• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Phát triển các mô hình sản xuất đa canh: Giảm rủi ro, tăng thu nhập

Nguồn tin:  Báo Phú Yên, 19/07/2018
Ngày cập nhật: 21/7/2018

Người dân có thu hoạch ổn định từ sản xuất đa canh. Trong ảnh: Gia đình ông Ngô Quang Sang thu hoạch sắn. Ảnh: THỦY TIÊN

Thời gian qua, nông dân trong tỉnh Phú Yên tập trung phát triển mạnh các mô hình sản xuất đa canh. Loại hình sản xuất này giúp bà con đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phát huy hết những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, chia nhỏ rủi ro, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và ổn định sản xuất.

Nhiều ưu thế

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng cho biết: Với mục tiêu giúp bà con đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất đa canh, xen canh giữa cây trồng, vật nuôi với nhau để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cụ thể, huyện Phú Hòa đã triển khai các mô hình chăn nuôi khép kín như trồng cỏ, nuôi bò, nuôi gà, trùn quế và trồng lúa. Ông Nguyễn Tấn Thịnh ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết: Hiện gia đình tôi trồng 2 sào cỏ để nuôi bò, số phân bò tôi thu gom lại nuôi trùn quế làm thức ăn nuôi gà, phân trùn quế tôi đem bón ruộng sản xuất các loại rau và lúa. Khi áp dụng mô hình này, chất thải trong quá trình chăn nuôi đều được tận dụng hết.

Hiện gia đình tôi có 4 con bò sinh sản và 3 con bò thịt, đàn gà thả vườn gần 200 con, trồng được 2 sào rau ăn lá và 5 sào lúa nước. Bình quân, mỗi năm thu nhập được khoảng 100 triệu đồng từ mô hình sản xuất đa canh này. Còn theo ông Trần Văn Sáu ở xã Hòa Quang Bắc, hiện gia đình ông tận dụng tán rừng keo để thả nuôi hơn 100 con dê. Dê có thể ăn các loại lá cây bụi rậm dưới tán rừng. Ngoài nuôi dê, ông còn vây lưới thả nuôi được hơn 100 con gà ta. Bình quân mỗi năm từ nuôi dê và gà ông có thu nhập gần 100 triệu đồng, đủ chi phí trang trải cho gia đình, còn rẫy keo 5 năm thu hoạch một lần thu về khoảng 200 triệu đồng.

Tương tự, tại huyện miền núi Sông Hinh, người dân địa phương này cũng đang đẩy mạnh các mô hình sản xuất đa canh với sự kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ nông nghiệp. Bà Lê Thị Loan ở xã Ea Bá cho biết: Trước đây, gia đình tôi dành hết 5ha đất rẫy để trồng sắn; nếu năm nào sắn được giá thì có nguồn thu, còn sắn mất giá thì sạch tay.

Từ khi chuyển sang mô hình sản xuất đa canh, trên diện tích đất này ở những vùng cao, thường xuyên thiếu nước tôi trồng cao su, dưới tán trồng xen cây mè. Ở khu vực thấp, tôi trồng lúa và đào ao hơn 500m2 trồng sen, nuôi cá kết hợp nuôi bò và gà. Mô hình này giúp tôi tận dụng hết những lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, ổn định thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Đối với tôi bây giờ, câu chuyện được mùa, mất giá không còn nặng nề như trước vì thu nhập có từ nhiều nguồn và nhiều loại sản phẩm khác nhau, bổ trợ nhau.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, địa phương đang đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Tuy nhiên, địa phương vận động người dân không độc canh một loại cây nào mà áp dụng các mô hình xen canh, luân canh kết hợp chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài và giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, giá cả. Tiêu biểu như các mô hình trồng sắn, mè xen dưới tán rừng keo, bạch đàn, cao su; trồng đậu xanh xen mía; nuôi bò, gà dưới tán rừng...

Góp phần ổn định sản xuất

Với những ưu thế vượt trội nên người dân các vùng nông thôn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất theo mô hình đa canh, góp phần đáng kể vào việc ổn định sản xuất nông nghiệp, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, những năm gần đây, người dân đẩy mạnh việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi vào sản xuất nên hoạt động sản xuất tại địa phương dần đi vào ổn định. Tình trạng ồ ạt trồng khi được giá và đồng loạt phá bỏ khi mất giá đã giảm. Nếu như lúc trước, trên địa bàn, sắn là cây trồng chủ lực và gần như là loại cây chuyên canh của nhiều vùng thì nay, bà con phân chia diện tích canh tác, vừa trồng sắn, trồng mía, trồng rừng kết hợp với xen canh các loại cây họ đậu như đậu phộng, bắp...

Ông Ngô Quang Sang ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Trước đây, tôi chỉ chuyên trồng sắn và mía. Khi sắn được giá thì trồng sắn, đến khi mất giá thì chuyển sang trồng mía, quanh năm suốt tháng cứ chạy theo vòng luẩn quẩn trồng rồi phá, phá rồi trồng, sản xuất mà không có định hướng. Từ khi được các ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn, gia đình tôi áp dụng mô hình sản xuất đa canh cây trồng và ổn định sản xuất cho đến nay. Hiện nhà tôi trồng được 3ha sắn, 2ha keo và 2ha mía. Không chỉ chuyên canh 3 loại cây này, tôi còn trồng xen đậu phộng trong rẫy sắn. Bình quân, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng: Thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo cho các chi cục, Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, triển khai thêm nhiều mô hình điểm hướng dẫn bà con thực hiện sản xuất theo phương thức sản xuất đa canh để tận dụng hết những ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình... góp phần giảm thiểu rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang