• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành mía đường: Lao đao vì đường lậu, hàng giả!

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 12/06/2018
Ngày cập nhật: 14/6/2018

Đầu tháng 6-2018, đã có 18/37 nhà máy đường (NMĐ) của cả nước kết thúc niên vụ sản xuất. Chưa bao giờ các NMĐ rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay. Đã có 3 nhà máy phá sản, nhiều nhà máy đang bán đường bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất. Đường lậu tung hoành, đường tồn kho chồng chất, các nhà máy đường đang cầu cứu Chính phủ can thiệp !

Các NMĐ đang đối diện với nhiều sức ép từ đường lậu.

Cần cuộc “cách mạng” về giống !

ĐBSCL từ chỗ có 10 NMĐ trải dài từ Long An đến Cà Mau nhưng đến nay đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được (1 nhà máy tại tỉnh Long An, 1 nhà máy tại tỉnh Kiên Giang, 1 nhà máy tại tỉnh Cà Mau).

Một trong những điểm đặc biệt của các NMĐ trong vùng mà không nơi nào có được đó là: Sông ngòi chằng chịt và thuận lợi cho việc vận chuyển mía nên từ lâu đã hình thành vùng mía nguyên liệu chung, thời gian xuống giống và thu hoạch mía của các địa phương không giống nhau nên các NMĐ có điều kiện chia sẻ mía nguyên liệu để có thể sản xuất liên tục với khoảng thời gian kéo dài trong năm (từ 5-7 tháng/vụ). Những năm gần đây, công tác chuyển đổi giống mía có chất lượng cao được nông dân tích cực thực hiện đặc biệt là giống ROC 16, năng suất mía có nơi đạt bình quân trên 100 tấn/ha với chữ đường đạt trên 11 CCS. Đặc biệt, nhiều nông dân ở Hậu Giang trồng mía với năng suất mía đạt trên 200 tấn/ha với chữ đường đạt 11 CCS.

Với hàng loạt giải pháp năng suất mía bình quân của ĐBSCL từ 50-60 tấn/ha thì giờ đã đạt 90 tấn/ha và chất lượng mía từ mức 8,0 CCS nay đã đạt mức bình quân 10 CCS. Tuy đã nâng được chất lượng cây mía lên nhưng với mức 10 CCS vẫn còn thấp hơn so với các khu vực khác trong nước và thấp nhiều so với các nước sản xuất mía đường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Theo ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CASUCO: Cần thực hiện cuộc “cách mạng” về giống mía và kỹ thuật canh tác để khai thác lợi thế của ĐBSCL là nắng nhiều - đất đai phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào để chọn ra được các giống mía có năng suất cao, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đưa năng suất mía đạt bình quân 100 tấn/ha và CCS bình quân đạt 12 CCS. Các công ty đường cần phối hợp với các cấp chính quyền và nông dân trồng mía tổ chức lại giao thông nội đồng để giúp tưới tiêu, thoát nước tốt và giúp cho việc thu hoạch, vận chuyển mía được thuận lợi, từ đó giúp giảm chi phí thu hoạch - vận chuyển mía. Do chưa có máy thu hoạch phù hợp với nền đất yếu thì từng bước nghiên cứu chế tạo và áp dụng các máy móc để có thể cơ giới hóa khâu làm đất, đào hộc, chăm sóc mía trong điều kiện nền đất yếu của ĐBSCL.

Đau đầu vì “đường lậu thành hàng Việt Nam”!

Đến đầu tháng 6-2018, các NMĐ cả nước đã ép được 13,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,3 triệu tấn đường. Giá mía phổ biến 850.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Riêng miền Bắc và Bắc Trung bộ trên 1 triệu đồng/tấn. Giá đường liên tục giảm từ đầu vụ đến nay. Đến tháng 6-2016, giá đường tiếp tục giảm 2.000-2.900 đồng/kg so với đầu vụ. các nhà máy bán đường gần sát với giá đường lậu Thái Lan. Lượng đường tồn kho 670.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn so với cách đây 2 tháng. Hiện các NMĐ trong nước đang đau đầu với đường buôn lậu. Theo một số NMĐ phản ảnh: Từ sau phá thành công chuyên án Tỷ đường (An Giang), tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đường lậu không chỉ có nguồn gốc từ Thái Lan hoạt động ở biên giới Tây Nam, mà đã có cả đường tạm nhập tái xuất…

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Nguyên nhân tồn kho do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm so với năm ngoái. Thậm chí có xu hướng gia tăng, công khai thách thức cơ quan chức năng. Nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng. Cụ thể các NMĐ rất bức xúc về tình trạng hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (ngày 14-4-2017) về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức như: Nổi lên là tình trạng đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước. Điều khó hiểu đối với các NMĐ là: cơ quan có thẩm quyền tại một số địa phương cấp phép hoạt động đối với doanh nghiệp, tổ chức được “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1kg hoặc 50kg, ghi nhãn mác không rõ ràng như: về chất lượng thường ghi đường mía Việt Nam chất lượng cao, đường luyện xuất khẩu, đường cát và in nhãn thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; về nơi sản xuất, ngày sản xuất: thường ghi sản xuất tại các nhà máy đường Việt Nam, không ghi ngày sản xuất…

Trước vấn nạn “hợp thức hóa đường lậu thành đường Việt Nam” từ các cơ sở chế biến, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị: Cục Phòng vệ thương mại điều tra và có biện pháp phòng vệ đối với đường lòng (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác đặc biệt 334 tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng đường. Đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) thực hiện các biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường nhất là biên giới các tỉnh phía Nam. Các NMĐ trong nước đang mong chờ các giải pháp can thiệp để hỗ trợ ngành đường trong nước. Vì nhiều kiến nghị của họ đã phát đi từ năm ngoái nhưng đến nay chưa có những phản hồi. Với khoảng 300.000ha, hơn 33.000 hộ nông dân cùng khoảng 1,5 triệu lao động nông nghiệp tham gia, ngành mía đường đang đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh khốc liệt trong quá trình hội nhập. Bản thân các NMĐ và nông dân đang nỗ lực để cải thiện các quy trình sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Nhưng nếu Chính phủ không có giải pháp căn cơ can thiệp hỗ trợ - nhất là ngăn chặn đường lậu và nạn “sang chiết” hợp thức hóa đường lậu, thì nguy cơ “giải cứu 300.000ha = 1,5 triệu lao động” ngành mía đường là rất gần!

Bài, ảnh: CAO PHONG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang