• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khó khăn bủa vây người trồng tiêu

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 11/10/2018
Ngày cập nhật: 14/10/2018

Gia đình bà Đặng Thị Bích Châu ở thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đã chuyển một nửa diện tích trồng tiêu sang trồng chanh dây - Ảnh: ANH NGỌC

Cây tiêu được người dân ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) xem là loại cây trồng chủ lực, diện tích trồng tăng dần hàng năm. Thế nhưng thời gian qua, nhiều diện tích tiêu bị chết hàng loạt do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh nên nông dân lâm vào cảnh nợ nần, phải đi xứ khác làm thuê…

Mặc dù vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc cách đây vài tháng, nhưng người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) vẫn chưa tìm ra giải pháp để phục hồi vườn tiêu và cũng chưa tìm ra loại cây trồng thay thế phù hợp. Bà Đặng Thị Bích Châu ở thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây, cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 1ha tiêu từ năm 2002, khi tiêu vào thời điểm kinh doanh thì mỗi năm thu hoạch trên 4 tấn tiêu hạt khô.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, nhiều lô tiêu của gia đình bị ngập úng và đã phát sinh bệnh vàng lá, thối rễ nên cứ chết dần chết mòn. Nếu tính số trụ còn sống thì gom lại chỉ còn khoảng 3 sào. Hiện chúng tôi chuyển 5 sào tiêu bị chết sang trồng chanh dây, 5 sào còn lại cố gắng phục hồi nhưng nhiều trụ tiêu đã bị vàng lá, chết lác đác.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, một người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây, để trồng 1ha tiêu (khoảng 1.600 trụ) đến khi thu hoạch phải mất 4 năm trời chăm sóc, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, người trồng tiêu còn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm.

“Vụ tiêu năm nay không chỉ mất mùa mà giá tiêu hạt còn thấp hơn nhiều so với mọi năm nên nông dân không lỗ mới lạ. Năng suất tiêu các năm trước đạt khoảng 3-4 tấn/ha thì năm nay chỉ khoảng 700kg đến 1 tấn/ha. Trong khi đó, giá tiêu hạt hiện nay chỉ khoảng 48.500 đồng/kg, giảm khoảng 25% so với đầu năm và giảm 31% so với cùng thời điểm này năm trước”, ông Tuấn nói.

Theo ông Ngô Trọng Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây, hầu hết bà con trồng tiêu đều vay vốn từ người thân và ngân hàng để đầu tư. Thế nhưng, vườn tiêu của bà con bước vào thời kỳ kinh doanh chưa lâu thì xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu làm một số hộ dân điêu đứng. Tiêu chết, nhiều nông dân thua lỗ, nợ nần chồng chất. Người ít nhất cũng nợ cả trăm triệu đồng, còn người nhiều thì nợ đến vài trăm triệu đồng.

Nhiều lao động chính của gia đình phải đi xứ khác làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả nợ. Riêng gia đình tôi trồng khoảng 7 sào tiêu và cũng bị chết gần hết, hiện còn nợ ngân hàng khoảng 150 triệu đồng, chưa biết lấy nguồn gì để trả nợ.

Gia đình bà Đặng Thị Bích Châu cũng còn nợ ngân hàng và người thân đến 300 triệu đồng. Bà Châu cho biết: Để trang trải cuộc sống, kiếm tiền trả dần số nợ trên, chồng tôi phải đi làm mướn nơi xa. Trong khi trước đây, lúc tiêu còn có giá, vợ chồng tôi chỉ chăm sóc vườn tiêu là đủ sống.

Theo ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, cây tiêu trên địa bàn xã Sơn Thành Tây phát triển hơn 10 năm nay. Đầu năm 2017, tổng diện tích trồng tiêu trên toàn xã khoảng 462ha. Sau đó, mưa kéo dài cộng với bão số 12 cuối năm 2017 đã làm hơn 175ha tiêu trên địa bàn bị chết trắng. Đến nay, toàn xã chỉ còn khoảng 265ha tiêu; trong đó có 160ha còn cho khai thác kinh doanh, nhưng hơn 100ha tiêu đã bị bệnh, chết dần chết mòn.

“Cây tiêu được địa phương xem là loại cây trồng chủ lực, mấy năm trước loại cây này đã giúp nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, tiêu vừa bị ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, vừa ảnh hưởng giá cả xuống thấp nên nhiều gia đình gặp khó khăn. Xã Sơn Thành Tây kiến nghị tỉnh và huyện hỗ trợ người địa phương có giải pháp điều trị hiệu quả bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu và có định hướng chuyển đổi một số diện tích tiêu bị chết sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Hải nói.

ANH NGỌC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang