• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 17/07/2019
Ngày cập nhật: 18/7/2019

Để bưởi da xanh (BDX) đứng vững trên thị trường, người trồng BDX huyện Phong Điền đang liên kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm, tạo hướng đi ổn định trong tương lai.

Người tiêu dùng chọn mua bưởi da xanh hữu cơ Phong Điền tại cửa hàng của Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt

Thương hiệu bưởi da xanh Phong Điền

Vườn BDX của hộ ông Trần Đăng Phong (thôn thôn Cổ Xuân - Quảng Lộc, xã Phong Xuân) đang vào mùa cho trái. Khoảng hơn 1,5 tháng nữa, vườn BDX của ông sẽ cho thu hoạch.

Ông Phong bén duyên với loại cây ăn quả này chừng hơn 10 năm trước, lúc ấy, nhiều người dân địa phương và vùng lân cận cũng rục rịch phát triển. Khởi điểm, ông Phong trồng theo phương pháp truyền thống, khái niệm “bưởi sạch” dường như không hề được ông biết đến.

Năm 2018, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Phong quyết định trồng bưởi theo hướng hữu cơ, không sử dụng chất hóa học, đồng thời liên kết với Công ty TNHH Huế Việt để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hiện, sản phẩm của ông không chỉ đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo thu nhập mà cùng với nhiều nông dân khác liên kết với DN hình thành thương hiệu bưởi da xanh Phong Điền.

“Trồng BDX hữu cơ không sử dụng phân hóa học mà phải dùng phân chuồng, ủ rơm rạ để giữ ẩm, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nếu trồng mới thì khoảng 3 năm BDX cho lứa trái bói. Bưởi khi thu hoạch được các cán bộ kỹ thuật kiểm định, test mẫu xem có đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ hay không. Trồng theo phương pháp này, năng suất và hiệu quả khá cao”, ông Phong nói.

Trong hơn 64 ha BDX tại xã Phong Xuân đã có hơn 40ha được trồng theo hướng hữu cơ và liên kết với DN để bao tiêu sản phẩm.

“Liên kết với DN giúp nông dân giải quyết đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi triển khai thí điểm vào năm 2018 cho thấy hiệu quả và tạo sự ổn định cho loại cây trồng này. Đây là loại cây trồng có giá trị, thương lái mua ngay tại vườn với giá gần 2 triệu đồng/cây”, ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân chia sẻ.

Người dân xã Phong Xuân phấn khởi khi bưởi da xanh cho thu nhập cao

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt thông tin: “Chúng tôi chọn Phong Điền để xây dựng thương hiệu BDX. Tại địa phương này có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển cây BDX. Chúng tôi hướng đến trái cây sạch và thay đổi tư duy trồng của người dân. Sau quá trình thí điểm vào năm 2018 đã cho thấy hiệu quả với 2,5 ha cho thu hoạch. Sản phẩm của nông dân được bao tiêu khi họ trồng theo đúng phương pháp hữu cơ, đáp ứng tiêu chí của đơn vị và yêu cầu của người tiêu dùng. Năm 2019, dự kiến có 4 ha BDX hữu cơ ở Phong Điền cho thu hoạch. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô tại các địa phương khác ở Phong Điền”.

Tăng năng suất, chất lượng

Cây BDX đang phát triển tại nhiều địa phương ở huyện Phong Điền như, Phong Sơn, Phong Thu, Phong Mỹ…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, việc phát triển cây BDX trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng các kỹ thuật mới hạn chế; công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn nhiều bất cập, đặc biệt sự liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều nên giá trị sản phẩm mang lại chưa cao. Mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ BDX” ra đời là việc làm cần thiết nhằm hình thành và phát triển vùng trồng BDX có năng suất, chất lượng cao.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Đắc Thọ cho biết: Trên địa bàn tỉnh diện tích BDX đang phát triển. So với thanh trà, BDX dễ trồng hơn và thị trường tiêu thụ đang tốt. “Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ BDX” là hướng đi nhằm ổn định đầu ra, cần khuyến khích, phù hợp với chủ trương của Bộ NN&PTNT”.

Mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ BDX” được tổ chức thực hiện trên diện tích 30 ha. Nguồn vốn xây dựng mô hình trên 650 triệu đồng từ đóng góp của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những hộ dân tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chí như, có diện tích từ 1.000m2 trở lên; đủ nhân lực, lao động để tham gia trong suốt quá trình triển khai mô hình; có kinh phí cùng đóng góp để đầu tư thêm vật tư, phân bón, đảm bảo thực hiện mô hình.

“Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia. Đồng thời, hướng dẫn trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giám sát quá trình triển khai mô hình. Mục tiêu cuối cùng của mô hình là khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, phát triển vùng cây ăn quả có múi với quy mô lớn, có sản phẩm hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân địa phương”, bà Trần Thị Diệu Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết.

Bài, ảnh: L.Thọ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang