• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu gạo: Dấu ấn từ lượng sang chất

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 09/10/2018
Ngày cập nhật: 11/10/2018

Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn khi các phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao chiếm áp đảo trong các phân khúc xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa giá trị hạt gạo Việt Nam tăng và tạo được uy tín trên thương trường.

Nông dân ĐBSCL bắt đầu tập trung trồng các giống lúa thơm - lúa chất lượng cao.

Trong bối cảnh biến động khí hậu đang tác động mạnh đến vùng trồng lúa, việc chuyển đổi sản xuất từ nặng về số lượng chuyển sang nâng cao giá trị được xem là một cách thích ứng.

Thay gạo phẩm cấp thấp bằng gạo thơm

Đến đầu tháng 9-2018, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch dứt điểm 1,6 triệu héc-ta lúa Hè thu. Đồng thời, nông dân một số vùng Hậu Giang, Cần Thơ đã bắt đầu thu hoạch lúa Thu đông. “Gia đình vừa thu hoạch 1ha lúa Thu đông. Thương lái đến tận ruộng mua liền tay với giá 5.100 đồng/kg. Đây là mức giá cao. Tính ra gia đình cũng đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng”, anh Trần Văn Khuyên, nông dân ở thị xã Long Mỹ, cho biết. Điều đáng ghi nhận là nhiều nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao bán trên 6.000 đồng/kg lúa. Có thể nói, bước tiến của việc sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao của nông dân ĐBSCL là một kỳ tích trong 30 năm qua.

Năm 2012, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, gạo trắng chất lượng trung bình và thấp chiếm đến 40%, hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15%. Gạo thơm từ chỗ chiếm 7,5% năm 2012, thì năm 2017 đã tăng vọt lên chiếm 33,6%, những tháng đầu năm 2018 chiếm 37,4%. Đây là một bước chuyển quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Tìm đầu ra cho nông sản có giá trị xuất khẩu cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn. Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý - không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”, GSTS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định.

Được biết ngày 10-10, tại Hà Nội sẽ diễn ra hội nghị Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Đây được xem là một hội nghị quan trọng khi có nhiều chuyên gia quốc tế và các đối tác nhập khẩu tìm hiểu sâu hơn về gạo Việt. Đây cũng là dịp để các doanh nhân trong lĩnh vực xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giới thiệu những bước tiến vượt bậc của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

“Có thể nói trong thời gian qua, VFA cũng chịu áp lực rất lớn từ người dân trồng lúa và chính phủ. Vấn đề nổi lên là làm sao để nông dân sản xuất có lợi nhuận và sống được với nghề trồng lúa. Nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp trong VFA”, đại diện VFA cho biết.

Tăng giá trị bù diện tích giảm

Theo VFA, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,3 triệu tấn gạo, trị giá trên 2 tỉ USD, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 275,9 USD/tấn. Trong 3 năm gần đây, câu chuyện lúa hàng hóa ùn ứ do bị nghẽn khi tiêu thụ vào chính vụ đã không còn xảy ra. Lý giải điều này, có thể nói một cách đơn giản là “cái bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân để trồng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm để đa dạng các phân khúc xuất khẩu gạo là hướng đi đúng. Trong 5 năm qua, cái câu tay “giữa nhà khoa học, nhà xuất khẩu và nhà nông” đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản của nghề trồng lúa và xuất khẩu gạo Việt Nam. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường mà các doanh nghiệp cũng đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Điển hình là nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Gentraco… đã đầu tư các giống lúa thơm, chất lượng cao gắn với bao tiêu cho nông dân.

Để làm được điều này, những doanh nghiệp như Lộc Trời, Gentraco… đã cử đội ngũ cán bộ kinh doanh và kỹ thuật đã xuống tận ruộng để đặt hàng và hướng dẫn nông dân trồng lúa đạt các tiêu chuẩn khắt khe. Đây là những công đoạn quan trọng mà chúng tôi tự tin khẳng định với các bạn là có thể đáp ứng đa dạng các yêu cầu từ các thị trường, nhất là phân khúc gạo thơm và chất lượng cao. Cả nông dân Việt Nam và VFA đều ý thức được, ngành lúa gạo Việt Nam đang đối diện với những thách thức rất lớn. Trong đó, diện tích trồng lúa có thể giảm mạnh và chịu sự tác động rất lớn do biến đổi khí hậu và môi trường (hạn hán, xâm nhập mặn), công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tại ĐBSCL, vụ lúa Thu đông hiện nay do lũ lớn chỉ sản xuất 534.000ha, giảm hơn 200.000ha so với kế hoạch. Xuất khẩu gặp nhiều cạnh tranh từ các nước xuất khẩu tiềm năng; giá xuất khẩu gạo có biến động thường xuyên và rủi ro cao làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Song, với sự thay đổi tích cực trong trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao, nông dân trồng lúa và các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đủ năng lực để vượt qua các khó khăn, thử thách trong thời gian tới và duy trì ổn định tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo. Việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu gieo trồng tại một số vùng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, cải thiện hiệu quả xuất khẩu và lợi nhuận của người trồng lúa. Trong khi diện tích trồng lúa giảm, tập trung vào các giống lúa cho gạo có phẩm chất dinh dưỡng là chiến lược cần phải tiếp cận. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, dinh dưỡng tốt sẽ là hướng đi tương lai của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Bài, ảnh: CAO PHONG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang