• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những mô hình làm vườn hiệu quả

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 20/02/2019
Ngày cập nhật: 21/2/2019

Hội Nông dân (HND) xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) đã phối hợp với các ngành mở lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) làm vườn cho hội viên, nông dân. Trên cơ sở đó, nhiều hội viên mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng giống cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông Phan Thanh Xuyên và mô hình trồng bưởi Tân Triều của ông Phan Hoàng Phương, cho lợi nhuận cao, thu nhập ổn định.

Với phương pháp bao trái, mãng cầu của ông Xuyên (bìa trái) tiết kiệm chi phí và cho năng suất cao.

Hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2016, ông Phan Thanh Xuyên (ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng) đã chuyển đổi 3 công đất ruộng kém hiệu quả để lên vườn trồng mãng cầu xiêm. Sau hơn 2 năm chăm sóc, trước Tết Nguyên đán năm 2019, ông Xuyên thu hoạch được 2,5 tấn trái và bán được 9.000 đến 20.000 đồng/kg, thu vào hơn 20 triệu đồng. Ông Xuyên phấn khởi nói: “Hiện tại, 3 công mãng cầu đang trong giai đoạn thu hoạch, ước còn khoảng 4 tấn trái. Nếu giá 10.000 đến 20.000 đồng/kg, gia đình tôi thu vào khoảng 50 triệu đồng...”.

Vườn bưởi tân triều của ông Phương cho thu nhập cao.

Theo ông Xuyên, mãng cầu xiêm có thể cho trái 2 vụ/năm. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Qua thời gian nghiên cứu, ông Xuyên đã tìm ra “bí quyết” để thụ phấn cho cây mãng cầu ra trái nhiều và có trái quanh năm. Ông Xuyên chia sẻ: “Đặc tính của mãng cầu là thụ phấn chéo. Do đó, buổi sáng tầm khoảng 7 đến 9 giờ sáng, tôi tiến hành thụ phấn. Nếu làm đúng kỹ thuật, tỷ lệ đậu trái khá cao, trái to, đẹp mắt sẽ bán được giá cao”. Nhờ phương pháp này, vườn mãng cầu của ông Xuyên cho năng suất khá cao. Trái mãng cầu sau khi đậu trái bằng cổ tay sẽ được bao bằng túi chuyên dụng để hạn chế sâu, bệnh tấn công, đồng thời tiết kiệm được thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm sau khi thu hoạch đạt chất lượng, thị trường rất ưa chuộng.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn trái do các cấp Hội Nông dân xã Xuân Thắng phối hợp tổ chức, ông Phan Hoàng Phương, ấp Thới Hòa B, xã Xuân Thắng đã mạnh dạn cải tạo vườn mận kém hiệu quả để trồng bưởi Tân Triều (bưởi ruột hồng). Ông Phương cho biết: “Với diện tích 4 công trồng bưởi tân triều, trung bình gia đình tôi thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ năm. Vào trước Tết Nguyên đán 2019, gia đình tôi bán được trên 6 tấn trái và thu được 127 triệu đồng. Đây là một trong những giống bưởi có năng suất cao, trái to, khi chín có màu vàng tươi, mọng nước nên được thị trường rất ưu chuộng”.

Vườn bưởi của ông Phương thu hoạch trên 15 năm qua, điều đặc biệt là giống bưởi này hạn chế được bệnh vàng lá, nhẹ phân, thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ đậu trái khá cao. Theo ông Phương, cách nay 18 năm, ông có dịp qua tỉnh Đồng Tháp chơi và phát hiện ra giống bưởi Tân Triều. Sau khi mua được 12 nhánh chiết về trồng thử và thấy hiệu quả, ông Phương đã đốn bỏ 4 công mận để trồng loại bưởi này đến nay. Để bưởi có trái to, bán được giá cao, ông Phương chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa và thường xuyên vun gốc bón phân, đồng thời tỉa những cành kém hiệu quả giúp cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn bưởi của ông Phương lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê. Ông Phương chia sẻ: “Để xử lý cho bưởi ra hoa sớm vụ, tôi thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi và ứng dụng những tiến bộ KHKT vào vườn bưởi của gia đình. Nhờ làm đúng theo các quy trình nên vườn bưởi cho trái quanh năm”.

Ông Nguyễn Hoàng Nhan, Chủ tịch HND xã Xuân Thắng, cho biết: “Mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông Xuyên và trồng bưởi Tân Triều của ông Phương được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập ổn định ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn xã có 85ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có khoảng 40ha đang trong giai đoạn thu hoạch. Những giống cây trồng chủ lực trên địa bàn xã gồm: bưởi da xanh, cam xoàn, nhãn idor… Thời gian qua, HND xã phối hợp với các ngành mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ và tổ chức tham quan các mô hình làm vườn hiệu quả trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận để hội viên trao đổi, học tập và ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng, tạo điều kiện cho 798 hội viên vay trên 11 tỉ đồng để phát triển sản xuất”.

Bài, ảnh: Thanh Thư

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang