• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Diện tích cây măng cụt đang giảm dần

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 18/06/2018
Ngày cập nhật: 19/6/2018

Măng cụt từ lâu đã trở thành cây đặc sản của tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Năm 2015, diện tích măng cụt trên 1.600ha, tuy nhiên, sau hạn mặn năm 2016, diện tích loại cây được ví là “nữ hoàng” cây ăn trái bị sụt giảm liên tục qua từng năm. Ngay như ở chính “thủ phủ” của loài cây này là huyện Chợ Lách, người dân dần đốn bỏ măng cụt để thay thế bằng cây trồng khác.

Năm 2014, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách có trên 247ha trồng măng cụt nhưng năm 2017 chỉ còn khoảng 204ha.

Nhiều năm không hiệu quả

Thời điểm này đang vào vụ măng cụt, nếu những năm trước đi dọc các con đường liên xã Tân Thiềng, Vĩnh Thành... măng cụt chín đen cây, thế nhưng năm nay, đi hầu hết các vườn của người dân ở xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Tân Thiềng... măng cụt đều cho trái rất ít, thậm chí có cây lá xum xuê mà không cho trái.

Anh Lê Văn Sơn, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách cho biết: Nhiều năm trước, mỗi cây măng lão đến mùa thu hoạch cũng được khoảng 300 - 400kg nhưng giờ tìm chục ký không ra. “Mùa này những năm trước ở xa nhìn cây thấy trái chín, trái xanh lủng lẳng, đếm không hết. Còn như năm nay, nhìn thấy toàn lá, phải vạch lá, nhìn kỹ mới thấy được vài trái”, anh Sơn rầu rĩ nói.

Măng cụt là loại cây ăn quả có tiếng của tỉnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân đã dần chuyển đổi diện tích cây măng cụt sang các loại cây trồng khác như bưởi da xanh, sầu riêng và sản xuất cây giống. Theo người dân thì cây măng cụt giờ không đem lại hiệu quả kinh tế nữa, trong khi những loại cây khác đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần măng cụt.

Vĩnh Hòa là một trong những xã có diện tích trồng cây măng cụt lớn của huyện Chợ Lách. Năm 2015, toàn xã có trên 247ha trồng măng cụt nhưng đến nay chỉ còn khoảng 204ha. Theo ông Trần Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, trước năm 2015, sản lượng măng cụt mỗi năm khoảng 4.000 tấn, sau hạn mặn giảm khoảng 50%. Do nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng rất lớn đến cây măng cụt, dẫn đến năng suất thấp.

Khu vườn 3 công của ông Nguyễn Văn Thùy, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách hơn 2 tháng trước còn là vườn măng cụt 20 năm tuổi. Thế nhưng, sau đợt hạn mặn 2016, mặc dù ông đã dùng nhiều biện pháp xử lý nhưng cây liên tục không cho trái hoặc ra trái rất ít. Vì vậy, ông Thùy đành đốn bỏ măng cụt để chuyển sang trồng khác.

Với 11 công trồng măng cụt đã hơn 20 tuổi, sau đợt hạn mặn năm 2016, anh Lê Văn Sơn, xã Phú Sơn cũng dần đốn bỏ khoảng 6 công để chuyển sang ươm cây giống: xoài, sầu riêng. Anh Sơn cho biết, cây măng cụt thất thu mấy năm liền không có trái nên cuối cùng phải quyết định đốn bỏ.

Diện tích giảm nhanh

Năm nay, măng cụt nhà ông Nguyễn Quốc Cường, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách tiếp tục cho trái ít dần. 1,1ha trồng măng cụt với hàng trăm gốc nhưng phần lớn các cây không cho trái hoặc ra trái rất ít, chỉ khoảng 10 - 20% so với năm 2014 trở về trước.

Trước cơn sốt cây giống, một số hộ trong xã Vĩnh Hòa đã đốn bỏ măng cụt để chuyển đổi sang sản xuất cây giống. Biết rằng cây măng cụt không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao như trước đây nhưng ông Cường vẫn quyết giữ lại diện tích măng cụt với hy vọng loại cây “nữ hoàng” này sẽ lên ngôi trở lại.

Theo ông Bùi Văn Bé Chính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa, hiện nay ở xã có khoảng 180 hộ chuyển đổi diện tích măng cụt sang trồng kiểng, cây giống nhưng mỗi hộ cũng chỉ chuyển đổi từ 2 - 3 công đất, diện tích còn lại vẫn canh tác măng cụt. Bởi từ xưa đến nay, cây măng cụt ở xã Vĩnh Hòa chất lượng rất ngon, nhiều hộ khá, giàu của xã cũng là nhờ cây măng cụt. Xã cũng phối hợp với Trạm khuyến nông của huyện tập huấn cho người dân kỹ thuật để chăm sóc cây măng cụt cho trái lại. Năm 2018, bước đầu cây măng cụt đã dần phục hồi trở lại.

Theo quy hoạch, huyện Chợ Lách có 4 loại cây chủ lực là chôm chôm, bưởi, sầu riêng và măng cụt. Tuy nhiên, từ năm 2014 - 2017, diện tích cây măng cụt sụt giảm liên tục (năm 2014 là 1.127ha, đến năm 2017 còn khoảng 969ha). Thời gian gần đây măng cụt ở một số xã như: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa... thường xuyên bị xì mủ, thương lái không mua hoặc ép giá; còn các xã như Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Tân Thiềng... thì bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, không ra hoa, đậu trái. Trong khi đó ngành nông nghiệp vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, vì vậy người dân dần đốn bỏ cây măng cụt, dẫn đến diện tích cây măng cụt bị giảm liên tục.

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cây măng cụt hiệu quả kinh tế không cao hơn so với các loại cây khác. Đặc biệt, cây măng cụt cũng mẫn cảm với thời tiết, nhất là mặn, cây không ra hoa, thậm chí bị chết cho nên người dân chuyển đổi. Những xã chuyển đổi nhiều nhất phải kể đến là Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa.

Để duy trì cây măng cụt thì chỉ có thể ở những vùng không chịu sự tác động của xâm nhập mặn, cũng như điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thị trường, làm sao giá cả thị trường cao thì người dân mới giữ cây măng cụt bởi vì năng suất cũng như sản lượng cây măng cụt rất thấp.

Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, măng cụt chỉ được trồng ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Lách. Năm 2015, diện tích cây măng cụt của tỉnh là 1.627ha, đến năm 2016 giảm còn 1.510ha. Mặc dù, hiện nay chưa có thống kê chính thức về diện tích măng cụt năm 2017, nhưng qua theo dõi tình hình thì diện tích măng cụt cũng đang giảm dần.

Bài, ảnh: Viết Duyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang