• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trong ‘cơn sốt’ phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 3)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 18/06/2019
Ngày cập nhật: 21/6/2019

Nâng tầm sản xuất, hướng đến xuất khẩu

Việc phát triển cây sầu riêng, bơ tương đối nóng trên địa bàn Lâm Ðồng thời gian qua mang tính tự phát, chạy theo nhu cầu thị trường tuy chưa xảy ra nguy cơ “được mùa mất giá, được giá mất mùa” gây thiệt hại cho người sản xuất, nhưng có một thực tế nhãn tiền là phá vỡ quy hoạch sản xuất đang dần hiện hữu...

Để tránh lặp lại bài học từ việc phát triển quá “nóng” cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh cần sớm có một loạt giải pháp; trong đó, quan trọng là những giải pháp này phải tác động mạnh mẽ, từ nhiều phía để xóa bỏ thực trạng quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ đang là “rào cản” khai phóng tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” của tỉnh Lâm Đồng.

Quản lý giống, nhất là bản quyền giống đang là vấn đề đặt ra cho hoạt động xuất khẩu. Ảnh: H.Sa

Phát triển theo chuỗi - bà đỡ của nông dân

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản, nhìn chung sản phẩm từ cây bơ, sầu riêng của tỉnh đang trong quá trình xây dựng thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 chuỗi liên kết giá trị cho hai loại cây này nhưng quy mô còn rất nhỏ. Cụ thể, đến nay mới có 1 công ty, 1 hợp tác xã (HTX), 2 cơ sở (tổ hợp tác hoặc cá nhân) và 71 hộ với sự tham gia liên kết với diện tích 304 ha, sản lượng 8.520 tấn, chiếm tỷ lệ 2,7% so với tổng sản lượng đối với trái bơ, sầu riêng.

Để giải quyết các vấn đề hiện nay về tiêu thụ nông sản , nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, hướng đến xuất khẩu, nhằm phát triển kinh tế ngành nông nghiệp ổn định, hiệu quả, bền vững; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023”.

Theo đó, đến năm 2023, toàn tỉnh có 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản (120 chuỗi cấp tỉnh, 60 chuỗi cấp huyện, xã), tăng 75 chuỗi so với 2019, trong đó đảm bảo mỗi xã đều có tối thiểu một mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm chủ lực. Tổng diện tích canh tác tham gia chuỗi liên kết 50.000 ha (tương ứng 18% diện tích đất canh tác), với sự tham gia của 32.000 hộ, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 HTX. Nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 30% sản lượng nông sản chủ lực toàn tỉnh, đặc biệt toàn bộ 100% sản phẩm của chuỗi được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và được sơ chế, chế biến.

Riêng diện tích cây ăn quả, cây có hạt có khoảng 1.000 ha sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của khoảng 19 doanh nghiệp, HTX, THT, trang trại và khoảng 300 hộ, nâng tỷ lệ tiêu thụ theo chuỗi liên kết 25% sản lượng cây ăn quả, cây có hạt của tỉnh. Xây dựng mã vùng trồng một số nông sản chủ lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ mục tiêu quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Trước mắt, thực hiện điểm cho 6 loại nông sản gắn với các vùng, trong đó có sản phẩm sầu riêng Đạ Huoai. Đồng thời, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Oganic cho trái bơ. Bên cạnh đó, phát triển song song cả hai dòng bơ gồm các loại bơ sáp nội địa, bơ 034, bơ Cuba chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước; còn các giống bơ có trọng lượng trái nhỏ hơn, đặc biệt là bơ Hass sẽ được quy hoạch vùng trồng phù hợp để xuất khẩu.

Riêng huyện Đạ Huoai đã xúc tiến xây dựng quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai” để qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng. Tuy nhiên, hiện tại Đạ Huoai mới có 38 ha sầu riêng VietGAP của 15 hộ nông dân bên cạnh việc huyện đã lập bộ quy chuẩn để người trồng sầu riêng áp dụng.

Sớm có lời giải bài toán xuất khẩu

Không chỉ phục vụ nội tiêu trong nước, sầu riêng còn là loại cây trồng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho Lâm Đồng với trọng tâm là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vài tháng nay Sở Công thương nhận được văn bản của doanh nghiệp trong tỉnh phản ánh về tình trạng bị kẹt nhiều container sầu riêng tại cửa khẩu Lào Cai, hoạt động xuất khẩu đang bị đình trệ.

Ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Theo các doanh nghiệp phản ánh, nguyên nhân là do hiện nay Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thông qua đường tiểu ngạch; trong khi đó, trái sầu riêng của Việt Nam chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch.

Theo ông Hiệp, Trung Quốc thay đổi hàng loạt quy định đối với hoa quả xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang thị trường này. Từ 1/10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Do đó, lượng hàng xuất qua các quốc gia này giảm mạnh.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch đang hiện hữu

Theo Quyết định số 2897/QĐ- UBND về việc Phê duyệt kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, toàn tỉnh ổn định diện tích cà phê khoảng 150.000 ha, trong đó khoảng 20% diện tích cà phê chè; năng suất bình quân đạt 3,1-3,2 tấn/ha, sản lượng khoảng 460.000-480.000 tấn/năm. Diện tích chè khoảng 26.000 ha, trong đó khoảng 8.000 ha chè chất lượng cao, tập trung tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà. Thời điểm hiện tại, diện tích cây chè bị suy giảm nghiêm trọng chỉ còn 12.631 ha. Đặc biệt, diện tích cây ăn quả chưa được xây dựng quy hoạch nhưng từ năm 2015 đến nay đã lên đến 17.314,7 ha; trong đó riêng diện tích cây bơ và sầu riêng đã tăng lên đến gần 13.000 ha.

Vì vậy, 3 tháng đầu năm nay, các loại rau củ và trái cây của Lâm Đồng ráo riết triển khai đóng gói đúng quy cách và dán tem truy xuất nguồn gốc bài bản để người bán thuận tiện giao dịch. Mới đây, sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP cũng đang được các HTX dán tem truy xuất nguồn gốc để dễ dàng hơn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một đơn vị ở huyện Di Linh chuyên thu mua, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cho hay: Lâu nay, sầu riêng của Việt Nam chưa được Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch, nhưng thời gian qua, loại trái cây này vẫn đóng container và xuất khẩu vào Trung Quốc bằng các cửa khẩu chính dưới danh nghĩa sầu riêng Monthong của Thái Lan.

Hiện nay, Thái Lan không bán sản phẩm giá trị thấp, số lượng nhiều cho thị trường Trung Quốc nữa, mà tập trung vào hàng chất lượng cao, có giá trị lợi nhuận lớn. Vì vậy, nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc từ Thái Lan giảm mạnh. Nguồn cung từ Thái Lan giảm, Trung Quốc tìm đến mua sầu riêng của Việt Nam. Ngay lập tức, Thái Lan “tố” với Trung Quốc rằng, Việt Nam chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này vì yếu tố giống bản quyền.

Do đó, sầu riêng Việt Nam không thể qua Trung Quốc bằng cửa khẩu lớn nhờ “mượn danh” sầu riêng Monthong của Thái Lan được nữa, mà chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch bởi hình thức giao thương của người dân giữa hai bên biên giới, với hạn mức tối đa 30 triệu đồng/ngày.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thừa nhận, vấn đề bản quyền giống đang là bài toán đặt ra trong việc hướng đến xuất khẩu. “Đối với cây bơ, về cơ bản là chúng ta đang làm tương đối tốt khâu quản lý giống. Còn sầu riêng, đúng là giống sầu riêng Monthong hiện tại ở Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan, mình lấy giống của nước họ về trồng nên đã vi phạm về luật giống. Chưa kể, thời gian gần đây, lại thêm một số cơ sở sản xuất giống nhập “chui” thêm giống Musang King từ Malayxia về” - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, Trung Quốc đang thay đổi, siết chặt quy định về hàng nhập khẩu vào nước này. Tuy nhiên, đây cũng là lúc biến thách thức thành cơ hội để ngành nông nghiệp mạnh tay thực hiện các giải pháp đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với hải quan Trung Quốc; các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng và dán tem truy xuất nguồn gốc; đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng có hại.

Việc mở rộng diện tích bơ, sầu riêng tăng mạnh trong thời gian qua nếu không có giải pháp về quy hoạch sản xuất, tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là xuất khẩu thì rất dễ rơi vào cảnh ngộ cung vượt cầu, giá bán giảm dẫn đến thiệt hại không chỉ đối với nông dân mà còn cả ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

HOÀNG SA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang