• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trăn trở nông sản Sóc Trăng và chuyện xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/06/2018
Ngày cập nhật: 18/6/2018

Mặt hàng trái cây, rau màu nếu được xuất khẩu sẽ mang về lợi nhuận cao, giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, để đến được thị trường các nước: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan... thì đòi hỏi nhà vườn phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các loại cây có múi tại Sóc Trăng sẽ có cơ hội xuất khẩu.

Khó khăn trong tiêu thụ nông sản an toàn

Toàn tỉnh hiện có 8 hợp tác xã (HTX) được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, đã hỗ trợ rất nhiều cho các thành viên trong việc tiêu thụ nông sản ra thị trường, đặc biệt là vào các cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể… Tuy nhiên, qua thực tế nhiều năm sản xuất, hầu hết các loại sản phẩm do HTX sản xuất chỉ được ký kết bao tiêu theo thời vụ, với sản lượng do doanh nghiệp ký kết còn hạn chế và số sản phẩm còn lại HTX bán cho thương lái bên ngoài theo thời giá. Hầu hết HTX chủ yếu bán cho thương lái chứ chưa bao giờ được ký kết bao tiêu. Đây chính là vấn đề “nan giải” của phần lớn HTX sản xuất theo quy trình VietGAP và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, bởi sản phẩm chất lượng cần có thị trường tiêu thụ ổn định thì người dân mới mặn mà, mạnh dạn đầu tư sản xuất, do chi phí sản xuất theo quy trình VietGAP dù giảm giá thành nhưng cần phải nhiều công chăm sóc.

Với trái cây là vậy, còn đối với cây lúa an toàn, việc mong muốn tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sau thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Kim Sa Huil - Giám đốc HTX Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành) chia sẻ: “HTX chúng tôi có diện tích 61ha canh tác các loại lúa đặc sản, cao sản với sản lượng ước 743 tấn/năm và lúa sản xuất theo quy trình VietGAP. Mặc dù lúa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra giá cao hơn bên ngoài thị trường 100 đồng - 200 đồng/kg nhưng số lượng còn hạn chế. Vì canh tác lúa an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng nên HTX mong sản phẩm do HTX sản xuất được doanh nghiệp bao tiêu 100% và sản phẩm xuất khẩu để giúp thành viên tăng lợi nhuận, mạnh dạn mở rộng diện tích đất và vận động được nhiều nông dân vào HTX, nhằm tạo ra sản lượng lúa lớn, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ”.

Là HTX sản xuất xoài theo quy trình VietGAP và đã được cấp chứng nhận, nhưng HTX Nông nghiệp An Phát, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) vẫn bán xoài cho thương lái 100% và chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu trái xoài cát chu của HTX, dù sản lượng 240 tấn trái/năm. Đây chính là một trong những thiệt thòi của HTX, bởi xoài bán theo giá thị trường, thành viên không được tăng thêm phần chênh lệch giá, còn nếu được doanh nghiệp bao tiêu, giá sẽ cao hơn và ổn định hơn.

Với tâm trạng lo lắng tìm hướng ra cho trái nhãn tiêu da bò, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, xã An Lạc Tây (Kế Sách) Nguyễn Hiền Hòa bộc bạch: “Hàng năm, sản lượng nhãn của HTX xuất bán ra thị trường 147 tấn nhưng hầu hết đều bán cho thương lái, theo giá thị trường. Chính vì vậy, phần nào thiệt thòi cho thành viên, bởi nhãn ở đây được canh tác theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng bán theo giá thị trường nên đã hạn chế phần nào thu nhập của thành viên. Tôi mong rằng có doanh nghiệp bao tiêu trái nhãn tiêu da bò để thành viên an tâm sản xuất”.

Vú sữa tím sẽ là một trong các mặt hàng được doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn xây dựng vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ bí quyết

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi thị trường Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Hiện tại, công ty đang thu mua nhãn Ido tại tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng. Qua thực tế thu mua nhận thấy, tại Sóc Trăng hiện số lượng lớn trái cây có tiềm năng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ nhưng lại thiếu người đứng ra làm đầu mối trung gian cũng như ký kết với doanh nghiệp trong việc xuất bán trái cây nên gây nhiều khó khăn. Do vậy, một số lô hàng trái cây khi công ty mua, người dân cam kết rằng sản phẩm không có sử dụng các loại thuốc cấm theo danh mục nhưng khi sang Mỹ họ kiểm tra hàng thì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàng bị trả về làm khó cho doanh nghiệp vì mua hàng của người dân theo sự tin tưởng”. Từ thực tế trên, ông Tùng đề nghị Sóc Trăng muốn bán hàng phải có người làm đầu mối trung gian để doanh nghiệp yên tâm ký kết hợp đồng thu mua và người trung gian này phải chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn, số lượng hàng cung cấp.

Ông Đỗ Thanh Hoài, đại diện Công ty The Fruit Republic Cần Thơ chia sẻ: “Công ty chuyên thu mua các loại trái cây có múi xuất đi thị trường châu Âu nên nhu cầu nguồn hàng rất lớn”. Theo ông Hoài, Sóc Trăng có thế mạnh về cây có múi là: bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn… Với các loại trái cây trên thì thị trường châu Âu rất ưa chuộng, nhưng điều cấm kỵ nhất là sản phẩm xuất đi phải đảm bảo chất lượng. Do vậy, phải quản lý tốt dịch hại tấn công trên trái, như: dòi đục trái, loét trái... Riêng với công ty, nếu ký kết hợp đồng thu mua trái cây tại Sóc Trăng sẽ có chính sách rõ ràng, hỗ trợ phần kỹ thuật và đảm bảo thời gian ký kết lâu dài bởi xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, không phải chuyện ngày một ngày hai”.

Đại diện Công ty Thiên Kim TP. Hồ Chí Minh Trương Thị Hoa thông tin: “Công ty chuyên về xuất khẩu mặt hàng trái sầu riêng, mãng cầu xiêm, kể cả các loại rau mùi, đặc biệt là ngò gai, quế. Để trái mãng cầu xiêm vào được thị trường xuất khẩu phải bao trái, tránh tình trạng bị phấn trắng hay sâu đục trái. Còn với các loại rau mùi, không bị sâu vẽ bùa, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nhu cầu khách hàng cần rau mùi rất lớn nhưng công ty không đáp ứng được tiêu chí trên. Qua đây, Sóc Trăng cần có nghiên cứu canh tác đúng theo quy trình khi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo sự uy tín hàng hóa, uy tín công ty xuất khẩu tạo mối làm ăn bền vững”.

Những chia sẻ thực tế của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng nông sản đã giúp nông dân Sóc Trăng nắm để áp dụng vào quy trình sản xuất nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cũng theo các doanh nghiệp xuất khẩu, ngay trong vụ mùa này, doanh nghiệp sẽ đến trực tiếp tại các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái, rau màu của tỉnh để tìm hiểu và xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng bao tiêu trực tiếp cùng người nông dân để đưa đi xuất khẩu. Đây chính là dịp giúp nông dân Sóc Trăng tăng thêm nguồn thu nhập và yên tâm sản xuất khi có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giải quyết đầu ra.

Thúy Liễu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang