quả triển khai có 224 hộ tham gia đăng ký 316,22 ha sầu riêng kinh doanh, số lượng tem đăng ký là 1 triệu cái tem...

Trước những yêu cầu từ thực tiễn, huyện Đạ Huoai đã xây dựng được nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai”, qua đó huyện khuyến khích người dân trồng và chăm sóc sầu riêng theo hướng công nghệ cao, VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng.

Theo UBND huyện, sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở Đạ Huoai bắt đầu phát triển từ năm 2014. Hiện toàn huyện có 327 ha sầu riêng công nghệ cao, trong đó có 327 ha ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tự động; đã có 3 mô hình (1,7 ha) áp dụng đồng bộ công nghệ tưới phun tự động kết hợp bón phân và phòng trừ sâu bệnh tự động điều khiển bằng Smartphone...

Ông Nguyễn Văn Tám, thôn Phước Trung (xã Phước Lộc) có 5 ha sầu riêng, trong đó có 1 ha ứng dụng theo hướng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, ông đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến từ khâu chọn giống đến đầu tư hệ thống tưới nước, tưới phân và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông hy vọng sản phẩm của mình sẽ được thị trường đón nhận và xa hơn là được xuất khẩu để không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà giá trị trái sầu riêng còn được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Quang Chiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Hiện nay huyện Đạ Huoai có khoảng 3.400 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 1.830 ha, năng suất bình quân năm 2019 là 12 tấn/ha, sản lượng đạt trên 21.700 tấn.

Sau hơn 3 năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”, đến nay toàn huyện có 228 hộ với diện tích 325 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 2019 khoảng 5.000 tấn. Trong đó có 3.200 tấn có gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” cho sản phẩm. “Không ngẫu nhiên mà vùng sầu riêng ở Đạ Huoai được đánh giá là thơm ngon. Đạ Huoai đang từng bước hoàn thiện sản phẩm sầu riêng của mình về chất lượng thông qua việc sản xuất sầu riêng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo rằng sầu riêng của mình chắc chắn sẽ được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc”, ông Chiến cho biết thêm.

HOÀNG YÊN- HOÀNG SA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang