• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khơi dòng chảy trái cây Tiền Giang đến với thị trường

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 12/12/2019
Ngày cập nhật: 13/12/2019

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu trái cây. Toàn tỉnh hiện có trên 77.700 ha cây ăn trái các loại, tăng gần 10.000 ha so với thời điểm năm 2013 và sản lượng cả năm lên đến 1,5 triệu tấn. Được mệnh danh là "Vương quốc trái cây", tỉnh có nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim,…

Địa phương quan tâm phát huy tiềm năng kinh tế vườn hướng đến xuất khẩu mà trọng tâm là tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đi lên làm ăn quy mô lớn, quy chuẩn theo tiêu chí GAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, mang lại giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đó và dựa theo đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, tỉnh đã quy hoạch lại sản xuất phù hợp đối với từng chủng loại cây ăn trái.

Vùng kinh tế - đô thị trung tâm gồm các huyện Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho phát triển diện tích cây thanh long. Vùng kinh tế - đô thị phía Đông gồm các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công chú trọng phát triển cây mãng cầu Xiêm, sơ ri, thanh long. Vùng kinh tế - đô thị phía Tây gồm các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và thị xã Cai Lậy, mở rộng diện tích chuyên canh xoài cát, sầu riêng, khóm (dứa),… Từ định hướng trên, đến nay, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng trên 12.000 ha, vùng trồng thanh long xuất khẩu trên 7.900 ha, vùng trồng khóm (dứa) trên 15.000 ha, bưởi gần 5.000 ha, mít trên 5.000 ha… Đây là những mặt hàng nông sản có giá trị, được ưa chuộng trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản kể trên mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới theo hướng hiện đại. Thu nhập của nông hộ trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản rất cao nhờ vườn cây trúng mùa, trúng giá. Cụ thể, thanh long ruột trắng cho bà con lợi nhuận ròng 300 - 360 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, xoài cát Hòa Lộc lợi nhuận bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm, sầu riêng lợi nhuận ròng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Những xã nổi tiếng chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản: Tam Bình, Long Tiên, Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy); Phú Kiết, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) đều sớm được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới tốp đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang.

Nằm trong chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh cây ăn trái, đưa trái cây đặc sản địa phương đến với thị trường, tỉnh đã thực hiện nhiều phần việc quan trọng: Bình tuyển và nhân giống cây ăn trái tốt, chất lượng cung ứng cho nông dân; ứng dụng, chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến gắn với đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng kênh mương, thủy lợi, giao thông nông thôn phục vụ vùng chuyên canh cũng như xây dựng nông thôn mới.

Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên lĩnh vực kinh tế vườn, khâu làm đất đã được cơ giới hóa đạt tỷ lệ 61,09%, tưới tiêu bằng động cơ chiếm 83,55%, phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón dạng lỏng chiếm tỷ lệ 80,73%, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân chiếm 8,18%... Đây là những tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng có hiệu quả thời điểm sau năm 2013 trở lại đây, giúp giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và nâng chất lượng trái cây ra thị trường.

Ngoài ra, các kỹ thuật canh tác tiên tiến khác: Giải pháp bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, điều tiết nước, kìm hãm sinh trưởng,… để điều khiển ra hoa trái vụ, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ ruồi đục trái, phòng trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long, sử dụng rộng rãi phân bón hữu cơ vi sinh,... và áp dụng tiêu chí VietGAP, GlobalGAP rộng rãi đã thực sự mang lại cuộc cách mạng mới trên lĩnh vực thâm canh vườn cây ăn trái, nâng cao trình độ canh tác cho người nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 700 ha cây ăn trái đặc sản gồm: Thanh long, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng… đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Xúc tiến thương mại nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa chủ lực được đặc biệt quan tâm, khơi dòng chảy trái cây đến với thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua khảo sát, thị trường tiêu thụ trong nước chiếm từ 75 - 80% sản lượng hiện có, xuất khẩu chiếm thị phần khiêm tốn còn lại nhưng cũng chủ yếu dưới dạng trái cây tươi. Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, dứa (khóm), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long… đều được xuất khẩu sang nhiều nước trên khắp thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm qua, Tiền Giang xuất khẩu 10.552 tấn trái cây các loại, đạt 17,2 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 20,11% về trị giá so năm 2017. Năm 2019, tỉnh đề ra chỉ tiêu xuất khẩu trái cây đạt mức 20 triệu USD, tăng khoảng 3 triệu USD so với năm 2018. Đây là xuất khẩu chính ngạch, còn thực tế, một số lượng trái cây rất lớn xuất khẩu tiểu ngạch, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc chưa thể thống kê được. "Mà xuất khẩu tiểu ngạch đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức và rào cản" - ông Đoàn Văn Phương cho biết.

Thời gian tới, tỉnh gắn việc tổ chức lại sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu trái cây hiệu quả theo hình thức liên kết chuỗi giá trị. Trọng tâm là phát huy vai trò các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết doanh nghiệp đảm bảo từ khâu đầu vào đến đầu ra nông sản hàng hóa; khuyến khích nông dân gia nhập các tổ hợp tác, hợp tác xã và hưởng ứng làm ăn hợp tác kiểu mới. Đây là hướng đi tất yếu trong giai đoạn mới. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực kinh tế vườn. Trong quý III/2019, tỉnh đã công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hai mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh là sầu riêng Cai Lậy và sả Tân Phú Đông.

Mặt khác, tỉnh đã ra mắt được 44 hợp tác xã (HTX) trên lĩnh vực cây ăn trái làm đầu mối sản xuất theo tiêu chí GAP, tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nổi bật có HTX xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) tổ chức sản xuất 100 ha xoài cát theo tiêu chí VietGAP với sản lượng mỗi năm cung ứng thị trường trên 1.000 tấn xoài cát Hòa Lộc. Vừa qua, cùng với được chấp nhận nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, xoài cát Hòa Lộc còn được đưa lên phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm xúc tiến và quảng bá thương hiệu trái xoài cát Hòa Lộc nói riêng, trái cây đặc sản tỉnh Tiền Giang nói chung.

HTX Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) quy mô sản xuất 100 ha thanh long, trong đó có 30 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, vốn điều lệ 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương. Theo ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An, HTX đã ký hợp đồng cam kết với các thành viên thu mua thanh long giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg ở mọi thời điểm và cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Nhờ vậy, các xã viên HTX hưởng lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài từ 10 - 20%, nên an tâm sản xuất, không lo tình trạng "trúng mùa, mất giá" do lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và con đường xuất khẩu tiểu ngạch như trước.

Đối với thị trường trong nước, Tiền Giang thỏa thuận hợp tác với những tỉnh, thành lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội nhằm tiêu thụ nông sản sạch nói chung và trái cây đặc sản nói riêng. Đây là những thị trường có tiềm lực và đầy tiềm năng, mở thêm cơ hội lớn cho trái cây Tiền Giang mạnh mẽ thâm nhập. Theo thông tin từ ngành chức năng, trung bình mỗi tháng sản lượng trái cây đưa về tiêu thụ tại chợ đầu mối Hòa Cường (thành phố Đà Nẵng) mỗi tháng đạt khoảng 1.750 tấn. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, thông qua hoạt động hợp tác, lượng rau quả Tiền Giang đưa về tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối ở đây từ 180.000 đến 200.000 tấn.

Xúc tiến thương mại hiệu quả nhằm phát huy tốt tiềm năng kinh tế vườn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh và giảm nghèo nông thôn. Trên lĩnh vực này, "dư địa" của Tiền Giang còn rất lớn. Tỉnh có lợi thế nhiều mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng, chủng loại đa dạng, nhiều giống trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao... Nỗ lực vượt qua những rào cản, thách thức, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, khơi thông dòng chảy trái cây chất lượng của Tiền Giang vào thị trường thông qua những giải pháp đúng, cách làm hay sẽ giúp cho tiềm năng kinh tế vườn tỉnh nhà thăng hoa, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương đẹp giàu.

Minh Trí

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang