• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Giang: Kỳ vọng từ mô hình chè hữu cơ đầu tiên

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 20/09/2018
Ngày cập nhật: 21/9/2018

Huyện Yên Thế ngoài “đặc sản” gà đồi thơm ngon, còn được biết đến với sản phẩm chè xanh nổi tiếng. Đây là vùng chè lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, đã và đang có những bước chuyển mới trong phương thức sản xuất, phát huy được tiềm năng lợi thế vùng và nâng chất lượng sản phẩm lên tầm mới.

Mở hướng

Gắn bó hàng chục năm với người dân địa phương, chè đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Tam Tiến… Ban đầu chỉ là những vườn chè nhỏ vài hộ trồng, thấy hiệu quả dần dần mở rộng thành nhiều hộ với diện tích lên tới chục ha rồi trăm ha, nay là vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô 515ha toàn huyện Yên Thế, nhiều nhất ở xã Xuân Lương 245ha, Canh Nậu khoảng 55ha… Tuy nhiên phương thức trồng chè chủ yếu là canh tác truyền thống, năng suất và chất lượng chè chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vùng. Trong đó có số ít hộ sản xuất chè theo VietGAP, một số hộ sử dụng phân bón sinh học và thuốc trừ sâu sinh học do doanh nghiệp, công ty hỗ trợ để sản xuất chè hữu cơ nhưng là mô hình tự phát, quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Hiểu điều này, tháng 4/2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Thế thực hiện mô hình liên kết sản xuất chè hữu cơ quy mô 09 ha tại hai xã Xuân Lương và Canh Nậu. 36 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ sinh học của Bỉ và 50% thuốc trừ sâu sinh học; được tập huấn kỹ thuật về sản xuất chè hữu cơ.

Đây là mô hình sản xuất chè hữu cơ đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được thực hiện bài bản trên quy mô lớn, tập trung

Anh Hoàng Văn Hà ở bản Ven, xã Xuân Lương tâm sự, khi mới tham gia mô hình gia đình thấy rất khó khăn. Vốn quen với phương thức canh tác tự do bao đời, trồng chè phải bón phân lân hóa học, phun thuốc trừ sâu thì chè mới có năng suất nhưng nay không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân kích thích mà phải chăm sóc chè theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn, rạch rãnh đúng kích thước, bón phân theo ngày quy định, đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất bán, thiết nghĩ khó có thể hiệu quả. “Song nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn tỉ mỉ của cán bộ khuyến nông, từng bước, từng bước… tôi cùng nhiều hộ dân trong bản đã hiểu và thấy được lợi ích thực sự của phương thức canh tác chè hữu cơ. Giờ đây khi ra đồng về chúng tôi không còn cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, thay vào đó là cảm giác khoan khoái, an toàn bởi phân bón và thuốc trừ sâu sử dụng đều có nguồn gốc sinh học. Thời gian tới tôi tiếp tục mở rộng phương thức canh tác mới này sang diện tích chè còn lại.” – anh Hà khẳng định.

Còn tại xã Canh Nậu có anh Hoàng Văn Đương sản xuất 2ha chè, khi tham gia mô hình ngoài lợi ích về môi trường, anh còn thấy rõ hiệu quả kinh tế. Trước đây trung bình 1 năm anh thu 4 - 5 tấn chè khô, giá bán bình quân từ 100 - 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 350 triệu đồng. Nay qua 1 lứa áp dụng phương thức canh tác hữu cơ giúp năng suất chè tăng nhẹ nhưng giá bán cao gấp rưỡi, sản phẩm thu hoạch đến đâu có khách đặt đến đó nên anh Đương rất phấn khởi. Dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ đạt trên 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, đây là mô hình sản xuất chè hữu cơ đầu tiên của tỉnh được thực hiện bài bản trên quy mô lớn tập trung, có phương pháp hướng dẫn cụ thể, có theo dõi, đánh giá và tổng kết theo một quy trình nhất định. So với phương thức sản xuất chè truyền thống, mô hình sản xuất chè hữu cơ tăng hơn 12 triệu đồng/ha/lứa và có ý nghĩa lớn về hiệu quả xã hội. Mô hình mở hướng giúp nông dân địa phương tiếp cận được phương thức sản xuất chè hữu cơ và từng bước mở rộng diện tích này; tuyên truyền để người dân xung quanh cùng làm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Phát triển

Điều đáng nói là chè hữu cơ khi pha nước xanh trong, hương thơm tự nhiên, uống có vị chát dịu, ngọt và có hậu nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Minh chứng là sự đồng tình đánh giá của gần 50 đại biểu tham dự Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất chè hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang tổ chức tại xã Xuân Lương ngày 11/9 ,khi thưởng thức nước uống chè hữu cơ thanh mát, an toàn tại hộ anh Hoàng Văn Hà. Và càng yên tâm hơn khi chúng tôi được tận mắt chứng kiến chị vợ anh Hà đều đặn xúc từng mẻ chè vào bếp củi quay lấy hương tự nhiên mà không sử dụng bất kỳ một loại phụ gia nào để tạo màu. Công đoạn này đòi hỏi người “thợ” phải chú ý thời gian, nếu quá chè sẽ đắng, nếu chưa tới thì chè không thơm. Theo kinh nghiệm gia đình anh Hà thì mỗi mẻ nên quay từ 15 - 20kg chè trong vòng 30 phút là chè sẽ “đủ độ”, chè vừa có màu xanh nhẹ uống vừa thơm và vị ngọt đậm.

Theo anh Nông Văn Tám – cán bộ khuyến nông xã Xuân Lương thì hiện nay sản xuất chè ở địa phương đã trở thành một “nghề” và đang phát triển theo hướng chuyên canh tập trung. Mô hình sản xuất chè hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông thực hiện đã giúp nông dân nắm rõ quy trình kỹ thuật một cách bài bản, khoa học và sản xuất an toàn. Thời gian tới anh Tám tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu, cung cấp thuốc trừ sâu và phân bón sinh học cho người dân thôn, bản mở rộng diện tích sản xuất chè hữu cơ, chè VietGAP; tiếp tục phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đưa hệ thống tưới nước tiết kiệm vào sản xuất chè theo Đề án nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hóa của huyện Yên Thế giai đoạn 2016 - 2020; liên kết với Hợp tác xã Thân Trường bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân địa phương, tạo đầu ra ổn định.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, hiện nay trên địa bàn Yên Thế đã được công nhận 03 nhãn hiệu sản phẩm chè là Chè xanh bản Ven, Trà sạch Thảo Xuyên và Trà Thiên Lộc. Huyện đang tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020; mở rộng diện tích sản xuất chè theo VietGAP. Tuy nhiên để sản phẩm chè vươn ra hơn nữa trên thị trường, nhất là chè hữu cơ thì cần có sự vào cuộc tích cực nhiều hơn nữa của các cấp, ngành và địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện, tuyên truyền, xúc tiến thương mại…

Thanh Phúc - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang