• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải ‘bài toán’ quy hoạch vùng trồng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 20/03/2019
Ngày cập nhật: 22/3/2019

Những năm qua, câu chuyện người dân đổ xô trồng một số loại cây ăn quả theo phong trào dẫn đến nguồn cung thừa, khiến giá bán xuống thấp phải đổ bỏ hoặc bị tư thương ép giá đã xảy ra. Có thể câu chuyện buồn này vẫn tiếp diễn nếu các địa phương và cơ quan chức năng không quản lý tốt quy hoạch, để nông dân tăng diện tích cây ăn quả tự phát.

Diện tích chuối mô tăng cao khiến nguồn cung vượt cầu.

Chuyện từ cây mận Tam hoa đến cây chuối mô

Trở lại những năm 1996 - 2000, hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh cứ đến mùa thu hoạch mận Tam hoa, người dân Bắc Hà lại phải đổ bỏ hoặc để rụng hàng trăm tấn quả vì giá bán quá thấp.

Anh Lục Xuân Trường, ở thôn Nậm Sắt 2, thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nhớ lại: Thời điểm năm 1996, cây mận Tam hoa “hái ra tiền”, 1 kg quả bán với giá 6.000 đồng, trong khi gạo ngon chỉ có 3.000 đồng/kg, nên nhà nhà đua nhau trồng mận Tam hoa. Ban đầu chỉ có vùng thị trấn Bắc Hà trồng với diện tích gần 200 ha, rồi theo từng năm, diện tích tăng cấp số nhân và lan rộng ra các xã Bản Phố, Tà Chải, Na Hối, Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài… Đến năm 2000, diện tích mận Tam hoa của huyện Bắc Hà đã tăng lên 2.000 ha và sản lượng quả đạt trung bình khoảng 140 nghìn tấn, từ đó, câu chuyện khủng hoảng thừa xuất hiện. Giá mận Tam hoa tại vườn có thời điểm chỉ ở mức 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Lúc này, hàng nghìn hộ trồng mận ở Bắc Hà lâm vào cảnh để thì lỗ vốn mà chặt bỏ lại không đành, cuối cùng vẫn phải chặt bỏ mận để quay về với cây ngô hoặc cây trồng khác. Đến năm 2010, diện tích cây mận Tam hoa giảm xuống còn 500 ha, lúc đó giá mận mới dần phục hồi và người trồng có lãi.

Còn câu chuyện về cây chuối mô cũng tương tự. Cây chuối mô bắt đầu bén rễ ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương từ năm 1999 và đã góp phần giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Cây trồng này nhanh chóng khẳng định được ưu thế và trở thành hàng hóa xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Từ chỗ chỉ có hơn 270 ha tập trung ở Bản Lầu, cây chuối mô dần phát triển ra các xã khác như Nậm Chảy, Lùng Vai (Mường Khương); Bản Phiệt, Bản Cầm (Bảo Thắng), Cốc Mỳ, Bản Qua (Bát Xát) với tổng diện tích lên đến hàng chục nghìn ha.

Anh Liều Seo Lý, ở thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu kể: Những năm đầu trồng chuối, diện tích và sản lượng chưa nhiều nên chuối bán rất được giá, 1 ha chuối mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, càng ngày diện tích trồng chuối mô càng lớn kéo theo sản lượng chuối tăng nhanh trong khi đầu ra bấp bênh khiến giá xuống rất thấp.

Được biết, vào năm 2015, chuối ở Mường Khương và Bát Xát được thương lái Trung Quốc mua với giá từ 10 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg nhưng đến đầu năm 2017 chỉ từ 4 nghìn - 5 nghìn đồng/kg, cuối năm chỉ mua 1 nghìn đồng/kg. Vậy là hàng trăm hộ phải bỏ mặc chuối chín trên cây không thu hoạch vì càng thu hoạch càng lỗ.

Có thể thấy nguyên nhân lớn nhất của những câu chuyện buồn về cây mận Tam hoa và cây chuối mô, cây dứa… là phát triển diện tích ồ ạt khiến nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường, trong khi việc tiêu thụ nông sản từ trước tới nay vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái và chủ yếu là qua hợp đồng miệng nên đầy rủi ro. Bên cạnh đó, người dân chỉ trồng theo phong trào mà không tính đến thị trường tiêu thụ.

Cần giải bài toán quy hoạch

Việc phát triển ồ ạt, tự phát các loại cây ăn quả không theo quy hoạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về dư thừa sản phẩm, chất lượng chưa cao, khiến sản xuất thua lỗ. Vấn đề này liên quan đến việc tổ chức quy hoạch cây trồng của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp.

Cây dứa được đánh giá là có sự phát triển nóng.

Thực tế cho thấy, đa số nông dân trong tỉnh phát triển cây ăn quả theo “phong trào”, khi thấy cây gì dễ trồng, được giá thì ồ ạt trồng mà không nắm chắc tình hình thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Hiện tại, các loại quả có sản lượng lớn của Lào Cai chủ yếu vẫn xuất sang thị trường này, nhưng việc ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm hầu như chưa thực hiện, nên chúng ta thường bị động, phụ thuộc, cuối cùng lại mắc vào vòng luẩn quẩn “trồng nhiều - sản lượng lớn - giá thấp”. Tình trạng trên không chỉ đối với cây chuối mô, cây dứa, mà có thể sẽ xảy ra với nhiều loại cây trồng khác trong tương lai như cam, bưởi, ớt…

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thành, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai) cho biết: Là địa phương không thuộc quy hoạch vùng trồng chuối, dứa nhưng hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.195 ha cây chuối mô và khoảng 1.073 ha cây dứa, tập trung ở Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Toàn bộ diện tích hiện có do người dân tự phát trồng. Giai đoạn 2006 - 2010, khi diện tích chuối, dứa còn ít, giá cả ổn định nên nhiều hộ thu nhập từ 150 đến 500 triệu đồng/vụ, nhưng sau đó diện tích tăng quá nhanh, kéo theo sản lượng cũng tăng đột biến. Tính từ năm 2015 đến nay, sản lượng trung bình đạt gần 60 nghìn tấn chuối quả và 32 nghìn tấn dứa quả/năm. Việc tiêu thụ rất bấp bênh bởi chỉ một phần nhỏ phục vụ thị trường nội địa, còn trên 90% sản lượng chuối, dứa được bán cho thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, nông sản hầu hết bán tự do, không qua hợp đồng bao tiêu, giá cả phụ thuộc vào tư thương phía Trung Quốc nên không ổn định, có nhiều thời điểm thương lái dừng thu mua khiến nông dân thiệt hại rất lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lào Cai cho biết: Mặc dù tỉnh đã định hướng quy hoạch cho từng loại cây nhưng do các địa phương muốn tái cơ cấu, phát huy tiềm năng vốn có, cộng với việc người dân trồng cây theo “phong trào” khiến các loại cây ăn quả phát triển “vỡ” quy hoạch. Một nguyên nhân khác khiến việc kiểm soát quy hoạch khó thực hiện là do cơ chế quản lý đất đai đang giao quyền cho người nông dân là chính và chưa có chế tài theo định hướng.

Nhằm khắc phục những hạn chế của quy hoạch cây ăn quả, năm 2017, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt. Theo đó, vấn đề quy hoạch vùng trồng cây ăn quả được định hình cùng với chỉ dẫn địa lý làm cơ sở để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, xây dựng nhãn hiệu… gắn với các chính sách ưu đãi về vốn, cơ chế thu hút doanh nghiệp thu mua, chế biến.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp, song đến nay, ngành trồng trọt nói chung và cây ăn quả nói riêng vẫn còn những bất cập như quy hoạch diện tích cây trồng chưa bám sát thị trường mà vẫn nặng về sản xuất lấy sản lượng; vấn đề kiểm soát và giám sát thực tiễn quy hoạch cây trồng chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Do vậy, để phát triển cây ăn quả bền vững, ngành nông nghiệp và các địa phương cần quản lý tốt quy hoạch để tạo ra vùng sản xuất tập trung, đồng thời linh động điều chỉnh cây trồng phù hợp theo nhu cầu thị trường hoặc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật thực hiện rải vụ thu hoạch một số loại cây ăn quả nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

VŨ SƠN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang