• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Sâu đục thân hoành hành nhiều vườn điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 06/12/2018
Ngày cập nhật: 8/12/2018

Sau 2 vụ mất mùa liên tiếp do bệnh khô cành cháy lá, bọ xít muỗi, thán thư thì năm nay người trồng điều trên địa bàn tỉnh lại thêm điêu đứng do sâu đục thân hoành hành.

SÂU ĐỤC THÂN LÂY LAN NHANH

Thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có khoảng 620 ha điều. Vụ điều vừa qua, thôn có 420 ha mất mùa nặng do bọ xít muỗi và bệnh thán thư. Những vườn điều này chưa kịp hồi sức lại phải chống chọi với sâu đục thân phá hoại. Ông Hoàng Thanh Thao, Trưởng thôn Hai Căn cho biết: Thôn hiện có khoảng 30% diện tích điều bị sâu đục thân phá hoại, trong đó nhiều vườn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Điểu Lâm ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng xót xa cưa bỏ những cây điều bị sâu đục thân để tránh lây lan cả vườn

Vườn điều gần 2 ha của gia đình anh Điểu Nam ở thôn Hai Căn bị sâu đục thân phá hoại đến 70% diện tích. Phải cưa bỏ những cây bị khô chết để đốt, anh Nam không khỏi xót xa: “Trước đây, mỗi héc ta điều thu hơn 1 tấn hạt nhưng vụ điều vừa rồi chỉ thu được hơn 1 tạ. Bệnh cũ chưa khỏi, nay lại thêm sâu đục thân hại vườn điều. Dù đã thử nhiều loại thuốc, xịt nhiều lần nhưng sâu bệnh vẫn lây lan khắp vườn. Nhiều vườn trong thôn cũng bị tương tự”.

Ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Toàn xã có khoảng 10 ngàn ha điều. Trước dịch bệnh hại cây điều, ngành nông nghiệp huyện đã khảo sát, thống kê diện tích sâu bệnh, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Tại huyện Bù Đăng, nhiều vườn điều cũng đang đối mặt với sâu đục thân. Trước đây, vườn điều hơn 1 ha của gia đình chị Điểu Thị Phương ở thôn 1, xã Thống Nhất là một trong những vườn cho năng suất cao của xã, nay không thể đâm chồi, trổ bông do nhiều cành bị khô vì sâu đục thân phá hoại. Kinh tế eo hẹp nên việc cứu chữa vườn điều đối với gia đình chị rất khó khăn. Chị Phương thở dài: “Thấy điều bị sâu bệnh, mình cũng mua thuốc về xịt nhưng không ăn thua. Sâu đục trong thân, từ trên ngọn xuống gốc, lan từ cây này qua cây khác. Cưa bỏ thì tiếc nên tôi chỉ chặt bỏ những cành đã khô, chờ vụ điều tới vớt vát được hạt nào hay hạt đó. Giờ gia đình tôi chỉ trông vào ngành chức năng hỗ trợ, chứ không biết xoay xở ra sao”.

2 năm mất mùa liên tiếp, nay thêm nạn sâu đục thân phá hoại đã khiến một số hộ phải cắt bỏ vườn điều. Mấy ngày qua, gia đình anh Điểu Lâm ở cùng thôn 1, xã Thống Nhất phải cưa bỏ hàng chục cây điều hơn 10 năm tuổi. Anh Điểu Lâm cho biết: “2 năm trước, gia đình tôi mất trắng vụ điều vì bệnh thán thư và bọ xít muỗi, nay lại thêm sâu đục thân phá hoại. Không cưa thì cây cũng chết nên dọn sớm lấy củi đun nấu và kiếm cây trồng khác thay thế. Diện tích điều cưa đi, tôi dự định trồng cao su, dù cao su đang rớt giá nhưng tính ra vẫn hơn cây điều”.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, TRỪ SÂU, BỆNH

Ông Hà Hồng Tuyên, Phó chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, lâu nay đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ tập quán canh tác cũ, ít áp dụng khoa học - kỹ thuật, không đầu tư bón phân, xịt thuốc. Trong khi đa số các vườn điều bị sâu bệnh đều là giống cũ, già, bị thoái hóa nên sức đề kháng kém, dễ bị sâu bệnh tấn công. Toàn xã có hơn 7.400 ha điều thì gần như vườn điều nào cũng bị sâu đục thân phá hoại. Sâu đục thân sinh sản với số lượng lớn nên rất khó xử lý dứt điểm dù đã thực hiện nhiều biện pháp, như cắt tỉa cành bị bệnh đem đốt, xịt, rửa vườn, bơm thuốc vào thân cây...

Chị Điểu Thị Phương ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng chặt bỏ những cành điều bị sâu đục thân (ảnh lớn). Sâu đục, làm tổ bên trong khiến cây điều khô và chết dần

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết khuyến cáo: “Cây điều đã bước vào giai đoạn trút lá để ra bông, đậu trái. Đây là giai đoạn quyết định đến năng suất, chất lượng vườn điều. Do vậy, chủ động duy trì tập huấn và phòng trừ sâu, bệnh thường xuyên cho cây điều thời điểm hiện nay là rất cấp thiết. Hiện tất cả địa bàn thôn, ấp, nhất là các xã có diện tích chuyên canh cây điều lớn đang được tăng cường tập huấn kỹ thuật chăm sóc điều ra bông, đậu trái và phòng trừ dịch bệnh; chủ động tỉa cành, tạo sự thông thoáng cho vườn điều, loại bỏ trứng, ấu trùng, sâu non nằm bên trong thân, cành. Việc phòng trừ sâu đục thân, đục cành phải được thực hiện thường xuyên và nhiều nông dân trong vùng cùng thực hiện một thời điểm mới đạt hiệu quả phòng trừ cao, tránh sự phát tán, di trú của con trưởng thành từ vườn này sang vườn khác”.

Bảo Đăng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang