• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Rệp sáp bột hồng, nhện đỏ bùng phát mạnh gây hại sắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 23/05/2018
Ngày cập nhật: 24/5/2018

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) phòng trừ rệp sáp bột hồng - Ảnh: LÊ TRÂM

Niên vụ sắn 2018-2019, nông dân toàn tỉnh Phú Yên trồng 15.000ha, nhưng trong giai đoạn cây con đã có hàng trăm hécta sắn bị rệp sáp bột hồng, nhện đỏ gây hại. Điều đáng lo ngại là thời tiết nắng nóng hiện nay thuận lợi cho rệp sáp bột hồng, nhện đỏ lây lan nhanh trên cây sắn. Trong khi đó, cây sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại hầu hết không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế.

Rệp, nhện… bùng phát

Thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2018-2019, nông dân trong tỉnh trồng 15.000 ha, tăng 3,4% so với niên vụ 2017-2018. Sở dĩ diện tích sắn tăng cao là do nông dân bỏ mía sang trồng sắn. Theo bà con nông dân, niên vụ 2017-2018, người trồng mía gặp khó do ảnh hưởng của cơn bão số 12/2017 đã làm nhiều diện tích mía ngã đổ, chữ đường bị giảm thấp và tỉ lệ tạp chất cao.

Mặt khác, do lượng đường tồn kho nhiều nên các nhà máy đã giảm giá mua mía nguyên liệu xuống còn 800.000 đồng/tấn, trong khi tiền thuê mướn nhân công chặt hạ, bốc vác mía tăng cao (khoảng 200.000 đồng/tấn, tăng 50.000 đồng/tấn so với niên vụ trước), người trồng mía hầu như không có lãi. Trong khi đó, mía và sắn cùng thời điểm xuống giống, vì vậy khi thu hoạch mía xong niên vụ này nông dân chuyển sang trồng sắn. Thế nhưng, bị sắn đang trong giai đoạn cây con thì rệp sáp bột hồng gây hại.

Tại huyện Sông Hinh rệp sáp bột hồng gây hại 67,2ha, tập trung tại các xã Sơn Giang, Ea Lâm, Ea Bar, Ea Bá và thị trấn Hai Riêng. Không chỉ rệp sáp bột hồng, tại huyện Sông Hinh, nhện đỏ còn gây hại 200ha sắn, tỉ lệ hại 1-30% lá hầu hết ở các vùng trồng sắn.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Rệp sáp bột hồng, nhện đỏ bùng phát mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Ngành Nông nghiệp phối hợp với UBND các xã vận động nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác, đồng thời chú trọng phòng trừ nhện đỏ.

Còn tại huyện Đồng Xuân, nhện đỏ gây hại 360ha, tỉ lệ hại 5-80% lá. Rệp sáp bột hồng gây hại 42ha, tỉ lệ hại 3-40% cây, tập trung tại các xã Xuân Lãnh, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3, Xuân Phước và Xuân Quang 1. Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân, cho hay: Thời tiết hiện nay nắng nóng nên rệp sáp bột hồng lây lan nhanh. Sắn bị rệp sáp bột hồng mà không phòng trừ kịp thời thì cây không cho năng suất, lỗ công cày bừa, chăm sóc, phân bón.

Cắt đứt nguồn lây lan

Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại rất khó phòng trừ, liên tiếp bùng phát trên các vùng nguyên liệu sắn ở Phú Yên. Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên đã tập huấn, tổ chức mô hình khảo nghiệm biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng nhằm trang bị kiến thức cho nông dân trồng sắn phòng trừ loại sâu hại này. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên khuyến cáo, các địa phương tăng cường công tác điều tra rệp sáp bột hồng hại sắn tại các huyện có diện tích trồng sắn lớn như Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa và Đồng Xuân, qua đó hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tổ chức lễ phát động chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn, đồng thời tổ chức tập huấn cách ngắt ngọn sắn bị rệp sáp bột hồng, tiêu hủy bằng cách gom đốt để hạn chế sự lây lan. Ông Ma Tin, nông dân trồng sắn ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) nói: Sắn của gia đình tôi bị rệp sáp bột hồng gây hại. Sau khi được cán bộ kỹ thuật xã hướng dẫn cách phòng trừ bằng cách ngắt ngọn sắn bị rệp sáp bột hồng, tiêu hủy bằng cách gom đốt, nên sau đó không bị nhiễm rệp sáp bột hồng nữa, sắn phát triển tốt.

ThS Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Rệp sáp bột hồng lây lan do gió, nó có thể bám vào quần áo khi người trồng vận chuyển cây giống đã bệnh. Vì vậy, nông dân cùng tiến hành tiêu hủy ruộng sắn bị nhiễm, tránh tình trạng người tiêu hủy người không thì rệp sáp bột hồng sẽ hạn chế lây lan từ vùng này sang vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm làm giống. Ở các vùng sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng cây còi cọc thì dùng bao ni lông ngắt bỏ đọt sắn và đem đi tiêu hủy.

Hiện rệp sáp bột hồng đã gây hại trên 109ha, tỉ lệ hại 1-40% cây, còn nhện đỏ gây hại 560ha, tỉ lệ hại 1-80% lá tại hầu hết các vùng trồng sắn trong tỉnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, thời gian đến, trời nắng nóng, không mưa nên rệp sáp bột hồng vẫn có khả năng lây lan ra diện rộng, nông dân tích cực phòng trừ.

LÊ TRÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang