• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bí xanh thơm Bắc Cạn đang ‘bí’ đầu ra

Nguồn tin: Báo Nhân Dân, 19/08/2018
Ngày cập nhật: 21/8/2018

Tổ hợp tác xã Địa Linh đang tồn khoảng 100 tấn quả.

Bí xanh thơm ở Bắc Cạn có hương thơm đặc trưng khi nấu và được người dân huyện Ba Bể trồng nhiều năm nay. Với năng suất cao, cây bí xanh thơm góp phần giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, vụ 2018, khi diện tích tăng, nhưng sản phẩm bí xanh thơm đang “bí” đầu ra, mỗi hộ trồng đang tồn hàng tấn quả.

Vụ 2017, gia đình ông Dương Văn Biên, thôn Nà Đúc, xã Địa Linh, huyện Ba Bể trồng hai bung (2.000m²) bí xanh thơm trên đất ruộng. Cây năng suất cao, quả chất lượng tốt nên tiêu thụ ổn định, thu lãi vài chục triệu đồng. Năm 2018, gia đình ông tiếp tục duy trì trồng hai bung, tăng cường chăm sóc theo kỹ thuật được hướng dẫn nên thu hoạch được hơn 12 tấn quả. Tuy nhiên, sản phẩm nhiều lại không bán được. Ông cho biết, bằng giờ này năm ngoái, bí quả đã bán gần hết, nhưng năm nay dù bán giá chỉ từ bốn nghìn đến sáu nghìn đồng/kg nhưng cũng không có người mua. Trong nhà ông hiện vẫn còn trên hai tấn quả đã thu hoạch về nhưng chưa bán được.

Khó khăn tương tự diễn ra ở Tổ hợp tác bí xanh thơm xã Địa Linh. Với 35 thành viên là hộ gia đình, trung bình mỗi hộ trồng 2.000m², vụ này năm tổ thu về gần 200 tấn quả. Không thể để quả lâu ngoài ruộng khi đã đến kỳ thu hoạch, từng thành viên thu về chất đống, bảo quản trong nhà. Tổ trưởng Tổ hợp tác Vi Thị Lọc trăn trở, từ đầu vụ đến giờ, hầu như không có tư thương đến thu mua như mọi năm, mỗi thành viên trong tổ hiện tồn từ ba đến năm tấn quả. Giá bán trung bình bí xanh thơm thời cao điểm được 15 nghìn đồng/kg, nếu cứ tồn thế này, thành viên trong tổ có nguy cơ mất đứt vài trăm triệu đồng.

Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh cho biết, đơn vị tích cực hỗ trợ các thành viên và các hộ trồng bí xanh thơm tìm đầu ra. Từ đầu vụ tới nay, đã thu mua trên 20 tấn cho bà con. Tuy nhiên, bản thân đơn vị, khi thu mua về rồi cũng khó tiêu thụ được bí quả. Do vậy, cũng rất khó tiếp tục bao tiêu cho sản lượng bí còn lại.

Hàng tấn quả bí tồn chưa bán được bảo quản tạm trong nhà ở xã Yến Dương.

Năm nay, huyện Ba Bể trồng 40 ha bí xanh thơm, tăng hơn 10ha so với năm 2017, chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh, Hà Hiệu, Cao Trĩ. Theo người dân, những năm trước, toàn huyện trồng khoảng hơn 20 ha thì không đủ cung cấp cho thị trường, bí xanh thơm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Hai năm trở lại đây, diện tích tăng lên, sản lượng nhiều, việc tiêu thụ trở nên khó khăn. Ngoài ra, từ đầu vụ, huyện Ba Bể đã chủ động giới thiệu một số đơn vị đến ký cam kết bao tiêu với giá ổn định cho bà con, nhưng người trồng không muốn ký vì suy nghĩ tự tiêu thụ được và với thời gian bảo quản dài thì cuối vụ giá sẽ cao hơn. Kết quả, không chỉ tiêu thụ khó mà đến giá bán hiện chỉ còn được từ năm đến bảy nghìn đồng/kg, thấp hơn khoảng năm nghìn đồng so với năm trước. Sản lượng vụ này đạt 2.600 tấn thì hiện còn tồn hơn 600 tấn trong nhà các hộ trồng.

Quả bí xanh thơm nếu được bảo quản tốt trong điều kiện thoáng mát sẽ để được tối đa bốn tháng, nếu ẩm thấp chỉ để được gần hai tháng. Do đó, nguy cơ hàng trăm tấn bí quả bị thối, hỏng, nhất là khi thời tiết đang mưa nhiều như hiện nay là hiện hữu với người trồng. Để tránh một vụ thất bát, nhiều hộ dựng lán, bày bán bí dọc đường 258B từ TP. Bắc Cạn đi Ba Bể. Tuy nhiên, lượng bán được ít, chủ yếu là khách qua đường, mua số lượng không đáng kể.

Người dân bày bán bí dọc đường để vớt vát công, vốn đã bỏ ra nhưng cũng không được bao nhiêu.

Được biết, thời gian qua, huyện Ba Bể đã đầu tư vốn, hỗ trợ người dân canh tác cây bí xanh thơm nhằm hướng tới xây dựng một sản phẩm nông sản theo quy trình sạch, an toàn, đặc trưng của huyện. Nếu được giá, doanh thu có thể đạt hơn 200 triệu đồng/ha. Huyện đưa bí xanh thơm xuống các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội giới thiệu, quảng bá nhằm mục tiêu đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.

Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Cao Minh Hải cho biết, để hỗ trợ bà con, huyện đã chỉ đạo, giới thiệu một số hợp tác xã, doanh nghiệp tới trao đổi, kết nối tiêu thụ số lượng bí còn tồn tới các khu công nghiệp lớn ở tỉnh Thái Nguyên. Về lâu dài, huyện chỉ đạo giữ ổn định diện tích từ vụ tới; tuyên truyền, vận động bà con cam kết tiêu thụ với các hợp tác xã, doanh nghiệp ngay từ đầu năm; kiên quyết không mở rộng diện tích nếu như chưa tìm được đầu ra ổn định.

TUẤN SƠN - HƯƠNG LIỄU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang