• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Vải, nhãn được mùa nhưng không được để mất giá’

Nguồn tin: Báo Công Thương, 18/04/2018
Ngày cập nhật: 19/4/2018

Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, tại Hội nghị bàn giải pháp chăm sóc từ nay đến cuối vụ và phương án xúc tiến tiêu thụ nhãn, vải niên vụ 2018, do Bộ NN&PTNT phối hợp các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và Lạng Sơn, tổ chức sáng ngày 18/4, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Vải, nhãn được mùa

Vải, nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc gồm Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên và Hải Dương, với tổng diện tích năm 2017 là 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Năm nay, sản lượng vải các tỉnh ước đạt trên 217.000 tấn. Đối với nhãn sản lượng khoảng 80.000 tấn.

Bắc Giang là thủ phủ của trái vải. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho hay, năm nay, dự kiến sản lượng vải của Bắc Giang sẽ đạt 150-180 nghìn tấn, tăng gần hai lần so với năm ngoái. Trong đó có 20% là vải thiều sớm. Được mùa là tin vui, song cũng là áp lực lớn của Bắc Giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả vải. Hiện Bắc Giang đã lên kế hoạch tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến để đẩy mạnh tiêu thụ nhãn, vải. “Trong tháng 5 và tháng 6 tới đây, Bắc Giang sẽ tổ chức 3 hội nghị xúc tiến tại: Bằng Tường (Trung Quốc), Bắc Giang và Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Tương tự, tại Hải Dương, lượng nhãn, vải tăng lên gấp đôi so với năm ngoái. Bài toán tiêu thụ đang được lãnh đạo các địa phương hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, năm nay, dự kiến vải được mùa, sản lượng đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ năm 2008 và tương đương với năm 2008. Tổng sản lượng vải năm nay dự kiến đạt 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, trà vải thiều chính vụ dự kiến đạt 35.000 - 40.000 tấn. Vải này chủ yếu bán ở thị trường nội địa, xuất khẩu đi Trung Quốc và các nước. Hàng năm, do thu hoạch trùng thời gian thu trà vải chính vụ của Trung Quốc và Bắc Giang nên rất cần có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ.

Về đầu ra sản phẩm năm nay, ông Nguyễn Anh Cương cho hay, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội vải Thanh Hà cuối tháng 5/2018, đồng thời bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chiếu xạ còn cao, vận chuyển xa nên lượng xuất khẩu chưa được nhiều. “Hải Dương rất cần các nhà khoa học vào cuộc để giúp Hải Dương bảo quản vải được lâu hơn, để tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn. Đồng thời mong các công ty lớn như Hapro, Đồng Giao, Co.opmart, các doanh nghiệp lớn… giúp người dân Hải Dương tiêu thụ vải”, ông Cương đề nghị.

Đưa trái vải đến với người tiêu dùng cả nước

Chủ động kịch bản tiêu thụ

Theo Cục Trồng trọt, hiện 50% sản lượng vải trong nước tiêu thụ nội địa và con số này đang có xu hướng gia tăng. Đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC,…., các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP.HCM... Trong khi đó, nhãn nước ta chủ yếu tiêu thụ nội địa tại các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh.

Về xuất khẩu vải tươi vài năm gần đây cũng được mở rộng đáng kể và đã đến được nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia các quốc gia trong ASEAN, Trung Đông...

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu trái vải chủ yếu của nước ta. Hiện tại, nhiều địa phương khá lo lắng vì vừa qua, Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây (GXCIQ) gửi văn bản thông báo nội bộ cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc với nội dung tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu trong đó có Việt Nam.

Tại hội nghị, nhiều địa phương kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu nhãn, vải vào thị trường này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, quy định trên là do Trung Quốc đang thay đổi cơ chế quản lý, hợp nhất cơ quan kiểm dịch và hải quan. Thực tế, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn thông quan bình thường sang Trung Quốc và không gặp trở ngại về các quy định truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm dịch thực vật. Tuy vậy, Việt Nam cần lưu ý về bao bì đóng gói theo yêu cầu phía bạn để thuận lợi cho xuất khẩu. “Năm nay xuất khẩu nhãn, vải sẽ gặp nhiều thuận lợi do phía Trung Quốc mất mùa hoa quả. Từ ra Tết đến nay, lượng hoa quả, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh”, Nguyễn Công Trưởng cho hay.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các tỉnh tăng cường sản xuất nhãn, vải theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, nâng cao chất lượng để hướng tới các thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là vì thời tiết có thể diễn biến bất thường, đồng thời yêu cầu các địa phương xây dựng ngay kịch bản tổ chức tiêu thụ 1 cách căn cơ, tỉ mỉ.

Với quy định mới từ thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng khẳng định, đây chỉ là sự thay đổi cơ chế giám sát của nước bạn chứ không gây khó khăn gì cho xuất khẩu nông sản nước ta. “Chúng tôi đã cử người sang Quang Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh. Không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Chúng ta phải hết sức chủ động kịch bản tổ chức thị trường tiêu thụ. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương trọng điểm, năm nay sẽ làm sớm hơn, quyết liệt hơn, trong đó, cần chú trọng cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Hạnh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang