• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng

Nguồn tin: Nhân Dân, 10/07/2018
Ngày cập nhật: 12/7/2018

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã và đang thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, qua đó giúp nhận thức, kỹ năng quản lý trên đồng ruộng của nông dân được nâng cao. Ðáng chú ý, việc thực hiện ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), trong thời gian qua ngành BVTV đã xây dựng và triển khai nhiều đề án tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất an toàn, bền vững. Trong đó có đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 được triển khai từ năm 2015. Ðến nay, đã có 50 trong số 63 tỉnh, thành phố xây dựng đề án, dự án, kế hoạch, chương trình IPM. Trong hai năm 2016-2017, các tỉnh đã mở được 16 lớp đào tạo giảng viên cho 383 cán bộ, 3.060 lớp huấn luyện nông dân và 946 mô hình với 322 nghìn lượt nông dân tham gia, diện tích áp dụng chương trình IPM là 406 nghìn ha.

Hiện nay, tỉnh Ðồng Tháp có diện tích gieo trồng cả năm khoảng 600 nghìn ha, trong đó diện tích lúa cả ba vụ là 526 nghìn ha, sản lượng đạt 3,28 triệu tấn. Nhằm bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, giai đoạn 2015-2017, Ðồng Tháp là một trong ba tỉnh được tham gia dự án thúc đẩy chương trình IPM trên lúa để giải quyết bùng phát dịch rầy nâu tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Cục BVTV hợp tác Tổ chức GIZ hỗ trợ thực hiện. Ðây là chương trình nhằm cải thiện việc quản lý dịch hại bằng các chiến lược hiệu quả hơn, sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, ngăn ngừa thiệt hại từ rầy nâu, giảm sự biến động của năng suất lúa. Có thể nói, qua việc thực hiện chương trình đã giúp hiệu quả canh tác nâng cao rõ rệt. Theo thống kê, với việc thực hiện chương trình IPM, bà con nông dân đã giảm được từ 40 đến 70kg giống gieo sạ/ha; 1,4 đến 3 lần thuốc BVTV/vụ; tỷ lệ sử dụng phân bón NPK cũng giảm mạnh. Trong khi đó, sản xuất lúa theo IPM cũng cho năng suất cao và ổn định hơn; lợi nhuận thu được cao hơn 450 nghìn đồng/ha/vụ so với diện tích chưa áp dụng chương trình này. Ðiều đáng nói là khi áp dụng IPM trong canh tác đã giảm được lượng thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ các loại thiên địch, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, IPM cũng là phương pháp tốt nhất để nông dân thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa và thực tế tại địa phương đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng độc canh cây lúa.

Sau một thời gian triển khai chương trình IPM, nông dân tỉnh Hưng Yên đã nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, cây ăn quả và rau màu, các loại thiên địch trên đồng ruộng; phương pháp điều tra và đưa ra những giải pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường. Qua việc triển khai thực hiện chương trình đã góp phần giảm lượng phân bón sử dụng so với ruộng đối chứng từ 10 đến 15%. Ðồng thời bảo tồn được nguồn thiên địch trên đồng ruộng, số lần phun và sử dụng thuốc BVTV trong mô hình ít hơn so với ruộng đối chứng từ 20 đến 30%. Chi phí cho mỗi héc-ta áp dụng theo IPM giảm hơn so với ruộng đối chứng từ 14 đến 17% (chủ yếu là chi phí phân bón, thuốc BVTV và công lao động). Trong khi đó, năng suất cây trồng lại cao hơn so với ruộng không thực hiện theo mô hình từ 5 đến 7%; hiệu quả kinh tế cây trồng trong mô hình cao hơn ruộng đối chứng 18 đến 21%. Mặt khác, khi thực hiện sản xuất theo IPM giúp tăng việc sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ đã cung cấp nguồn phân hữu cơ nhằm cải tạo đất; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau thu hoạch. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết giúp môi trường sinh thái trong ruộng lúa được cải thiện tốt hơn.

Mặc dù chương trình IPM thời gian qua đã được triển khai rộng khắp trên cả nước nhưng mới chỉ được thực hiện chủ yếu trên cây lúa, còn các cây trồng khác như cây ăn quả, cây công nghiệp chưa được chú trọng ứng dụng. Nhằm giảm mối nguy hại do lạm dụng thuốc BVTV, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, các địa phương cần đẩy mạnh việc ứng dụng IPM trên cây trồng. Ðể chương trình đạt hiệu quả cao hơn, các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng; xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm sử dụng thuốc BVTV. Nhất là cần nhân rộng áp dụng IPM trong sản xuất đại trà bằng việc mở rộng áp dụng phương pháp "nông dân huấn luyện nông dân" với các chủ đề về IPM, thâm canh cây trồng bền vững, giảm nguy cơ do sử dụng hóa chất BVTV; tuyên truyền kết quả mô hình IPM tới cộng đồng xã, thôn, bản thông qua việc tổ chức các hội thảo đầu bờ, hệ thống truyền thanh xã và lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, diễn đàn nông dân; mở rộng ứng dụng IPM trên các đối tượng cây trồng, gắn với xây dựng cánh đồng lớn…

Phúc Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang