• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Những triệu phú đinh lăng ở Nghĩa Hưng

Nguồn tin: Báo Nam Định, 09/03/2018
Ngày cập nhật: 13/3/2018

Nghĩa Hưng là một trong hai huyện của tỉnh Nam Định được Viện Dược liệu và Cty CP Traphaco chọn thực hiện Dự án phát triển dược liệu đinh lăng theo “Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)”. Hiện tại, toàn huyện đã duy trì trồng được hơn 200ha đinh lăng. Việc chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang đinh lăng đã giúp cho cuộc sống của người nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Về Thị trấn Rạng Đông, địa phương được mệnh danh là “vựa” đinh lăng lớn nhất, nhì của huyện Nghĩa Hưng, chúng tôi gặp anh Lâm Văn Tạo ở khu 6. Từ lâu anh Tạo được mệnh danh là “tỷ phú đinh lăng”. Trong câu chuyện với anh Tạo, chúng tôi được biết, gia đình anh trồng cây đinh lăng từ năm 2006. Hiện tại, diện tích trồng đinh lăng của gia đình anh đã mở rộng lên 5ha với những gốc đinh lăng chủ yếu là từ 5 năm đến 11 năm. Với diện tích trồng 5ha, bình quân mỗi năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 10-15 tấn đinh lăng tươi, gồm cả rễ, củ, lá, thân, cành. Sau khi đã trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng từ trồng đinh lăng. Ngoài trồng đinh lăng, anh còn trồng xen canh khoảng 400 gốc bưởi diễn và 500 gốc cam vinh để vừa có thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng vừa che tán cho cây đinh lăng phát triển. Từ việc phát triển mô hình trồng đinh lăng, kinh tế gia đình anh Tạo đã trở nên khá giả, có của ăn của để và nuôi các con ăn học thành đạt.

Với diện tích trên 5ha trồng đinh lăng, trung bình mỗi năm gia đình anh Lâm Văn Tạo thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng.

Bác Vũ Văn An, xóm 7 năm nay 66 tuổi, là người đầu tiên khởi xướng mô hình trồng dược liệu đinh lăng ở xã Nghĩa Thắng. Bác An đã trồng đinh lăng từ năm 1981 để cung cấp nguồn dược liệu này cho các nhà thuốc trên toàn quốc. Bác An cho biết, hiện tại xã Nghĩa Thắng đã có trên 300 hộ/1.000 hộ làm nông nghiệp tham gia trồng đinh lăng. Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nhất bắt đầu từ thời điểm năm 2012, khi Cty CP Traphaco về khảo sát đất, thí nghiệm giống, sau đó ký hợp đồng trồng và thu mua sản phẩm từ cây đinh lăng với người dân. Cty CP Traphaco đã thường xuyên mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới cho các hộ dân trồng đinh lăng trên địa bàn xã. Là người có kinh nghiệm trồng đinh lăng lâu năm, bác An được cử là trưởng nhóm sản xuất đinh lăng của HTXNN Nghĩa Thắng. Thời gian đầu, bác đứng ra thành lập tổ sản xuất gồm 18 thành viên và hướng dẫn các thành viên cách trồng, chăm sóc cây đinh lăng. Với trên 300 hộ trồng đinh lăng hiện tại, trung bình mỗi năm xã Nghĩa Thắng cung cấp cho Cty CP Traphaco khoảng 100 tấn đinh lăng tươi. Riêng tại vườn của gia đình bác An hiện trồng 1,2 mẫu đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Giá bán đinh lăng hiện nay khoảng 20 nghìn đồng/1kg lá; thân và rễ cây khoảng 3 năm tuổi được Cty CP Traphaco thu mua với giá khoảng 30 nghìn đồng/1kg; củ từ 3 năm tuổi trở lên gần 200 nghìn đồng/1kg. Với giá thành như trên, trung bình, mỗi năm gia đình bác An cung cấp cho Cty CP Traphaco khoảng 3 tấn thân, rễ, củ, đinh lăng tươi, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ngoài trồng đinh lăng là chủ đạo, gia đình bác An còn trồng thêm các loại rau, củ, quả như cải bắp, su hào, cải bẹ, cà rốt, cà ghém… cho thêm thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng mỗi năm…

Thành công với mô hình trồng cây đinh lăng cho hiệu quả kinh tế cao, những người nông dân ở Nghĩa Hưng đã và đang khẳng định sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Để tiếp tục duy trì và phát triển cây dược liệu đinh lăng trên địa bàn, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục phối hợp với Viện Dược liệu, Cty CP Traphaco xây dựng quy trình sản xuất từ khâu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, hỗ trợ xây dựng tổ hợp tác sản xuất, cơ sở sơ chế... Trước mắt huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch vùng phát triển dược liệu đinh lăng theo hướng bền vững nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho Cty CP Traphaco, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang