• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Làm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê – ‘Nhất cử lưỡng tiện’

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 09/07/2018
Ngày cập nhật: 11/7/2018

Tận dụng lượng vỏ cà phê sau khi chế biến để ủ thành phân hữu cơ vi sinh, cách làm này đã mang lại hiệu quả kép cho các thành viên trong Hợp tác xã Cà phê Công Bằng Sa Mù (HTX), xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - không chỉ giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giảm thiểu được chi phí đầu tư trong sản xuất.

Với hơn 1,5 ha cà phê, bình quân mỗi năm ông Trần Thiên Quốc, ở thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng (tỉnh Quảng Trị) thu được từ 3 – 4 tấn vỏ cà phê. Trước đây lượng vỏ này được gia đình tận dụng để bón cho cây trồng nhưng do được đổ trực tiếp vào gốc cây nên lượng dinh dưỡng hấp thu được từ vỏ không nhiều, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi sinh vật, sâu bệnh phát triển gây hại cho cây cà phê, phải tốn nhiều chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2016, khi tham gia vào HTX Cà phê Công Bằng Sa Mù, ông cùng các hộ xã viên khác quyết định tận dụng lượng vỏ cà phê thu được sau khi chế biến để ủ thành phân hữu cơ vi sinh. Cách làm này đã góp phần bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây cà phê, cũng như giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại HTX Công Bằng Sa Mù

Trao đổi với chúng tôi ông Võ Thanh Hoàng – Giám đốc HTX Cà phê Công Bằng Sa Mù cho biết: Được thành lập từ năm 2015 với 13 hộ cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê nhằm mang lại lợi ích tối đa cho hội viên, đồng thời phát triển cây cà phê theo chuỗi giá trị hàng hóa. Ban đầu HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu mua và chế biến cà phê với sản lượng hàng năm lên đến trên 200 tấn. Trong quá trình chế biến, có một lượng rất lớn phế phụ phẩm là vỏ cà phê nhưng chủ yếu bị vứt bỏ ra môi trường hoặc đem đốt, một số ít được tái sử dụng như đem bỏ vào gốc cà phê hoặc trộn chung với một số loại phân chuồng rồi bón cho cây… Việc xử lý không đúng cách đã gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh cho vụ cà phê năm sau. Trước tình hình đó, các thành viên trong HTX đã nảy ra ý tưởng ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên với lượng vỏ thu được, HTX chỉ ủ được gần 70 tấn phân hữu cơ vi sinh. Năm 2017 được sự hỗ trợ của Sở Khoa học & Công nghệ về kỹ thuật, men vi sinh, máy xay… HTX đã nâng quy mô sản xuất lên trên 200 tấn, đảm bảo đủ cung cấp cho bà con xã viên. Thấy hiệu quả từ mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê này nên hiện nay rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn đang làm đơn xin vào HTX. Để bảo đảm đủ lượng phân vi sinh cho sản xuất, HTX đã tiến hành thu mua hàng nghìn m3 vỏ cà phê từ nhiều xã khác, tránh lãng phí và giải quyết vấn đề môi trường. Theo kế hoạch, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ủ phân hữu cơ vi sinh lên 500m2, đạt công suất 300 tấn/năm.

Theo ông Hoàng, để phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao, cần phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng loại men vi sinh có chất lượng tốt. Cụ thể 1 m3vỏ cà phê cần được trộn đều với men vi sinh, một số loại phân khác cùng với vôi và đường. Sau khi ủ trong khoảng 60 ngày sẽ thu được 200 kg phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao. Ông Hoàng cho biết: Trước đây trên diện tích trồng cà phê gần 3 ha của gia đình, hàng năm ông phải dùng từ 5 – 6 tấn phân NPK, tính ra xấp xỉ 60 triệu đồng. Nay chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh, ông giảm được khoảng 30% lượng phân bón mà năng suất thu được lại tăng cao hơn so với trước. Với hàm lượng dinh dưỡng cao nên không chỉ bón cho cà phê mà còn bón được cho cây tiêu. “Vừa rồi Công ty My Anh đã tìm vào đặt mua 15 tấn phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây mắc-ca nhưng HTX không bán do lượng phân làm ra mới chỉ đủ cho bà con xã viên sử dụng”, ông Hoàng tiết lộ.

Theo ông Đinh Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng: Ưu điểm của phân vi sinh từ vỏ cà phê là dễ làm, tận dụng nguyên liệu, đầu tư ít. Trong phân còn có hàm lượng men, đường, ka li, đạm, vôi làm tăng thêm độ màu mỡ và tơi xốp cho đất, phòng trừ một số bệnh hại, nhất là đối với cây cà phê. Ngoài ra, với các loại cây trồng khác như hồ tiêu, cây lấy củ, rau màu... loại phân này cũng rất phù hợp để sử dụng. Điều đặc biệt là việc tự sản xuất phân vi sinh góp phần lớn vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông Dũng cho biết: Diện tích trồng cà phê toàn xã gần 1.700 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 14.000 tấn. Cùng với đó là 3 doanh nghiệp chế biến cà phê lớn cùng hàng chục cơ sở nhỏ lẻ. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào cho việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Hiện nay UBND xã đang vận động bà con nông dân đối với các diện tích cà phê tái canh sẽ chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh để sản xuất theo hướng cà phê sạch. Với các diện tích còn lại, UBND xã cũng đang vận động theo hướng khi bà con nông dân bán 1 tấn cà phê cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ trả lại cho bà con nông dân 1 lượng vỏ cà phê nhất định để ủ phân hữu cơ. Song song với đó UBND xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, tuyền truyền, hướng dẫn người dân cách sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê. Vận động các tổ chức, dự án trên địa bàn huyện như Tầm nhìn Thế giới, EMEE, Viện Mê-kông trong việc hỗ trợ người dân chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ. Vì đây có thể nói là 1 mô hình “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa có nguồn phân bón có chất lượng cao cho cây cà phê.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang