• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp - một năm nhìn lại

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 11/01/2018
Ngày cập nhật: 12/1/2018

Khép lại năm 2017 nhiều khó khăn, song kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà vẫn tiếp tục phát triển với những kết quả đáng trân trọng. Đáng chú ý là trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), tinh thần hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ có sự chuyển biến tích cực. Hơn nữa, vai trò chủ thể của người dân được phát huy trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Sản phẩm nhãn của tỉnh nhà từng bước chinh phục được các thị trường khó tính

Thực hiện Đề án TCCNN, trong năm qua, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả. Phải nhắc đến là mô hình sử dụng phân bón thông minh; cài vùi phân bón; cấy lúa bằng máy ở huyện Tam Nông và Tháp Mười; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Hồng Ngự cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa từ 300 - 600 đồng/kg. Song song đó, với sự tham gia liên kết tiêu thụ của các doanh nghiệp, kết hợp hỗ trợ xây dựng nhiều nhãn hiệu gạo đã góp phần ổn định giá lúa, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Ước tổng giá trị sản xuất ngành hàng lúa cả năm đạt 14.900 tỷ đồng, giảm 4,16% so với năm 2016.

Đối với cây ăn trái, cùng với việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện công nghệ tưới nước tự động để giảm chi phí sản xuất, nông dân trong tỉnh còn thực hiện mô hình sản xuất rải vụ để điều hòa sản lượng cung cấp cho thị trường.

Chỉ tính riêng mô hình canh tác rải vụ đối với cây xoài đã giúp người dân bán giá cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 -2 lần, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài cả năm ước đạt 1.546 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2016. Từ những thay đổi tích cực của nông dân đã đưa một số loại trái cây (xoài, nhãn, quýt đường...) của tỉnh xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ...

Đặc biệt, năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng thực hiện, từ đó giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Tiêu biểu như mô hình ứng dụng giống chuyển đổi gen trên cây bắp cho hiệu quả kháng sâu rất tốt so với giống bắp không chuyển gen; mô hình ứng dụng công nghệ trồng nấm rơm sạch trong nhà kín giúp nâng cao chất lượng, năng suất tăng gấp 2 lần so với trồng nấm ngoài trời; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thanh Bình của Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp (Ecofarm Đồng Tháp)...

Sản xuất rau sạch ở Hợp tác xã Rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá thuận lợi, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt là mô hình nuôi vịt rọ được nhân rộng thay thế phương thức nuôi chạy đồng, giúp kiểm soát dịch bệnh và giảm tỷ lệ hao hụt, giá thành sản xuất giúp người nuôi thu lãi cao. Hiện đã có một hộ chăn nuôi vịt ở huyện Tháp Mười được Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc, đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường rộng lớn này. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị sản xuất ngành hàng vịt cả năm đạt 650 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2016.

Đến nay, mô hình hội quán trong nhân dân từng bước phát huy hiệu quả trong ý thức liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, thông tin nhu cầu thị trường và giải quyết các vấn đề xã hội trên tinh thần tự nguyện. Hiện toàn tỉnh đã thành lập 26 hội quán gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương.

Ở lĩnh vực kinh tế hợp tác, với vai trò nòng cốt là hợp tác xã (HTX) được tỉnh quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Chương trình xây dựng NTM đã đi vào cuộc sống khi vai trò chủ thể, tính tự lực, tự cường, tinh thần hợp tác của người dân ngày càng được phát huy với nhiều mô hình tương trợ đã và đang thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, người dân đã tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông thôn và tham gia bàn, quyết định những vấn đề của địa phương.

Nổi bật trong năm qua là Đồng Tháp triển khai thí điểm mô hình cộng đồng dân cư tham gia xây dựng NTM (thí điểm tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh và xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh) nhằm phát huy tốt nhất tinh thần làm chủ của người dân trong giải quyết các vấn đề chung của xã hội, bắt đầu từ việc nhỏ, đơn giản nhưng mang tính cấp thiết như: tham gia trồng, chăm sóc hoa, cây xanh trên các tuyến đường chính của xã, thực hiện công trình thắp sáng đường quê, xây dựng công trình giao thông theo cơ chế đặc thù... Toàn tỉnh có 32 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 36/119 xã đạt tiêu chí NTM (tăng 4 xã so với cuối năm 2016). TP.Sa Đéc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và TCCNN, thời gian qua, Đề án TCCNN được triển khai đúng hướng, nhất là áp dụng các quy trình sản xuất giảm giá thành đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, theo cách tính tăng trưởng kinh tế hiện nay thì phần lợi nhuận tăng thêm mà người dân trực tiếp thụ hưởng không được tính vào lĩnh vực nông nghiệp, do đó GRDP khu vực I chỉ ước tăng 1,81% so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà còn gặp một số khó khăn liên quan đến thời tiết diễn biến cực đoan. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Đồng Tháp đạt kết quả cao hơn năm trước nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với sản lượng toàn tỉnh. Ngoài ra, diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP còn thấp, việc khai thác giá trị nhãn hiệu nông sản chưa được quan tâm đúng mức; các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được nhân rộng...

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả Đề án TCCNN trong năm 2018, ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh định hướng, phải tập trung tháo gỡ 2 nút thắt là “chi phí cao” và “chất lượng kém”. Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp thực hiện đổi mới công tác khuyến nông vào ngành hàng cụ thể tại địa phương theo tiêu chí chi phí thấp, chất lượng cao; phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện chế biến cây ăn trái nhằm tạo đầu ra ổn định, tăng giá trị gia tăng, khắc phục tính thời vụ của nông sản, tạo cơ sở để cây ăn trái mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện Logistics trong nội bộ ngành nông nghiệp, giữa ngành nông nghiệp với ngành khác có liên quan.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành sẽ tập huấn và tập huấn bổ sung kiến thức cho cán bộ, công chức ngành nông nghiệp về kỹ thuật canh tác, kinh tế thị trường để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, ngành nông nghiệp tập trung củng cố và phát triển 9 HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả trong 3 lĩnh vực: lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Thảo Vy

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang