• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng đinh lăng ở đất Đồng Nai

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 14/04/2018
Ngày cập nhật: 16/4/2018

Đinh lăng là cây dược liệu truyền thống của Việt Nam vì được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều loại thuốc. Đây là cây trồng cho lợi ích kinh tế cao vì tất cả các bộ phận của cây đinh lăng, từ lá, thân, rễ đều là nguyên liệu để chế biến ra nhiều loại sản phẩm như: cao, thuốc, trà, nguyên liệu ngâm rượu…

Đại diện Công ty TNHH nông nghiệp Thiên Đường (tỉnh Tây Ninh) tham quan mô hình trồng cây đinh lăng tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ).

Nhiều địa phương của Đồng Nai vẫn trồng đinh lăng nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ vì đầu ra chưa ổn định. Cơ hội thị trường cho cây đinh lăng ngày càng rộng mở vì hiện đã có doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm.

* Đầu tư ít tốn kém

Đinh lăng có thể trồng xen canh trong vườn điều, vườn tiêu, cây ăn trái, cao su... nên nông dân có thể tận dụng đất vườn có sẵn để phát triển cây trồng này, chi phí đầu tư cũng không cao nên nhiều nông dân đang mạnh dạn trồng thử nghiệm.

Ông Nguyễn Hữu Sang, nông dân tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Tôi có trồng thử nghiệm cây đinh lăng xen canh vào 3 sào bưởi của gia đình. Vì tự ươm giống nên tôi chỉ tốn vài triệu đồng đầu tư ban đầu. Khi tưới nước, bón phân cho cây bưởi, cây đinh lăng được hưởng ké nên hầu như tôi không tốn thêm chi phí chăm sóc. Trồng được khoảng 8 tháng, cây đinh lăng đã tốt xum xuê và hầu như không bị sâu, bệnh”.

Ông Phạm Văn Cường, nông dân tại xã Xuân Tây, dẫn chứng: “Tôi có trồng đinh lăng dưới tán điều. Thời điểm khô hạn, tôi chỉ tưới nước và không tốn thêm chi phí phân, thuốc, nhưng 2 năm nay vườn đinh lăng của tôi vẫn tốt tươi và chưa có cây nào chết. Hiện tôi chỉ mới bán cành cho người dân làm giống và bán củ mà đã cho thu nhập khá tốt”.

Nói về việc phát triển cây đinh lăng tại địa phương, ông Phan Xuân Náp, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Suối Nhát (xã Xuân Tây), cho hay: “Chỉ riêng xã Xuân Tây hiện đã có từ 50-60 hécta trồng cây đinh lăng, chủ yếu xen canh trong vườn cây lâu năm. Tuy nhiên, đa số hộ chỉ trồng vài ba sào và thường mất vài năm mới thu hoạch rễ để bán. Đầu ra của đinh lăng còn khá hẹp và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Hiện có công ty đang về liên kết với nông dân phát triển cây trồng này, ký hợp đồng bao tiêu cả lá, thân, rễ. Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng như cam kết thì đây là cây trồng thuộc tốp đầu về lợi nhuận”.

* Liên kết phát triển vùng nguyên liệu

Anh Bùi Văn Sơn, thanh niên chọn khởi nghiệp với mô hình trồng đinh lăng tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), chia sẻ: “Tôi đã đi tìm hiểu mô hình trồng đinh lăng và thấy lợi nhuận cao, đầu tư ban đầu thấp. Theo đó, tôi đã đăng ký làm đại lý cho một công ty chuyên chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu cây đinh lăng. Tôi cũng đầu tư trồng vườn đinh lăng mẫu để từ đó thu hút nông dân nhân rộng diện tích và hình thành vùng nguyên liệu tại địa phương”.

Ông Cao Xuân Huệ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tâm An giới thiệu vườn đinh lăng cho lợi nhuận cao. Ảnh: B.Nguyên.

Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tâm An (ở xã Xuân Tây) trước đây chuyên trồng rau và từ 10 năm nay có phát triển thêm cây đinh lăng với diện tích khoảng 10 hécta.

Ông Cao Xuân Huệ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tâm An, cho hay: “Tiềm năng thị trường của cây đinh lăng còn rất lớn. Thời gian qua rất nhiều thương lái, công ty tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho cây đinh lăng. Nếu ký được hợp đồng với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phát triển vùng chuyên canh cho cây đinh lăng. Ngoài ra, 2 năm nay tôi cũng bỏ công tìm hiểu để sản xuất trà và cao từ cây đinh lăng, được người tiêu dùng đón nhận tốt. Tôi đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu để chính thức đưa sản phẩm ra thị trường”.

Ông Nguyễn Đăng Trình, đại diện Công ty TNHH nông nghiệp Thiên Đường (tỉnh Tây Ninh), cho biết: “Doanh nghiệp đang mở rộng các đại lý tại nhiều tỉnh, thành để phân phối sản phẩm và triển khai chương trình đầu tư, bao tiêu cây đinh lăng cho nông dân. Trong đó, Đồng Nai là địa phương chúng tôi rất quan tâm để phát triển vùng chuyên canh cho cây trồng này. Chúng tôi sẽ mở đại lý về từng địa phương, nơi nào phát triển đủ về diện tích chúng tôi sẽ đầu tư xưởng sơ chế cây đinh lăng tại chỗ để thuận tiện mua sản phẩm cho nông dân”.

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang