• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiềm ẩn nguy cơ mất ‘thương hiệu’ đào Sa Pa

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 17/08/2019
Ngày cập nhật: 18/8/2019

Việc bày bán tràn lan, “nhập nhèm” xuất xứ các loại trái cây mang “thương hiệu” Sa Pa có nguy cơ làm mất niềm tin vào nông sản của Sa Pa, trong đó quả đào là một ví dụ điển hình.

Hiện đã vào cuối vụ thu hoạch đào, mận tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Tuy nhiên, từ khu vực chợ Sa Pa đến dọc Quốc lộ 4D đoạn thác Bạc, Ô Quý Hồ hoặc địa phận xã Sa Pả, xã Trung Chải… đều dễ dàng bắt gặp các sạp bày bán quả đào, lê, mận… có mẫu mã bắt mắt. Mặc dù các loại trái cây này đa số được vận chuyển từ nơi khác về tiêu thụ, nhưng tiểu thương vẫn gắn mác “đào Sa Pa” để bán cho du khách.

Ghé một sạp bày bán hoa quả tại điểm bán nông sản Sa Pa, Km31 Quốc lộ 4D, thuộc địa phận xã Sa Pả, chúng tôi hỏi mua đào và được người bán giới thiệu là đào chín cây Sa Pa với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi gặng hỏi về xuất xứ loại quả đào được bày bán ở đây, anh Giàng A Dam, thôn Giàng Tra, xã Sa Pả cho biết: Đào được lấy từ khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai vào buổi sáng, sau đó đem về bán cho khách du lịch trong cả ngày. Mỗi ngày, một sạp có thể bán từ vài chục kg đến cả tạ quả đào.

Tuy nhiên, bản thân anh Dam cũng không biết loại đào này có xuất xứ từ đâu, chỉ biết nhiều du khách hỏi mua nên lấy về bán.

Đào gắn mác Sa Pa bán tại khu vực km 31, Quốc lộ 4D, đoạn xã Sa Pả.

Còn bà Giàng Thị Mỷ, chủ sạp hàng mận, lê, đào trên Quốc lộ 4D đoạn xã Sa Pả cũng tỏ ra khá ấp úng khi được hỏi về xuất xứ các mặt hàng đang bày bán. Bà cho biết: Thấy mọi người bán chạy nên tôi cũng nhập đào từ Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai về bán. Còn đào Sa Pa, quả nhỏ, giòn, đậm, thơm hiện đã vào cuối vụ thu hoạch, đầu mùa tôi cũng bán loại đào đó nhưng bán rất chậm, không nhiều khách hỏi mua.

Không chỉ dọc tuyến Quốc lộ 4D mà tại chợ Sa Pa và trong trung tâm thị trấn Sa Pa cũng có rất nhiều sạp hàng bán loại quả đào to, căng tròn, có trọng lượng trung bình từ 300 đến 600 gram/quả. Mặt hàng này được rất nhiều du khách chọn mua về làm quà sau chuyến tham quan, khám phá tại đây. Hầu hết các điểm bán hàng này do người dân bản địa đứng bán nhằm tạo lòng tin với du khách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại đào đang được bày bán tràn lan ở Sa Pa, ngoài mẫu mã đẹp, có vị ngọt, còn để được rất lâu không bị thối, hỏng, được trồng nhiều tại Trung Quốc. Khác với đào chính gốc Sa Pa quả nhỏ, hơi dài, nhiều lông, ngọt đậm lẫn vị chua và hơi đắng.

Anh Trần Văn Trân, du khách đến từ Long An cho biết: Thấy người bán hàng giới thiệu là đào Sa Pa, quả có mẫu mã đẹp, ăn thử thấy ngon và ngọt nên tôi mua làm quà biếu. Mặc dù đi khắp các bản làng không thấy nhà nào trồng loại đào này nhưng do người bán là người bản địa, nên chúng tôi vẫn rất tin tưởng. Không chỉ tôi, mà các thành viên trong đoàn du lịch cũng đều mua quả đào về làm quà.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, diện tích trồng đào toàn huyện hiện nay là 296 ha (gồm đào trâu Sa Pa, đào vàng Sa Pa, đào Vân Nam Sa Pa… 206 ha, còn lại 90 ha là đào Pháp) được trồng chủ yếu tại các xã Sa Pả, Tả Phìn, San Sả Hồ, Bản Khoang và thị trấn Sa Pa. Trong đó, diện tích đào hiện cho thu hoạch khoảng 217 ha, năng suất trung bình 3,7 tấn/ha, giá bán trung bình từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt hơn 75 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa cho biết: Sản lượng quả đào của Sa Pa chỉ đáp ứng được 30% - 40% nhu cầu thị trường. Ngoài ra, tiểu thương còn nhập về và bày bán các loại đào có xuất xứ từ nơi khác, chủ yếu để bán cho khách du lịch.

Việc bày bán các các mặt hàng hoa quả “nhập nhèm”, “lẫn lộn” về nguồn gốc, xuất xứ gắn mác Sa Pa, đặc biệt là quả đào sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến “thương hiệu” đào Sa Pa, khiến du khách mất niềm tin đối với không chỉ loại quả đặc sản này, mà còn với mặt hàng nông sản của Sa Pa. Các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, siết chặt quản lý để tránh gây tổn hại đến “thương hiệu” đào Sa Pa nói riêng và việc tiêu thụ nông sản của Sa Pa nói chung.

ĐỨC PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang