• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ðể phát triển bền vững ngành hàng cà phê: Nhận diện những thách thức

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 07/12/2018
Ngày cập nhật: 9/12/2018

Bên cạnh những thuận lợi của ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng, những thách thức hiện hữu từ sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay đang đặt ra cho nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân những vấn đề khá nan giải.

Cà phê là một trong 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến luợc quốc gia. Từ nhiều năm nay, Việt Nam được biết đến với một nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới sau Brazin và là nước có năng suất cà phê đứng đầu thế giới. Đây cũng là ngành hàng đang tạo ra việc làm, thu nhập cho một lượng lớn lao động nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế căn bản đó, tại buổi làm việc của các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên với UBND tỉnh Đắk Nông mới đây, các nhà khoa học cho rằng ngành hàng cà phê Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Muốn phát triển bền vững ngành hàng này, chúng ta cần thiết phải nhận diện, phân loại và có kế hoạch ứng phó một cách phù hợp, linh hoạt. Cụ thể, những thách thức lớn nhất ở đây được chỉ ra như tuổi đời trung bình của cà phê Tây Nguyên ở mức cao; chịu ảnh hưởng xấu bởi biến đổi khí hậu; hình thức canh tác, chế biến cà phê còn lạc hậu, hàm lượng khoa học trong sản xuất còn thấp; cơ giới hóa chậm dẫn đến giá thành sản xuất cao…

Chỉ đơn cử, riêng địa bàn Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 127.400 ha cà phê, chủ yếu là cà phê vối (chiếm 99,5%), trong đó 112.600 ha cà phê kinh doanh, năng suất bình quân năm 2017 là 2,3 tấn/1ha, tổng sản lượng 267.499 tấn. Tuy nhiên, trong số đó có hơn 60% diện tích cà phê có tuổi đời trên 10 năm, sử dụng cây giống thực sinh nên độ đồng đều của vườn thấp, năng suất, chất lượng không ổn định.

Nông dân bon Bu N'Đơr B, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) thu hoạch cà phê. Ảnh: A Trư

Chưa có báo cáo chính thức song theo phản ánh của người trồng cà phê, trong năm 2018, năng suất cà phê Đắk Nông thấp hơn năm 2017. Đặc biệt, đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất sụt giảm khoảng ½ so với năm ngoái. Với việc giá cà phê chưa có dấu hiệu tăng, trong khi giá nhân công thu hái và giá đầu vào như phân bón, xăng dầu đều cao nên người sản xuất cà phê năm nay gặp nhiều khó khăn. Các nhà khoa học cho rằng nếu nhà nước không có những biện pháp khả thi kịp thời, không chỉ cà phê sẽ giảm mạnh về diện tích mà chất lượng sản phẩm cũng không bảo đảm do một bộ phận nông dân tự chuyển đổi sang một số cây trồng có giá trị cao hơn hoặc bỏ mặc theo kiểu “được chăng hay chớ”.

Trên thực tế, những năm qua, chúng ta đã lường trước được vấn đề cây cà phê vượt qua ngưỡng “vàng”, đến giai đoạn già cỗi, thoái hóa nên đã triển khai Chương trình tái canh cà phê. Đây là chương trình mang tính chiến lược nhằm trẻ hóa diện tích cà phê, gia tăng ứng dụng khoa học ngay từ khâu làm đất, giống, chăm sóc và chế biến. Thế nhưng, nhiều địa phương, trong đó có Đắk Nông, tiến độ triển khai Chương trình tái canh cà phê chậm, thiếu tính đồng bộ. Ngoài diện tích tái canh đạt thấp, việc tái canh cuốn chiếu hay theo từng diện tích rải rác, nhỏ lẻ nên chưa phát huy tốt hiệu quả, mục tiêu chương trình đề ra.

Chưa kể đến, do khâu quy hoạch vùng chuyên canh triển khai chậm nên việc cụ thể hóa những chính sách của nhà nước trong hỗ trợ ngành hàng cà phê gặp không ít khó khăn. Dễ thấy nhất là thời gian qua, việc tiếp cận vốn Chương trình tái canh cà phê của nông dân rất khó khăn vì diện tích cà phê có nhu cầu tái canh chưa chứng minh được điều kiện nằm trong vùng quy hoạch sản xuất mà bên phía ngân hàng yêu cầu. Ngoài ra, để can thiệp bằng các chính sách hỗ trợ ngành hàng cà phê như hỗ trợ về giá, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ rủi ro do thiên nhiên… cũng đang theo dạng “cào bằng” mà chưa có sự tập trung theo vùng lợi thế để khuyến khích phát triển do thiếu quy hoạch.

Cà phê sau khi phơi khô được nông dân xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) tiến hành xay xát, đóng bao và bảo quản. Ảnh: Y Sơn

Theo Tiến sỹ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì muốn phát triển bền vững ngành hàng cà phê, Đắk Nông cần quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch để có sự can thiệp rõ ràng hơn từ phía nhà nước. Khi quy hoạch tốt vùng trồng cà phê theo vùng lợi thế, người trồng cà phê sẽ được ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ rủi ro và tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất nhằm khuyến khích doanh nghiệp, nông dân trồng cà phê trong vùng quy hoạch tập trung đầu tư thâm canh, bảo đảm tính ổn định hơn về sản lượng, chất lượng cà phê.

Một thách thức lớn khác đó là việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu sản xuất cà phê của chúng ta hiện nay rất khó khăn bởi diện tích nhỏ lẻ, không đồng nhất về giống, tuổi đời cây cũng như biện pháp canh tác nên giá thành cà phê đội lên cao. Trong khi đó, giá thành sản xuất cà phê của các nước hiện nay khá thấp cộng với lãi suất ngân hàng cho vay ở ngành hàng này của các nước rất ưu đãi nên khả năng cạnh tranh cao hơn.

Từ đây cho thấy, ngoài sự tích cực hơn nữa từ phía người trồng cà phê, bản thân các doanh nghiệp và nhà nước cũng cần có chiến lược rõ ràng, kịp thời hơn cho lộ trình phát triển cà phê bền vững.

Đức Diệu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang