• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hàng nghìn tỷ phú hồ tiêu thành con nợ của ngân hàng

Nguồn tin: VOV, 17/05/2018
Ngày cập nhật: 19/5/2018

Thủ phủ hồ tiêu trù phú của Tây Nguyên giờ trở thành mảnh đất nợ nần, nhiều gia đình tán gia, bại sản, phải xa xứ làm ăn để trả nợ.

Hơn 800 ha hồ tiêu ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai bị chết vì dịch bệnh và khô hạn trong những năm qua, đã đẩy hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, hơn 6.500 hộ khác mất khả năng trả nợ khoảng 1.400 tỷ đồng tại các ngân hàng.

Khung cảnh hoang tàn tại các vườn tiêu ở Chư Pưh, Gia Lai.

Xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai từng có hàng trăm tỷ phú nhờ hồ tiêu được mùa, được giá trong nhiều năm liên tiếp. Thế nhưng, từ đầu 2016 tới nay, hơn 400/800 ha hồ tiêu tại đây bị xóa sổ, không thể phục hồi vì dịch bệnh và khô hạn, khiến hơn 1.000 hộ dân nợ hơn 200 tỷ đồng tại các ngân hàng.

Mất nguồn thu, nhiều hộ dân đã phải bán đổ, bán tháo trụ tiêu, thậm chí bán đất, bán nhà để trả nợ.

Tính riêng năm 2017, tại Ia Blứ có hơn 1.000 người dân rời địa phương đi làm ăn xa xứ và nhiều học sinh cấp 3 phải nghỉ học đi làm nghề để phụ giúp gia đình. Tại đây hàng chục ngôi nhà đã bị các ngân hàng kê biên tài sản hoặc niêm phong vì không làm việc được với chủ nhà.

Nhìn con bán nhà trả nợ, cháu bỏ học đi làm thuê, ông Mai Liệu ở thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ buồn rầu nói “Tôi có 9 đứa con, thì 1 đứa phải bán đất, bán nhà trả ngân hàng. 2 đứa cháu ngoại học lớp 12 phải bỏ đi làm nghề, còn mấy đứa cháu nội về quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Cả xã Ia Blứ chỉ còn đất, không còn trụ tiêu nữa. Xóm tôi đêm đi, ngày đi”.

Ông Mai Liệu ở xã Ia Blư, Chư Pưh có con phải bán nhà trả nợ, cháu bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình trả nợ.

Cùng với cảnh tán gia bại sản của hàng trăm hộ dân, nhiều đại lý thu mua nông sản tại xã Ia Blứ cũng lâm vào cảnh nợ nần.

Anh Trịnh Văn Dũng, chủ đại lý thu mua hồ tiêu tại thôn Thủy Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết, để người dân chấp thuận bán hồ tiêu cho mình, năm 2016, gia đình anh đầu tư hơn 70 tỷ đồng cho hơn 200 hộ dân để sản xuất.

Thế nhưng, hàng trăm ha hồ tiêu bị xóa sổ bởi dịch chết nhanh, khiến nhiều người trắng tay, hàng chục tỷ đồng đầu tư của anh Dũng trở thành món nợ khó đòi.

Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, từ 2016 tới nay, tại đây có hơn 870 ha hồ tiêu chết vì dịch bệnh và hạn hán không thể phục hồi. Điều đó kéo theo hơn 6.500 hộ dân gần như mất khả năng chi trả các khoản vay tại các ngân hàng, với tổng dư nợ lên tới 1.400 tỷ đồng, chủ yếu là nợ. Nợ cũ chưa trả được, nông dân không thể vay tiếp tại các ngân hàng để tái thiết vườn cây.

Nhiều nông dân tại xã Ia Blư, Chư Pưh treo biển bán nhà trả nợ.

Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết nông dân có đất, nhưng đành bỏ hoang, đó là tình cảnh bế tắc tại thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh nói chung.

“Muốn vay tiếp trong ngân hàng thì phải không có nợ xấu. Đi vay lãi nóng bên ngoài, sau 1 năm tăng lên không biết bao nhiêu nữa. Bà con nông dân địa phương mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời được tạo điều kiện vay tiếp với những kênh khác, nguồn khác để đầu tư sản xuất. Giờ vay 1 tỷ, 1 tháng phải trả 10 triệu rồi. Trong vòng 1 năm đó đã là 120 triệu rồi, không có nguồn thu thì không có tiền trả lãi”, ông Linh nói.

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Chư Pưh và UBND tỉnh Gia Lai đã có 2 buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai cùng 7 ngân hàng cổ phần thương mại là chủ nợ của nông dân địa phương, đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời hỗ trợ cho vay mới để người dân tái sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, vì Gia Lai không công bố dịch bệnh trên cây hồ tiêu, nên không được hưởng chính sách này.

Ông Phạm Đức Ngọc, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết, chính quyền và ngành chức năng huyện Chư Pưh đang tìm giải pháp giúp người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời khuyến cáo nông dân không tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu, tránh rủi ro./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang