• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triệu phú nông dân vùng ven đô thị

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long, 18/10/2018
Ngày cập nhật: 20/10/2018

Luôn chí thú làm ăn để vươn lên nên thời gian qua, nhiều nông dân TP Vĩnh Long đã trở thành triệu phú. Theo kinh nghiệm của các nông dân này, làm nông nghiệp ở đô thị không khó nếu biết tận dụng các lợi thế sẵn có.

Đồng thời, ở đô thị thì càng không thể “an phận” mà cần luôn “vận động” vươn lên, kiểu như “có một đồng thì lại nghĩ cách có thêm một đồng và… nhiều hơn thế nữa”.

Triệu phú vùng ven

Sau nhiều năm “trải nghiệm” nghề nông như nuôi heo, trồng rẫy… nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2012, nhận thấy hoa cúc Tiger đang được thị trường ưa chuộng, anh Võ Văn Trang (sinh năm 1973, ở ấp Tân Vĩnh, xã Trường An) lên TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) học hỏi kỹ thuật và mua 500 cây giống về trồng. Thu hoạch vụ bông đầu tiên, anh lời trên 2 triệu đồng.

Vườn bông hộ anh Trang luôn có trên 10.000 cây, từ đầu năm đến nay giá không dưới 10.000 đ/cây.

Nhận thấy trồng hoa chỉ tốn diện tích nhỏ nhưng hiệu quả cao, lại có thể lấy ngắn nuôi dài, nên anh tăng dần số lượng. Hiện ngoài vườn luôn có hơn 10.000 cây bông.

Mỗi tháng, anh xuống đều đặn 2 đợt, 2.000 cây/đợt, riêng các dịp rằm, lễ, tết thì số lượng tăng hơn. Anh Trang cho biết, hiện anh trồng 10 công vườn (hơn 2 công đất nhà, còn lại là đất thuê, mượn tạm), trong đó, có 4 công trồng hoa, số còn lại trồng ổi nữ hoàng xen nhãn Ido (Edor)...

Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm, trong đó, nhiều nhất là từ hoa cúc với hơn 200 triệu đồng. Anh Trang cho biết thêm, bông được nhổ hàng ngày mang ra chợ Trường An bán lẻ và giao mối ở các chợ TP Vĩnh Long, Long Hồ, Đồng Tháp, Tiền Giang,...

Thời điểm này, một công ty công ích đô thị đã đặt hàng ngàn chậu hoa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2019, bên cạnh, một số hộ gia đình cũng đã “dặn” hàng tết, có hộ đặt vài chục chậu. Ngoài trồng bông và cây ăn trái, hiện anh Trang đang mở rộng làm thêm nhà lưới để trồng rau an toàn.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm lúa, cuộc sống rất khó khăn, sau khi lập gia đình ra riêng, anh Trương Bảo Quốc (sinh năm 1976, ấp Tân Quới Hưng, xã Trường An) bươn chải kiếm sống và làm đủ thứ nghề như phụ hồ đến rải phân, sạ lúa, xịt thuốc mướn,…

Năm 2001, được sự giúp đỡ gia đình, anh mua vỏ lãi cùng người em vợ rong ruổi các tỉnh- thành ở ĐBSCL mua xoài lá xử lý ra trái bán kiếm lời. Tiếp cận nhiều mô hình làm ăn hay, trong đó anh tâm đắc khi thấy nhiều nông dân trồng cam sành thu nhập cao nên nuôi ý định “lên bờ” trồng cam.

Sau khi tích cóp được một số vốn, anh “lên bờ” chuyển 3 công ruộng trồng lúa của gia đình sang làm vườn, nhưng do chưa có đê bao kiên cố, nước ngập nên anh chuyển hướng trồng chanh.

Năm 2014, một người bạn cùng xóm có 1,1ha đất trồng nhãn kém hiệu quả rủ anh “hợp tác” trồng cam sành, lợi nhuận “ăn chia”. Hàng ngày, ngoài thời gian chăm sóc vườn, anh Quốc “đầu tư” thời gian tìm hiểu nguyên nhân cam hay bị bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá gân xanh…

Hiện, anh Quốc đang trồng 19 công vườn cây ăn trái: 11 công cam sành và 8 công xoài Đài Loan. Theo đó, cam cho thu hoạch khoảng 30 tấn trái/năm, xoài khoảng 8- 9 tấn/đợt, mỗi năm từ 2- 2,5 đợt; trừ chi phí, anh còn lời vài trăm triệu đồng/năm.

Bà Trần Lệ Xuân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An- cho biết: Xã hiện có 248,5ha đất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều nông dân trong xã tận dụng diện tích đất nông nghiệp để chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đạt trên 100 triệu đồng/năm như hộ Nguyễn Văn Đông trồng ấu, hoa kiểng; hộ Nguyễn Văn Trắc làm ruộng, trồng hoa, chăn nuôi bò; hộ Lê Phúc Thanh trồng nấm bào ngư; Lê Minh Thành, Lê Minh Thư nuôi cá sấu, ba ba...

Trong đó, hộ Võ Văn Trang và Trương Bảo Quốc là 2/3 nông dân của xã được biểu dương nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố vừa qua.

“Có một đồng, nghĩ cách kiếm thêm đồng nữa...”

Vườn xoài Đài Loan vàng giá bán bình quân 42.000 đ/kg của hộ anh Quốc.

Theo Hội Nông dân TP Vĩnh Long, thành phố hiện còn khoảng 2.500ha đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây ăn trái hiện có gần 1.600ha, trồng các loại cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: chanh, quýt, thanh long, mít nghệ, ổi, dừa xiêm, cam sành, xoài, và các loại rau màu như hẹ, dưa hấu, hoa…

Diện tích đất nông nghiệp của thành phố chủ yếu tập trung ở 4 xã vùng ven là Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa và Tân Hội. Thời gian qua, nông dân thành phố ngày càng ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, xây dựng được các mô hình nông nghiệp phù hợp, có giá trị kinh tế cao…

Sau nhiều năm gắn bó với cây cam sành, anh Quốc đúc kết, nhiều nhà vườn ăn nên làm ra cũng nhờ trồng cam sành, nhưng cũng không ít người trồng thất bại dẫn đến nợ nần.

Cho thấy, khi chọn được cây trồng vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao, cũng cần nắm vững kỹ thuật, đặc tính sinh học... để hạn chế rủi ro, khi cần thì chuyển đổi sang cây khác.

Anh Quốc cho biết thêm, trước đây anh chọn trồng cam và xoài vì 2 loại này cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, gần đây, giá cam sành không ổn định, như hiện nay rớt xuống chỉ còn 5.000 đ/kg nên dự định chuyển dần sang loại cây trồng khác đang có triển vọng hơn.

“Nắm trong tay” 19 công vườn đòi hỏi nhiều công chăm sóc, thu hoạch nhưng anh Quốc xởi lởi: “Vợ chồng tôi làm xuyên suốt, chỉ khi nào cao điểm tôi mới thuê người làm phụ nhưng “làm riết quen rồi, không thấy cực”.

Hiện kinh tế gia đình đã khá hơn trước đây nhưng tôi không cho rằng đã đủ, có một đồng thì phải nghĩ cách kiếm thêm một đồng. Muốn kiếm nhiều tiền thì không thể nào sợ khó khăn, vất vả”.

Tương tự hộ anh Quốc, vợ chồng anh Trang vừa chăm sóc ổi nữ hoàng, nhãn Ido, vừa trồng- chăm sóc- nhổ bông- giao hàng và tự mang ra chợ bán lẻ hàng ngày “từ lúc nửa đêm”.

Tuy nhiên, anh Trang tươi cười: “Tôi trồng bông thì thấy dễ bán vì đô thị có nhiều chợ và người mua bán, kinh doanh nhiều… nên nhu cầu chưng bông nhiều.

Không chỉ trồng bông, theo tui thì làm nông nghiệp ở đô thị có nhiều thuận lợi như: đường sá thuận tiện, hàng hóa làm ra dễ tiêu thụ…

Tuy nhiên, cần chịu khó chớ không nên an phận. Chẳng hạn, ở cồn Chim này, một người có đất trống cho nông dân gieo trồng giữ đất dùm, đây cũng là cách để kiếm tiền nên rất cần tận dụng.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang