• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Dương: Nhiều thương hiệu nông nghiệp sản xuất sạch!

Nguồn tin:  Báo Bình Dương, 9/6/2018
Ngày cập nhật: 11/6/2018

Theo định nghĩa của chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn (SXSH) là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Trên thế giới, hầu hết các nước có chương trình SXSH và hỗ trợ tại chỗ cho doanh nghiệp công nghiệp. Trong nông nghiệp, bắt đầu từ năm 1997 các nhà bán lẻ châu Âu đã thành lập Hiệp hội EUROP-GAP (Good Agricultural Practice = GAP: Thực hành Nông nghiệp tốt) với mục tiêu thỏa thuận về các tiêu chuẩn và thủ tục nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn. Mỗi nước có thể xây dựng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững của mình dựa theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay đã có US-GAP (của Mỹ), EUROP-GAP (của châu Âu) ASEAN-GAP (của Hiệp hội các nước Đông Nam Á), THAIGAP (của Thái Lan) và VietGAP (của Việt Nam).

Việt Nam nở rộ mô hình rau củ quả sạch

Nhiều tỉnh đã xây dựng và hình thành được vùng sản xuất rau củ quả an toàn tập trung, có sản lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, con số này ngày càng tăng hơn nữa. Tuy nhiên, các vùng sản xuất rau củ quả an toàn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước, đồng thời còn nhiều hạn chế như thiếu đầu tư, chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm.

Trưng bày rau củ quả sạch tại cửa hàng Đà Lạt House ở thành phố Thủ Dầu Một

Những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là sản phẩm phải an toàn về dư lượng các chất gây độc (thuốc BVTV, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, các loại kim loại nặng, vi sinh vật gây hại) không vượt quá mức cho phép và bảo đảm cho sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm phải đạt chất lượng cao (đẹp, ngon, an toàn).

Song các nhà sản xuất rau củ quả sạch đang đứng trước bài toán khó: Các quy trình sản xuất theo GAP hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh học, nên môi trường được bảo vệ và an toàn cho người lao động khi làm việc. Sản xuất sản phẩm an toàn thì năng suất sẽ thấp hơn và mất thêm chi phí về bao bì đóng gói và chứng nhận sản phẩm an toàn, nên giá cao hơn. Song đáng mừng là rau củ quả sạch đã dần chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều người tiêu dùng đã sẵn sàng trả giá cao hơn nếu mua đúng được sản phẩm an toàn.

Vì vậy, người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm an toàn, sức mua tăng, chính là nguồn động viên, khuyến khích người sản xuất đầu tư sản xuất ra sản phẩm an toàn!

Nhiều thương hiệu rau sạch Bình Dương lên ngôi…

Hiện tại, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có hàng chục cửa hàng, nhà phân phối các loại sản phẩm rau củ quả sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Với việc khai trương và đưa vào hoạt động hàng loạt cửa hàng rau củ quả an toàn thời gian gần đây đã góp phần mang đến cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn sản phẩm rau củ quả sạch, an toàn cho sức khỏe.

Người dân Bình Dương rất tự hào với các thương hiệu đình đám: Bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng). Năm 2016, bà Thủy vinh dự là 1 trong 10 gương nông dân xuất sắc trong cả nước được nhận giải “Sao thần nông - cho mùa bội thu” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Bà là người phụ nữ đầu tiên mang giống bưởi da xanh ở Bến Tre về trồng ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Các thương hiệu nông nghiệp khác cũng rất nổi tiếng: Bưởi da xanh cựu chiến binh Nguyễn Hữu Vận (ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo). Đặc biệt, Bưởi Đoàn Minh Chiến, trang trại đại tá, với hơn 50 ha ở Bình Mỹ và Tân Định, Tân Uyên là mô hình trang trại tổng hợp thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP nhiều năm liền….

Nông dân, doanh nhân Nguyễn Hữu Vận cho biết: “Chúng tôi làm trang trại xanh và sạch, để đóng góp cho đời nhiều mảng xanh và sản phẩm xanh, sạch. Ngoài việc muốn làm giàu, thoát khỏi kiếp nghèo khó, mong muốn cuối cùng là cho thế giới khỏe mạnh hơn, tươi đẹp hơn!”

Cánh chim đầu đàn Unifarm

Nhắc đến rau củ quả sạch không thể quên Khu nông nghiệp công nghệ cao (UniFarm) ở An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, thành viên của Tập đoàn U&I Unifarm, cánh chim đầu đàn về nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương. Được hình thành từ năm 2008, Unifarm đã trở thành mô hình kinh tế xanh điển hình, mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu, ra biển lớn. Từ một công ty nhỏ, ít ai biết đến, đến nay Unifarm đã phát triển mạnh mẽ với số lượng nhân công, chuyên gia, kỹ sư lên đến gần 200 người. Unifarm trở thành tên tuổi quen thuộc đối với hệ thống siêu thị trong nước và các nhà buôn quốc tế. Lãnh đạo Unifarm nhận định, nguồn khách hàng của công ty đã ổn định và không ngừng tăng trưởng, chính là điều kiện cần và đủ để công ty quyết định đa dạng hóa sản phẩm trái cây cung cấp cho thị trường. Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái được sự đánh giá rất cao của các nhà chuyên môn cũng như lãnh đạo tỉnh. Trong nhiều năm liền, Unifarm là đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của tỉnh trong ngành nông nghiệp. Hàng chục bằng khen cấp tỉnh được trao cho tập thể và cá nhân điển hình của Unifarm chính là thước đo của một mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Unifam đã đưa rau củ quả sạch của Bình Dương ra Hàn Quốc, Nhật và Mỹ… Công ty Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng thậm chí còn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, từ chương trình phối hợp nông dân thành doanh nhân, cho biết: “Tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp mạnh, nông dân còn ít đất, vẫn có thể làm mô hình nông nghiệp đô thị, vẫn được tỉnh cho vay vốn lãi suất ưu đãi. Chỉ với diện tích đất vài trăm m2, nông dân đã có thể làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao với các loại rau trồng ngắn ngày như: Tía tô, ngò gai, hành lá, ớt… Nhu cầu tại tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận cho loại rau ngắn ngày sạch này cũng rất tiềm năng. Mô hình trồng rau màu ngắn ngày này rất hợp với chiến lược sản xuất nông nghiệp “lấy ngắn nuôi dài” tại các hộ nông dân đang phát triển mô hình vườn, ao, chuồng và các trang trại!”

Để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Việt Nam đã phải phê chuẩn nhiều công ước có liên quan đến SXSH cụ thể: Ngày 22-9- 1999 Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ký vào Tuyên ngôn Quốc tế về SXSH, thể hiện sự cam kết của Chính phủ phát triển đất nước theo chiến lược bền vững. Đặc biệt trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15-11-2004 đã viết: Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng: Sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường. Việt Nam đã có chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến 2010 và định hướng đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH. Từ năm 2000 đến năm 2005 có khoảng 180 doanh nghiệp công nghiệp tại 34 tỉnh thành đã tham gia vào các hoạt động đánh giá, trình diễn SXSH tập trung chủ yếu trong các thành phố lớn.

Một trong những vấn đề quan tâm đối với khái niệm SXSH trong nông nghiệp là tạo ra được các sản phẩm nông nghiệp an toàn, trong đó vấn đề sản xuất rau sạch được cả nước đặc biệt quan tâm. Trong những năm vừa qua, nhiều cơ quan trong nước, nhiều vùng sản xuất đã nghiên cứu và xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn. Diện tích trồng rau an toàn cả nước hiện có 19.937 ha, tăng 2,54 lần so với năm 2003, tăng trên 10 lần so với năm 2001; (chiếm 4,49% tổng diện tích rau trồng trong cả nước). Các tỉnh phía Bắc 5.068 ha (chiếm 2,75% diện tích rau trong vùng), các tỉnh Khu 4 cũ 817 ha (chiếm 8,6%), các tỉnh miền Trung - Tây nguyên 2.056 ha (chiếm 4,1%) và các tỉnh, thành phố phía Nam 9.996 ha (chiếm 5,7%).

BẢO ANH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang