• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kết quả bước đầu từ mô hình liên kết ‘bốn nhà’ trồng dứa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 14/05/2018
Ngày cập nhật: 16/5/2018

Thực hiện Quyết định 389/QĐ-UBND ngày 3/3/2017 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Công ty Đồng Giao) ở Ninh Bình trồng dứa Queen theo quy trình liên kết “bốn nhà”. Thời gian qua, Chi cục Trồng trọtBảo vệ thực vật (TT-BVTV) và UBND các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đã nỗ lực triển khai thực hiện mô hình này.

Cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiểm tra mô hình trồng dứa ở xã Cam Thủy

Tại mô hình trồng dứa ở Hợp tác xã Thủy Đông, xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ dứa được trồng theo quy trình có màng phủ trên nền đất đỏ với quy mô 10 ha. Ông Nguyễn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, toàn HTX có 15 hộ tham gia mô hình trồng dứa thâm canh này. Sau khi có chủ trương của tỉnh và huyện, nông dân bắt đầu chuẩn bị đất và bón phân từ tháng 2/2017 và đến cuối tháng 3/ 2017 bắt đầu trồng dứa. Hiện tại cây dứa ở xã Cam Thủy phát triển tốt, cho ra quả đều gần 100%, có nhiều diện tích cho quả tuy đang non nhưng trọng lượng đã từ 0,3 đến 0,4 kg/ quả. Dự kiến đến khi thu hoạch sản lượng dứa thu được từ 35 đến 40 tấn/ha, đây là vùng dứa tốt nhất tỉnh. Còn với các mô hình trồng dứa xen lạc, ném và keo lưỡi liềm trên đất cát trắng quy mô 12 ha được triển khai tại huyện Gio Linh và Vĩnh Linh là mô hình thử nghiệm lần đầu.

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết mô hình trồng dứa được triển khai tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, có quy mô 4 ha với 12 hộ tham gia. Dứa được trồng trên đất cát trắng có màng phủ và hệ thống tưới phun nước. Người dân làm đất bón phân, phủ bạt đến đâu, tiến hành trồng đến đó. Tại mô hình này hệ thống tưới vận hành từ ngày 22/5/2017, sau khi trồng 44 ngày nên cây dứa phát triển kém do nắng nóng gay gắt vào hè 2017. Mới đây qua kiểm tra cho thấy tỷ lệ dứa ra hoa khoảng 44%, trọng lượng quả loại một nặng từ 3,5 kg trở lên chiếm tỷ lệ 35 đến 40%. Tại huyện Vĩnh Linh có ba mô hình được triển khai. Mô hình ở xã Vĩnh Thái triển khai ở thôn Thái Lai có diện tích 3 ha với 10 hộ dân tham gia trồng dứa xen keo lưỡi liềm trên cát trắng. Sau trồng gần 2 tháng hệ thống tưới nước cho cây dứa được đi vào vận hành. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng vào cuối tháng 4/2017 thì tỷ lệ dứa ra hoa khoảng 44%, trọng lượng quả từ 3,5 kg chiếm tỷ lệ 25 đến 30%.

Tại xã Vĩnh Tú, ông Nguyễn Đình Khanh, cán bộ nông nghiệp xã cho biết mô hình trồng dứa xen lạc trên cát trắng ở HTX Huỳnh Công Tây có diện tích 3 ha với 30 hộ tham gia và có hệ thống tưới nước cho cây dứa. Còn mô hình trồng dứa xen ném trên cát trắng có màng phủ, có hệ thống tưới nhỏ giọt, quy mô 2 ha ở HTX Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú với 15 hộ tham gia. Giai đoạn bắt đầu trồng và sau khi trồng dứa, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đã làm cho cây dứa phát triển kém, lá chuyển vàng. Từ khi có hệ thống tưới cây đã chuyển trở lại màu xanh. Hiện nay cây dứa sinh trưởng khá tốt, dự kiến trọng lượng quả loại một (trên 3,5kg/quả) chiếm tỷ lệ 70 đến 80%. Tất cả các mô hình trên đều có quy trình bón lót 20 tấn phân chuồng, phân vi sinh 350 kg, đạm urê 770 kg, lân 980 kg, kali 770 kg và 700 kg vôi /ha đất trước khi trồng. Phân được bón, bạt được phủ đến đâu người dân tiến hành trồng dứa đến đó với mật độ 50 ngàn cây /ha. Đến khoảng mười tháng sau khi cây dứa lên khá tốt, nông dân tiếp tục bón thúc với lượng phân bón có tỷ lệ 330 kg urê, 420 kg lân, 330 kg kali /ha. Riêng các mô hình ở Gio Linh và Vĩnh Linh do lần đầu tiên trồng thử nghiệm dứa trên đất cát trắng nên sau khi bón lót và bón thúc cho cây dứa thì Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hướng dẫn nông dân bổ sung thêm phân bón để cây dứa phát triển, đồng thời cấp các chế phẩm dinh dưỡng như komix super, định ký 10 ngày phun một lần cho cây dứa phát triển tốt.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV nhận xét, mô hình trồng dứa ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ rất tốt. Còn mô hình trồng dứa xen lạc, ném và keo lưỡi liềm ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đều trồng trên đất cát trắng. Tuy nhiên, do mùa hè năm 2017 thời tiết quá khắc nghiệt, nhiệt độ cao, ngày nắng nhiều, các cơ quan chức năng cũng hết sức cố gắng đầu tư hệ thống tưới nước, nhưng do hoàn thành để đưa vào vận hành hơi chậm so với kế hoạch ban đầu nên đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây dứa. Thời gian từ khi trồng đến khi có hệ thống tưới mất gần 2 tháng đã làm cho cây dứa ngả vàng do thiếu nước. Khi hệ thống tưới vận hành, cây dứa đã chuyển sang màu xanh.

Hiện nay cây dứa ở các mô hình đang giai đoạn nuôi quả, tỷ lệ quả chính vụ có năng suất trung bình khoảng 35 tấn/ha. Dự kiến đến khoảng tháng 6 và 7/2018 các mô hình dứa này sẽ cho thu hoạch.Theo tính toán, mỗi héc ta dứa, chi phí đầu tư cho giống, phân bón, công làm đất khoảng 100 triệu đồng. Nếu năng suất trung bình đạt từ 35 đến 40 tấn/ha, mỗi cân dứa có giá khoảng 4 ngàn đồng (như giá hợp đồng đã ký) ước tính mỗi năm một héc ta dứa, người dân thu thấp nhất là 140 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư thì còn khoảng 60 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng rừng và các loại cây hoa màu khác trên cùng diện tích.

Lần đầu tiên tổ chức mô hình trồng dứa thâm canh trên đất đỏ cũng như thử nghiệm trên cát trắng với diện tích lớn nên mặc dù được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật bài bản nhưng nông dân cũng vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Từ khi thực hiện các mô hình trồng dứa đến nay, đoàn cán bộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho nông dân cũng như cán bộ nông nghiệp các huyện, xã tham gia mô hình. Đợt một tập huấn cho toàn bộ các hộ tham gia mô hình và các hộ ngoài mô hình. Nội dung tập huấn là kỹ thuật làm đất, bón phân, trồng và chăm sóc. Đợt hai tập huấn nhằm hướng dẫn bón phân thúc đợt 2, xử lý ra hoa và phòng trừ dịch bệnh. Đợt ba tập huấn về kỹ thuật nuôi quả, tỉa chồi ươm giống và phòng trừ sâu bệnh.

Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty Đồng Giao, cây dứa ở các xã vùng cát trắng ven biển như Vĩnh Thái, Vĩnh Tú của huyện Vĩnh Linh sinh trưởng kém. Vì vậy dự kiến số quả dứa đạt chất lượng loại một chỉ đáp ứng được 35 đến 40% sản lượng. Số lượng còn lại phải bán lẻ ngoài thị trường. Để đảm bao năng suất cuối vụ, tăng tỷ lệ quả loại một cho người dân khỏi thiệt thòi và công ty thu mua theo hợp đồng, Sở Nông nghiệp- PTNT, Chi cục TT-BVTT đã đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng dứa, giúp Quảng Trị tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình. Học viện cần nghiên cứu gấp các giải pháp để nâng cao năng suất cây dứa trên cát, đảm bảo quả dứa đạt tỷ lệ loại một cao hơn nữa để công ty thu mua toàn bộ sản lượng dứa có ở mô hình cho nông dân.

Việc thực hiện mô hình liên kết “bốn nhà” trồng dứa là cơ hội tốt cho người dân Quảng Trị chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống. Riêng trồng dứa trên cát là dịp thử nghiệm để cải tạo đất nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng ven biển. Sau khi thu hoạch vụ dứa năm 2018 kết thúc, Chi cục TT-BVTV sẽ tổng kết và có khuyến cáo rõ ràng cho người dân về việc mở rộng diện tích trồng dứa trên các loại chân đất.

Trần Tú Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang