• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết tiêu thụ sản phẩm mủ cao su

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 18/7/2018
Ngày cập nhật: 19/7/2018

Huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) có trên 4.100ha cao su tiểu điền, trong đó có hơn 2.500ha đã đưa vào khai thác, tổng sản lượng mủ khoảng 3.100 tấn/năm. Những năm trước đây, giá thu mua mủ cao su trên địa bàn thường bấp bênh và thấp hơn rất nhiều so với giá thu mua của nhà máy, do bị tư thương ép giá. Với sự hỗ trợ của Dự án Viện Mê Kông về xây dựng các tổ, nhóm liên kết nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu, cao su, mô hình Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cao su Thượng Nghĩa (xã Cam Nghĩa), Mai Đàn (xã Cam Chính) được thành lập nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ mủ cao su giữa các hộ nông dân và nhà máy mà không qua khâu trung gian, góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ cao su trên địa bàn.

Ký kết hợp đồng thu mua mủ cao su giữa Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ với nhóm nông dân xã Cam Nghĩa

Bước vào vụ khai thác mủ cao su năm nay, bà Hà Thị Tư, ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ không bán mủ cao su cho các thương lái nữa, mà sản phẩm mủ được gom tại nhóm hộ 10 người, sau đó nhóm hộ này cử người đại diện trực tiếp đưa đến Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ để bán theo hợp đồng đã ký kết. “Khi tham gia vào tổ hợp tác, ngoài việc được thu mua sản phẩm ổn định, lâu dài theo giá thị trường như hợp đồng đã cam kết, chúng tôi còn được nhà máy hỗ trợ thuốc chống đông, máng che mưa, kỹ thuật khai thác… Nhóm hộ được nhà máy thu mua mủ cao su với giá hợp lý, nên thu nhập tăng cao và ổn định hơn rất nhiều so với năm trước. Nếu nơi nào người dân trồng cao su đều tham gia tổ hợp tác như chúng tôi thì nông dân không còn lo bị tư thương ép giá nữa”, bà Tư chia sẻ.

Ông Hoàng Đức Thân, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cao su Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, cho biết: “Những năm trước đây, giá mủ cao su của thương lái thu mua biến động tăng giảm từng ngày một, nông dân rất bất an. Khi thành lập tổ hợp tác, chúng tôi bán mủ cao su trực tiếp cho nhà máy, giá cả ổn định, cao hơn nhiều so với năm trước. Mặc dù từ khi nhóm hộ bán mủ cao su trực tiếp cho nhà máy thì tư thương luôn thu mua mủ cao su của các hộ xung quanh cao hơn giá nhà máy thu mua cho chúng tôi 2 giá, nhưng mọi người vẫn quyết tâm không bán sản phẩm qua khâu trung gian, xây dựng hình ảnh làm ăn uy tín lâu dài của nhóm hộ với nhà máy”.

Đến nay trên địa bàn huyện Cam Lộ đã thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cao su, có hợp đồng cam kết bán sản phẩm mủ cao su trực tiếp cho Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ. Trong đó, tổ hợp tác tại thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa có 10 thành viên và tổ hợp tác tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính có gần 20 thành viên tham gia. Theo quy chế hoạt động, các thành viên trong tổ hợp tác phải trồng, chăm sóc, thu hoạch và bán mủ cao su theo quy định của tổ, không bán sản phẩm qua trung gian hoặc ra bên ngoài mà phải bán tận gốc cho nhà máy; mủ đảm bảo không trộn tạp chất… Các tổ hợp tác này cũng ký hợp đồng bán sản phẩm với Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ với nhiều điều khoản có lợi cho 2 bên: Nông dân được bán mủ cao su trực tiếp cho nhà máy với giá cao nhất, được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm của mình làm ra mà không chia sẻ lợi ích với khâu trung gian. Với doanh nghiệp thì tìm được nguồn hàng ổn định chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo yêu cầu đầu vào khắt khe của nhà máy.

Có thể khẳng định, việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cao su ở Cam Lộ đã mở ra hướng đi bền vững trong liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần giải quyết bài toán giá cả thị trường bấp bênh vì phụ thuộc vào thương lái bấy lâu nay. Đây cũng là cách hợp tác có trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với nông dân, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo định hướng phát triển của huyện Cam Lộ.

Khánh Ngọc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang